Bộ Tài chính trả lời gì về kiến nghị nâng giảm trừ gia cảnh lên 18 triệu?

20/12/2024 09:50 AM | Kinh tế vĩ mô

Cử tri 4 tỉnh, thành phố lớn đã gửi kiến nghị đến Quốc hội về việc sửa quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cử tri Hà Nội cho rằng, mức  giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế tối thiểu phải từ 18 triệu đồng/tháng trở lên. Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có văn bản trả lời.

“Thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống”

Bộ Tài chính cho biết, Bộ nhận được kiến nghị của cử tri TP Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Long, Trà Vinh về việc sửa đổi mức thu nhập chịu thuế TNCN. Theo văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, cử tri Hà Nội phản ánh: hiện nay giá cả, chi phí sinh hoạt của người dân đều tăng, quy định cá nhân không có người phụ thuộc phải nộp thuế TNCN khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công, trên 11 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp.

Bộ Tài chính trả lời gì về kiến nghị nâng giảm trừ gia cảnh lên 18 triệu?- Ảnh 1.

CPI có thể không phản ánh kịp thời biến động giá cả qua từng năm, dù 4 năm qua, CPI luôn thấp. Ảnh: Như Ý, biểu đồ Quyền Thành.

“Mức giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp với mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân của cán bộ công chức, người lao động. Cử tri đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN phù hợp thực tế đời sống hiện nay sau khi Chính phủ điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng”, Cử tri tỉnh Vĩnh Long phản ánh, kiến nghị.

Cử tri tỉnh Trà Vinh cho rằng, với tình hình kinh tế hiện nay, lương tăng thì giá cả tăng, thu nhập của người lao động chưa đảm bảo cuộc sống. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng mức quy định đóng thuế TNCN từ 11 triệu đồng lên 15 triệu đồng/tháng.

Sẽ sửa đổi cho phù hợp

Văn bản trả lời cử tri do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ký đã dẫn quy định của Luật thuế TNCN năm 2009, năm 2013 về mức giảm trừ gia cảnh. Văn bản cũng dẫn chiếu Nghị quyết số 954/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó mức giảm trừ gia cảnh đã được nâng lên, với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng; giảm trừ với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm đã làm bớt đi nghĩa vụ cho người nộp thuế, loại trừ các trường hợp có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN.

Cũng theo Bộ Tài chính, cá nhân khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật thuế TNCN đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này... Mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay cao hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất...

“Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI năm 2020 tăng 3,23%; CPI năm 2021 tăng 1,84%; CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020). Do đó, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh”, văn bản trả lời do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ký viết.

Bộ Tài chính trả lời gì về kiến nghị nâng giảm trừ gia cảnh lên 18 triệu?- Ảnh 2.

Cử tri ở nhiều thành phố lớn cho rằng, thu nhập từ tiền công, lương không đủ trang trải cuộc sống căn bản. Ảnh: Như Ý.

Ngày 22/11, Bộ Tài chính có công văn lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan (được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài chính) về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNCN (thay thế).

Bộ trưởng Tài chính cho biết, sắp tới sẽ nghiên cứu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, rà soát đánh giá Luật thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung luật này. Trong khi sửa luật, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp thông lệ quốc tế và bối cảnh kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Theo ý kiến của một số chuyên gia về thuế, thì dù CPI là một trong những tham số để đánh giá mức tăng chi phí sinh hoạt của người dân, rổ hàng hóa và quyền số để tính CPI chỉ được cập nhật sau mỗi 5 năm, do vậy CPI có thể không phản ánh kịp thời biến động giá cả qua từng năm.

Vậy nên, nếu tiếp tục dựa vào CPI, mức độ biến động CPI cần thiết để xem xét điều chỉnh giảm trừ gia cảnh nên được giảm xuống, thay vì 20% như hiện nay.

Theo Quyền Thành

Cùng chuyên mục
XEM