Bộ GTVT đề xuất cấm vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc

06/05/2020 11:31 AM | Xã hội

Bộ GTVT đề xuất, khi phương tiện tới nút giao có đèn, nếu đèn tín hiệu xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang ùn tắc.

Đấy là một trong những nội dung sửa đổi đang chú ý của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ GTV đưa ra lấy ý kiến.

Theo đó, tại Điều 13 về tín hiệu đèn giao thông của Dự luật quy định:

Tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc .

Tín hiệu đèn đỏ là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).

Tín hiệu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại có thể gây nguy hiểm thì được đi tiếp.

Trong khi đó, quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định ngắn gọn: Tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.

Như vậy, với quy định tại Dự luật mới, nếu được Quốc hội thông qua, theo các chuyên gia, trong trường hợp nút giao ùn tắc, kể cả có đèn xanh các phương tiện vẫn phải dừng lại. Nếu cố vượt có thể bị xử phạt. Thay vì các xe vẫn cố vượt qua vạch dừng khi đèn xanh bất kể nút giao ùn tắc và không bị phạt như quy định hiện hành.

Trên thế giới đã có 1 số quốc gia áp dụng quy định như Dự luật của Bộ GTVT mới đưa ra, nhằm xử lý tài xế cố tình vượt vào nút giao đang ùn tắc.

Ngoài ra, Dự luật mới đang lấy ý kiến của Bộ GTVT cũng bổ sung thêm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông bằng ánh sáng và còi, thay vì chỉ hiệu lệnh bằng tay như quy định hiện hành.

Cụ thể, với hiệu lệnh bằng tín hiệu ánh sáng: người điều khiển giao thông cầm đèn ánh sáng có mặt đỏ giơ cao hướng về phía phương tiện đang chạy tới.

Hiệu lệnh bằng còi được sử dụng kết hợp với động tác chỉ huy, điều khiển giao thông, cụ thể: Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại; Một tiếng còi ngắn, nhanh là cho phép đi; Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn cho phép rẽ trái qua mặt; Hai tiếng còi ngắn, mạnh là báo hiệu đi chậm lại; Ba tiếng còi ngắn, nhanh là báo hiệu đi nhanh lên;

Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm soát hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.

Người điều khiển chỉ gậy chỉ huy giao thông vào hướng xe nào thì xe ở hướng đó phải dừng lại.

Người tham gia giao thông phải dừng lại khi có hiệu lệnh báo dừng của người điều khiển giao thông, trừ trường hợp phương tiện đã đi qua vạch dừng tại nơi đường giao nhau mà dừng lại sẽ gây mất an toàn giao thông thì được đi tiếp.

Theo Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM