Bộ Công Thương: Diễn biến giá xăng dầu quá cao, cần sử dụng công cụ thuế, phí

22/02/2022 17:20 PM | Xã hội

Bộ Công Thương cho biết việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung - cầu xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định.

Bộ Công Thương vừa có thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ căng thẳng quanh vấn đề Ukraine làm tăng mạnh giá khí đốt và ảnh hưởng gián tiếp đến giá dầu. Căng thẳng chính trị tại các nước sản xuất dầu lớn cũng đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung dầu cho thị trường và đẩy giá dầu tăng.

Về thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề cập đến việc Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn do khó khăn về tài chính nên đã phải cắt giảm công suất sản xuất, hiện đang chạy ở mức 55-60%.

 Bộ Công Thương: Diễn biến giá xăng dầu quá cao, cần sử dụng công cụ thuế, phí  - Ảnh 1.

Nguồn cung xăng dầu thời gian qua có trục trặc

Chính vì vậy, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43% (kế hoạch giao là 680.000 m3, thực tế giao khoảng 390.000 m3), ảnh hưởng đến nguồn cung.

Hiện Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn báo cáo sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5 nhưng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.

Trong bối cảnh Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7-2 đã nâng công suất lên 105%, tuy nhiên chưa thể bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất.

Theo Bộ Công Thương, đến tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng hàng từ sản xuất trong nước giảm mạnh trong tháng 2 và đầu tháng 3. Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2-2022 chuyển sang vẫn bảo đảm, cùng với việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ 15-3-2022 và từ đầu tháng 4 sẽ chạy đủ 100% công suất. Đồng thời, các thương nhân đầu mối cũng sẽ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo.

Với tình hình cung ứng xăng dầu như trên cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, Bộ Công Thương khẳng định việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung - cầu xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường. Theo đó, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu.

Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước, như Tổng công ty dầu Việt Nam (PVoil) đang thực hiện việc nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam trong cuối tháng 2 là 26.000 m3 xăng và 40.000 m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang thực hiện kế hoạch nhập khẩu trong tháng 2 khoảng 100.000 m3 xăng và 200.000 m3 dầu...

Về công tác điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-400 đồng/lít và điều chỉnh mức trích lập quỹ ở mức phù hợp để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới.

Liên Bộ luôn thực hiện việc điều hành giá xăng dầu tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, tính toán tới mục tiêu bình ổn giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát. Công tác điều hành giá luôn bám sát diễn biến xăng dầu thế giới, cân nhắc rất nhiều chiều, nhiều yếu tố nhằm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu quản lý chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tránh tạo ra tiền lệ, tránh để bản thân doanh nghiệp sử dụng sức ép đối với cơ quan điều hành để điều hành chỉ có lợi cho doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình thương nhân nếu có hành vi "găm hàng" không muốn bán ra, chờ tăng giá. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường nội địa

Về sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ quỹ bình ổn giá có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Theo Minh Chiến

Cùng chuyên mục
XEM