Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Doanh nghiệp nhà nước tự vay thì tự trả, nếu không trả sẽ ép phải trả bằng các quy định pháp luật cao nhất'

01/03/2017 20:26 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong phiên họp thường kỳ tháng 2 năm 2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc đến vấn đề nợ công như một trong số các nội dung chủ chốt trong Thông cáo Chính phủ sắp tới

Từ lâu nay, nợ công vẫn luôn là một vấn đề thời sự được đông đảo dư luận quan tâm. Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2017 diễn ra vào chiều tối ngày 1/3, người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc đến vấn đề nợ công như một trong số những nội dung chủ chốt trong thông cáo báo chí Chính phủ sắp được ban hành.

Theo đó, nhắc đến vấn đề cách tính nợ công, ông Dũng đã khẳng định nợ công chính phủ hiện tại chỉ được tính bao gồm 3 thành phần: nợ công của chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.

Trước đó, câu chuyện nợ công Việt Nam, hiện ở mức 62,2% GDP (số liệu tính đến tháng 10/2016), được tính như thế nào luôn là một câu chuyện được nhiều người bàn cãi. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, nếu nợ công Việt Nam được tính như quy chuẩn thế giới, con số đã có thể vượt xa 62,2%.

Một phần nợ rất lớn trong hệ thống kinh tế cũng được dự luận quan tâm là nợ của khối các doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước, ví dụ như trường hợp của Vinashin trước đây.

Tại buổi họp báo, về vấn đề này Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đã nói cho biết: "Các khoản vay nợ của doanh nghiệp nhà nước không được tính là nợ công chính phủ".

Các thành viên Chính phủ thống nhất phạm vi nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Thậm chí, để thể hiện thái độ rất cứng rắn với vấn đề nợ của các doanh nghiệp các vốn nhà nước, ông Dũng còn cho biết:

"Chính phủ không can thiệp bất cứ tiếng nói nào. Doanh nghiệp nhà nước tự đi vay thì tự đi trả. Nếu doanh nghiệp nhà nước vay mà không trả, sẽ ép các doanh nghiệp này phải trả bằng cách dùng các quy định pháp luật cao nhất, ví dụ như luật phá sản hay luật tín dụng".

Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật đã có quy định các khoản nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước được tính vào nợ công, tức là dần tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tinh thần chung là phải sử dụng nợ công hiệu quả hơn, không vượt trần nợ công.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM