Bố mẹ chủ quan, để ti vi, ipad “cướp” mất đôi mắt con trẻ
Hai năm trước bé Nguyễn Văn A. (13 tuổi, ở Hải Phòng) hay nheo mắt, kêu mỏi mắt nhưng mọi sinh hoạt, học tập vẫn bình thường nên gia đình bỏ qua. Gần đây mẹ bé A. mới thu xếp đưa con lên Hà Nội khám thì mắt trái của con chỉ còn 1/10.
Trường hợp bé A. là điển hình cho tình trạng nhiều phụ huynh không để ý hoặc không bố trí thời gian cho con đi khám. Khi con nheo mắt, kêu mỏi mắt suốt thời gian dài, đến khi trẻ đi khám thì đã bị nhược thị. Phẫu thuật không được, đeo kính cũng không xong… khả năng nhìn của con có nguy cơ không còn.
Đó là cảnh báo của Ths. BS Phạm Thị Hằng, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND tại hội thảo “Bước đột phá trong công nghệ phẫu thuật tật khúc xạ” diễn ra ngày 21/5.
Ths. BS Phạm Thị Hằng cảnh báo, tỷ lệ trẻ bị tật khúc xạ ngày một gia tăng
Gia tăng trẻ bị dị tật khúc xạ
BS. Hằng cho biết, từ năm 2011, bệnh viện tiến hành khám sàng lọc tại một số trường học trên địa bàn 9 quận huyện của Hà Nội (Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Nam Từ Liêm) với trên 40.000 học sinh. Kết quả cho thấy tỉ lệ học sinh bị dị tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) chiếm khoảng 20%-25%.
“Sau 5 năm, cũng tại các địa bàn này, chúng tôi tiến hành khám sàng lọc cho thấy số học sinh bị dị tật khúc xạ đã gia tăng đáng kể lên khoảng 35%. Cá biệt ở các trường chuyên, lớp chọn hoặc các lớp cuối cấp số học sinh bị dị tật khúc xạ chiếm 60%-70%; tỉ lệ cứ 10 em học sinh thì có tới 6 đến 7 em phải đeo kính” – BS. Hằng ái ngại nói.
Lý giải tình trạng ngày càng nhiều trẻ mắc tật khúc xạ, BS Hằng cho biết có thể trẻ bị di truyền từ bố mẹ; cũng có thể trẻ học, đọc quá nhiều khiến mắt không được nghỉ ngơi, điều tiết... dẫn đến cận thị; cũng có thể do điều kiện ánh sáng không phù hợp.
“Cuộc sống hiện đại khiến trẻ được tiếp xúc nhiều và sớm với những thiết bị công nghệ như tivi, iPad, điện thoại… Thậm chí nhiều bà mẹ con cho trẻ xem tivi, chơi trò chơi điện thoại để dỗ cho trẻ ăn. Những hành động này vô tình khiến mắt trẻ phải điều tiết quá nhiều. Đây chính là thủ phạm khiến trẻ bị mắc các tật khúc xạ. Nếu không được chữa trị kịp thời, nó chính là nguyên nhân “cướp” đi đôi mắt – cửa sổ tâm hồn của con bạn”, BS Hằng nhấn mạnh
Do đó, theo BS Hằng thì đây là vấn đề đáng báo động, cần sự quan tâm phối hợp của cha mẹ, thầy cô giáo và bệnh viện để giúp hạn chế được dị tật khúc xạ ở trẻ, kiểm soát để thị lực trẻ ổn định, không bị nặng thêm.
Nhược thị vì để dị tật quá lâu
BS Hằng cũng lưu ý thêm, với những trẻ khi có dấu hiệu dị tật khúc xạ (hay mỏi mắt, nheo mắt) nếu không được quan tâm khám, phát hiện điều trị tật khúc xạ sớm thì sẽ để lại hậu quả nặng nề. Có thể trẻ sẽ bị nhược thị, lác… trong đó nhược thị là vấn đề đáng lưu tâm.
“Nhược thị là tổn thương thần kinh. Bình thường một trẻ có tật khúc xạ nếu được phát hiện sớm, đeo kính đủ số thì thị lực khi đeo kính đạt 8/10 trở lên. Tuy nhiên, nếu trẻ khám muộn, có lệch khúc xạ, độ lệch khúc xạ cao thì có thể bị nhược thị. Khi đó dù có chỉnh kính tối đa thì thị lực cũng rất thấp, trẻ nào cao cũng dưới 7/10 thậm chí có những cháu nhược thị sâu thị lực chỉ còn 1- 2/10. Trẻ sẽ vĩnh viễn không thể khôi phục được thị lực, ngay cả phẫu thuật được coi là phương pháp hỗ trợ tiên tiến nhất cũng không thể can thiệp BS Hằng nhấn mạnh.
BS Hằng kể lại trường hợp bệnh nhi Nguyễn Văn A. (13 tuổi ở Hải Phòng) được mẹ đưa đến bệnh viện khám trong tình trạng thị lực mắt phải còn 6/10; mắt trái còn 1/10. Sau khi được chỉnh kính tối đa, thị lực mắt trái của cháu cũng chỉ lên được 2/10. Theo mẹ cháu kể, trước đó khoảng 2 năm con hay nheo mắt, kêu mỏi mắt nhưng thấy con vẫn học tập, sinh hoạt bình thường nên gia đình bỏ qua. Gần đây chị mới thu xếp đưa con lên Hà Nội khám thì bé đã bị nhược thị.
“Đây là một trường hợp rất đáng tiếc bởi dẫu chúng tôi đã chỉ định cho cháu tập nhược thị nhưng tiên lượng cũng rất khó khăn vì cháu bị nhược thị sâu. Nguy cơ bé sẽ bị lác mà phẫu thuật cũng không thực hiện được nữa”, BS Hằng nói.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc cho trẻ, bác sĩ Hằng khuyến cáo: Các bậc phụ huynh quan sát thấy con nheo mắt, kêu mỏi (với trẻ đến tuổi đi học) hoặc trẻ đứng sát vô tuyến, cầm đồ vật lên xem hay dí sát vào mắt (với trẻ chưa đến tuổi đi học) thì có thể đó là các dấu hiệu của thị lực kém. Khi đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn, chữa trị kịp thời.
Trẻ nheo mắt một thời gian dài khiến mắt bị điều tiết nhiều dẫn đến tăng số. Trẻ bị dị tật khúc xạ nếu không được điều trị từ nhỏ thì khó có khả năng phục hồi thị lực-nhất là đối với trẻ nhược th, khi đến 13 tuổi sẽ không thể can thiệp được. Vì vậy, cần cho trẻ đi khám mắt định kỳ 3 tháng/lần, đặc biệt kiểm tra dị tật khúc xạ sớm sẽ mang lại hiệu quả cao cho trẻ.