Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: GDP 2020 dự kiến tăng gần 3%

23/12/2020 07:02 AM | Xã hội

"GDP dự kiến có thể tăng khoảng gần 3% trong 2020, khoảng 1 tuần nữa chúng ta sẽ có số liệu chính thức. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị Việt Nam, trong đó có cộng đồng doanh nhân, khởi nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2020 có chủ đề "Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới", mà như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, cũng là cơ hội để Bộ lắng nghe ý kiến của các bên nhằm đóng góp cho Chính phủ Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp nhiều hơn.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 vừa qua, cũng như trong hồi phục kinh tế.

"Đặc biệt, GDP dự kiến có thể tăng khoảng gần 3% trong năm 2020", Bộ trưởng cho biết.

"Khoảng 1 tuần nữa chúng ta sẽ có số chính thức, nhưng đến thời điểm này chúng tôi có thể khẳng định tăng trưởng GDP sẽ rơi vào khoảng 2,5 - 3%. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị Việt Nam, trong đó có cộng đồng doanh nhân, khởi nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài".

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: GDP 2020 dự kiến tăng gần 3% - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI.

2020 cũng là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 – 2020, giai đoạn mà Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách để đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

6 thành tựu được đề cập gồm:

- Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội;

- Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm;

- Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 – 2019;

- Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả;

- Cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện;

- Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhìn nhận, trạng thái bình thường mới sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới trong chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách, cũng như trong xây dựng và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, về đầu tư, kinh doanh.

Để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, vượt qua thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái "bình thường mới", Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh và bền vững.

Điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới gắn với tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Tận dụng hiệu quả cơ hội hợp tác quốc tế, đa dạng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFA...

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước bằng các hình thức mới nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng thị trường và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường và mạng lưới đối tác thương mại, thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM