Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Ngành y là ngành đặc biệt, đãi ngộ cũng phải đặc biệt
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể.
25% công chức, viên chức bỏ việc là ở ngành y tế
Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 29/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu những bất cập trong chế độ, chính sách cho nhân viên y tế cơ sở và đề nghị bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Giải trình, làm rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, thành công trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19 có vai trò rất quan trọng, quyết định của mô hình tổ chức y tế dự phòng, y tế cơ sở, của đội ngũ nhân viên y tế. Thông qua đại dịch, chúng ta cũng nhận diện một cách đầy đủ những khó khăn, bất cập về tổ chức bộ máy, về nhân sự của y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Theo đó, mô hình, tổ chức, công tác quản lý y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Về nhân lực y tế, còn có những bất cập cả về số lượng về chất lượng và cơ cấu.
Để giải quyết tổng thể vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh cần phải đặt việc giải quyết vấn đề về tổ chức bộ máy và nhân sự y tế, nhất là nhân sự y tế dự phòng và y tế cơ sở trong tổng thể của Nghị quyết 19 về đổi mới hệ thống tổ chức quản lý và nâng cao chất hiệu quả đơn vị sự nghiệp.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế rà soát, tham mưu cho Chính phủ một đề án về phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược bảo đảm nhân lực y tế khu vực công trong tình hình mới.
"Trong số công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc trong thời gian vừa qua thì số viên chức y tế cũng chiếm tới 25% trong tổng số 39.000 người" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội
Bộ Nội vụ đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo ổn định về mô hình tổ chức, bộ máy và cũng phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức này.
"Về trung tâm y tế cấp huyện, chúng tôi thấy rằng cũng có hai luồng ý kiến khác nhau rằng, nên để Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý hay sở y tế quản lý. Chúng tôi thấy cần phối hợp với ngành y tế để xem xét lại những vấn đề trên để chúng ta đảm bảo sự quản lý phù hợp với yêu cầu hiệu quả tốt nhất" – bà Trà nêu rõ.
Liên quan cơ chế chính sách tiền lương của nhân viên y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh vấn đề này đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Trong đó sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng về chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung và y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng để đảm bảo đúng quan điểm của Đảng: "Ngành y là ngành đặc biệt, sử dụng và đãi ngộ cũng phải đảm bảo chính sách đặc biệt".
Trưởng ngành nội vụ cũng đề xuất một số giải pháp khác như sửa đổi bổ sung chính sách tuyển dụng sử dụng chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức y tế; chính sách thu hút bác sĩ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn; sửa đổi Nghị định về cơ chế tự chủ, xã hội hóa, đẩy mạnh cơ chế đặt hàng…
Bên cạnh đó xác định rõ định mức biên chế trên cơ sở, vị trí việc làm theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế xã hội, của các vùng miền, không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với y tế cơ sở.
Liên quan việc khen thưởng sau đại dịch COVID-19. bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đề xuất cấp có thẩm quyền để xem xét và giải quyết.
Giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế
Cũng về chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thêm, năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản. Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cũng đã đánh giá được những kết quả, những mặt được làm được, những vấn đề còn tồn tại về chính sách y tế cơ sở, y tế dự phòng;
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội
Bộ Y tế trân trọng tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu và cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ về xây dựng Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, với nhiều nội dung liên quan tới mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế triển khai thực hiện, phương thức triển khai thực hiện…
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đã giải trình về các giải pháp tháo gỡ khó khăn mua sắm đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm, đặc biệt sau thời gian hậu COVID- 19.
Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế.
Hiện nay để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật bảo hiểm y tế, Luật phòng bệnh… Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, với các giải pháp tích cực, đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh.
"Bộ Y tế mong muốn nhận được sự đồng hành để tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý đầy đủ và căn cơ" - bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Sẽ thảo luận về việc công bố hết dịch COVID-19 vào cuối tuần này
Liên quan những ý kiến đại biểu Quốc hội về việc chuyển từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B đối với dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu nhưng đại dịch chưa kết thúc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các Bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID-19, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 thảo luận về nội dung này.