Bố mẹ hạnh phúc, con mới hạnh phúc: Để tin con, các bậc phụ huynh nên "ngây thơ". Thay vì ba chữ "mẹ yêu con", hãy nói "mẹ tin con"!
Phụ nữ hay đàn ông hiện nay cũng phải tất bật đi làm, kiếm tiền. Chỉ có điều, phụ nữ còn phải lo thêm chuyện nhà cửa nên những khi căng thẳng, rối bù lại chẳng biết trút lên đâu. Và những đứa con phải chịu trận...
Phụ nữ ở độ tuổi 30-45 gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý, thậm chí họ không thể tự mình thoát khỏi và nhiều người trong số họ bị cơn trầm cảm nhấn chìm, số ít đã phải tìm đến tự tử để giải thoát. Mới đây, talkshow "Nụ cười mẹ đâu rồi" có sự góp mặt của nhà báo – nhà văn Hoàng Anh Tú (Anh Chánh Văn), doanh nhân – ca sĩ Nguyễn Thu Trang và CEO Nguyễn Quốc Hưng đã cùng khán giả đưa ra những vấn đề mà phụ nữ thường gặp phải và các cách giải quyết.
Mở đầu chia sẻ, anh "Chánh Văn" bày tỏ: "Phụ nữ trong giai đoạn khủng hoảng tâm lý luôn có người đàn ông kề vai sát cánh thì dẫu khó khăn bao nhiêu cũng vượt qua được. Người phụ nữ khủng hoảng không được chồng quan tâm, chăm sóc sẽ cảm thấy vô cùng cực khổ và người đàn ông phải chịu một phần lỗi trong câu chuyện tâm lý người vợ mình. Phụ nữ Việt Nam chịu áp lực lớn từ bao đời nay rồi, chứ không riêng gì bây giờ. Cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu, áp lực càng nhiều bấy nhiêu.
Hơn nữa, phụ nữ ngày nay cũng đi làm chẳng kém gì đàn ông, cũng là doanh nhân, nỗ lực kiếm tiền, cố gắng bao quát việc nhà… Và không riêng gì phụ nữ, mỗi ngày chúng ta đi ra đường phải đối mặt với bao nhiêu nỗi lo nhưng không biết phải giải tỏa ở đâu, như thế nào.
Trên quan sát của mình, tôi thấy phụ nữ Việt Nam đang bị nhiều áp lực dồn và nhiều trong số họ đã trút lên con cái. Người bố trong gia đình sau khi tan làm thường không để ý nhiều đến con cái, nằm dài trên sofa, xem tivi, lướt điện thoại; con cái muốn gần mẹ thì người mẹ nổi đóa khiến đứa con cảm thấy như bị bạo hành."
Từ áp lực xã hội đến việc không tin con, nhà báo Hoàng Anh Tú giãi bày: "Khủng hoảng của người mẹ đến từ những đòi hỏi của cuộc sống. Con cái có thể đơn giản nghĩ là bố mẹ đang so sánh mình với "con nhà người ta" nhưng không nhìn thấy sự kì vọng bên trong của những người làm cha làm mẹ. Đặc biệt, với những người theo sát từng bước con mình đi như vai trò của các bà mẹ, càng yêu con nhiều lại càng đặt kì vọng lớn lên con.
Trong hôn nhân cũng thế, vì sao người vợ hay cằn nhằn, càu nhàu với người chồng? Lý do là vì luôn kì vọng vào người chồng sẽ trở nên tốt hơn. Nhưng, người phụ nữ trong gia đình càng kỳ vọng bao nhiêu, càng tự mình chuốc lấy stress bấy nhiêu. Thêm nữa, phụ nữ là "chúa suy diễn", nghi ngờ điều con mình làm có lừa dối mình hay không, con mình đi sang nhà bạn học thật hay trốn đi chơi… Vì vậy, mỗi người phụ nữ phải biết sắp xếp cuộc sống, phải biết giải tỏa cuộc sống của mình, nâng cao kiến thức bằng cách trò chuyện tích cực nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn.
Ngày xưa, chúng ta cứ hay nói nhìn con hạnh phúc, cha mẹ hạnh phúc còn bây giờ, người phụ nữ hiện đại cần suy nghĩ ngược lại là chúng ta hạnh phúc, con cái mới hạnh phúc. Không một đứa trẻ con nào được dạy nhưng chúng đều biết mẹ đẹp nhất khi mẹ cười. Mẹ không hạnh phúc thì có "đổ" hàng trăm triệu "đầu tư" vào sự phát triển một đứa trẻ thì mãi mãi nó không cảm nhận được sự hạnh phúc. Với tôi, một người phụ nữ hiện đại là tự biết làm mình hạnh phúc.
Các bậc cha mẹ luôn luôn nói con cái không chịu chia sẻ với cha mẹ nhưng chính chúng ta lại ngăn cản những suy nghĩ của các con bằng cách khi con chia sẻ, ngay lập tức, chúng ta không tin và cho đó là cách bảo vệ con. Suốt 10 năm trời, tôi đi theo con đường làm bạn với con nhưng tôi đã sai. Cha mẹ không bao giờ có thể làm bạn với con được vì đã làm bạn với con, chúng ta phải chấp nhận sai cùng con, không được ngăn cản con.
Vậy nên, tôi chọn cách đồng hành cùng con, có thể chấp nhận hòa tan quyền lực của cha mẹ. Người lớn có nhiều trải nghiệm, gặp nhiều cạm bẫy nên không tin vào con trẻ, không dám để con trải nghiệm. Để tin con, các bậc phụ huynh nên "ngây thơ" và suy nghĩ như một đứa trẻ. Càng yêu con, càng nên đặt niềm tin vào con. Thay vì ba chữ "mẹ yêu con" thì hãy nói "mẹ tin con"."
Bên cạnh những chia sẻ của anh "Chánh Văn", câu chuyện tuổi thơ khó khăn của doanh nhân - ca sĩ Nguyễn Thu Trang cũng khiến khán giả không khỏi cảm động. Chị Trang không may có tuổi thơ toàn đòn roi từ mẹ. Bố chị là cán bộ nhà nước còn mẹ làm công nhân. Bố thường xuyên vắng nhà, mẹ phải làm lụng vất vả, nhận thêm nhiều công việc để nuôi các con. Từ khi 5 tuổi, trên người chị Trang lúc nào cũng hằn những vết đòn roi bởi theo những gì chị còn nhớ, cứ 4 giờ chiều là mẹ cầm roi ra đánh. Khi đó, cô con cả không hề biết lý do vì sao mẹ đánh mình và luôn suy nghĩ xem mình có làm gì sai hay không.
"Sợ hãi, không muốn về nhà là tâm lý của một đứa trẻ hay bị đánh, bị chửi. Có những ngày Trang trốn trong gác xép của nhà hàng xóm, không về nhà vì sợ bị chửi bị đánh. Trang chỉ mong mình được như con nhà hàng xóm. Trang luôn tự hỏi tại sao mẹ mình lại không phải là bà hàng xóm?"
Mỗi khi đến kì nộp tiền học, chị Trang thật lòng chia sẻ rằng đều "canh" lúc mẹ vui cười mới dám xin tiền học. Nhà nghèo, mẹ phải làm lụng vất vả nên ngay từ lớp 7, chị đã bắt đầu học cách kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Khi đó, chị đã có suy nghĩ vì hoàn cảnh gia đình, mẹ quá mệt nên căng thẳng, trút hết đòn roi vào mình. Nếu con cái biết kiếm tiền chắc mẹ sẽ không đánh nữa. Và cũng vì thế, thời gian học Đại học, chị đã tự lo liệu đủ cho cuộc sống bản thân.
Trải qua một tuổi thơ đòn roi như thế, người phụ nữ này tiếp tục phải trải qua một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Lấy chồng năm 29 tuổi, sinh con năm 30 tuổi, chị vẫn hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với cuộc sống hôn nhân của chính mình. Vừa chăm con, vừa lao vào kinh doanh, từ làm vũ trường, quán bar, rồi đi hát… nên không có thời gian dành cho bản thân. Công việc kinh doanh thất bại, vợ chồng li hôn khi con gái mới được 6 tuổi. "Sau khi chia tay, nhìn lại mình Trang chỉ thấy mình có một đống nợ cùng thân hình 85kg. Bao nhiêu kỳ vọng của lúc trước hôn nhân không những trở về con số không mà còn "âm", âm thêm bao nhiêu lần nữa. Trang chợt thấy mọi thứ không giống như mình nghĩ trước khi lập gia đình."
Nhưng chính cú sốc tinh thần ấy đã giúp chị vực dậy và nhận ra mình nên làm gì. Trong 2 tháng rưỡi, cân nặng của chị xuống được 20kg. Chị quay trở lại nghề truyền thông, mở lại công ty của hai vợ chồng. Chị khá hài lòng về cuộc sống hiện tại.
Thông qua câu chuyện của mình, chị muốn nói rằng bố mẹ quá áp lực kéo theo con cái cũng không hạnh phúc. Thiếu vắng nụ cười của người mẹ và thay vào đó là sự giận dữ vô cớ sẽ gây tổn thương lên chính những đứa con ngây ngô. Để con trẻ cảm nhận được tình yêu thương, bố mẹ nên học kĩ năng để chia sẻ, thể hiện tình yêu đúng cách.
"Nếu đặt vấn đề về việc tại sao mẹ không cười, và mẹ không cười là do lỗi của ai? Thì trong trường hợp của Trang, mẹ sai chứ Trang không sai vì hồi đó mình học rất giỏi, rất chăm ngoan, chẳng có gì sai… Các mẹ ngày nay có điều kiện, có rất nhiều lớp học để hiểu biết hơn, nhưng vẫn cần hơn những kĩ năng để chia sẻ với con của mình, định hướng cho con mình."