Bộ Công Thương nói gì về việc đảm bảo an toàn của các hồ thuỷ điện sau sự cố sạt lở tại Rào Trăng 3

18/10/2020 10:41 AM | Xã hội

Khu vực miền Trung với địa hình dốc, mỏng, không có hồ lớn như Sơn La hay Hòa Bình, ở đây chủ yếu là các hồ nhỏ, đập tràn, khi nước về tràn tự do.

Trước diễn biến bất thường và luôn khó lường của mùa mưa lũ, đặc biệt là lại vào thời điểm sự cố sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, trên địa bàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa xảy ra, khiến nhiều người chết và mất tích, các vấn đề liên quan đến công tác vận hành an toàn và xả lũ tại các hồ thuỷ điện đã được quan tâm nhất tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 16/10.

Liên quan đến vấn đề hồ thuỷ điện xả lũ, ông Tô Xuân Bảo, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, đối với các hồ thủy điện nhỏ thường không có dung tích phòng lũ nên khi lũ từ thượng nguồn về sẽ tràn qua đập về phía hạ du.

Còn đối với các hồ chứa có dung tích phòng lũ sẽ phải điều tiết lượng nước duy trì để đảm bảo phòng lũ. Khi có sự cố, các thủy điện phải báo cáo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh để xin phép lệnh điều hành có xả, duy trì mực nước đón lũ để khi lũ về làm chậm, giảm lượng nước về phía hạ du.

Theo ông Tô Xuân Bảo, trong các đợt lũ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đều ban hành công điện chỉ đạo điều hành các hồ chứa triển khai các giải pháp ứng phó mùa lũ, yêu cầu vận hành đúng quy trình được phê duyệt, đảm bảo an toàn hạ du. Khi xả lũ, các hồ thủy điện đều phải phối hợp chặt với chính quyền địa phương và có cảnh báo cho các khu dân cư ở hạ du.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ hàng ngày cũng thường xuyên kết nối với cơ sở dữ liệu để thường xuyên theo dõi nguồn nước, mực nước về hồ để có điều hành cụ thể, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Ông Bảo cũng cho hay, đợt mưa những ngày qua ở khu vực miền Trung có lượng mưa rất lớn, Hà Tĩnh và Bình Định có nơi đạt 500mm; Quảng Bình có nơi 1.200mm; Quảng Trị có nơi 1.800mm; Đà Nẵng 1.200mm; Quảng Nam 1.400; Thừa Thiên Huế có nơi đạt 2.000mm.

Khu vực miền Trung với địa hình dốc, mỏng, không có hồ lớn như Sơn La, Hòa Bình, ở đây chủ yếu là các hồ nhỏ, đập tràn, khi nước về tràn tự do.

Ông Bảo cho biết thêm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, rà soát các vấn đề, nhất là ứng phó thiên tai, lường trước các tình huống xảy ra.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu hồ chứa. "Thủy điện thường ở vùng sâu, vùng xa, xa khu vực hành chính nên việc giám sát rất khó khăn. Bộ Công Thương xây dựng cơ sở dữ liệu để trên cơ sở đó giám sát thường xuyên, chỉ đạo kịp thời quá trình vận hành của thuỷ điện", ông Bảo thông tin thêm.

Cũng tại họp báo, trả lời về vấn đề rà soát quy hoạch thuỷ điện nhỏ, ông Đỗ Đức Quân - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, từ năm 2016, các dự án liên quan đất rừng tự nhiên đều phải báo cáo Chính phủ, được Chính phủ đồng ý mới triển khai. Thời gian vừa rồi, khi xảy ra sự cố, Bộ Công Thương đã kịp thời cử cán bộ trực tiếp vào hiện trường, sau đó tổng hợp báo cáo Chính phủ để có sự chi đạo điều hành và xử lý kịp thời, nhanh nhất.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến 2018, cả nước có 818 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 23.182 MW. Trong đó, đã đưa vào khai thác sử dụng 385 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 18.564 MW, đang xây dựng 143 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 1.848 MW và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 2.770 MW.

Trong tổng số 385 công trình đã đưa vào sử dụng, có 40 công trình không có hồ chứa hoặc sử dụng chung nước của hồ thủy lợi để phát điện; 345/345 công trình được chủ đập thực hiện đúng quy định về đăng ký an toàn đập và báo cáo hiện trạng an toàn đập.

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM