Bộ Công an cần 'giám sát chặt chẽ' điều tra vụ Đường 'Nhuệ'

17/04/2020 16:06 PM | Xã hội

“Tại sao Đường “Nhuệ” đánh người ngay tại đồn công an mà lại đình chỉ vụ án, để đến bây giờ phải phục hồi điều tra? Công an thành phố Thái Bình có bao che, bỏ lọt tội phạm không? Tại sao Viện kiểm sát thành phố lại đồng ý cho đình chỉ điều tra?”, đại biểu Quốc hội nêu hàng loạt vấn đề cần phải được điều tra, làm rõ.

Trao đổi với PV về việc có nên đưa vụ Đường “Nhuệ” vào diện giám sát đặc biệt của Trung ương, hay để đảm bảo khách quan, Bộ Công an có cần trực điều tra vụ án? Các đại biểu Quốc hội cho rằng, vụ việc do công an tỉnh Thái Bình trực tiếp làm thì không nên chuyển lên cấp trên. Mặt khác Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định trường hợp “giám sát đặc biệt”, nên cần để cơ quan điều tra công an tỉnh thực hiện. Bên cạnh đó, cơ quan trung ương, báo chí, dư luận và nhân dân theo dõi, giám sát để vụ việc được xử lý đúng người, đúng tội, không có vùng cấm.

Trao đổi với Tiền phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, và Bộ trưởng Bộ Công an đã lên tiếng, nên vụ việc này sẽ sớm muộn được làm sáng tỏ. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tân Giám đốc Công an Thái Bình, vụ việc sẽ được xử lý nghiêm, đúng người đúng tội.

“Vụ Đường “Nhuệ” do công an tỉnh Thái Bình trực tiếp làm thì không cần chuyển lên cấp trên. Thái Bình vừa thay đổi Giám đốc Công an tỉnh, với quyết tâm sẽ làm đến cùng vụ việc, thì chúng ta nên tin tưởng, theo dõi và giám sát. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng có thể tiếp sức, tăng cường lực lượng cho công an tỉnh Thái Bình trong việc điều tra, cũng vừa để giám sát để đảm bảo vụ việc được làm công tâm, khách quan”, ông Hòa nêu quan điểm.

Theo đại biểu, người dân và dư luận đặt vấn đề, trước đây đã xảy ra nhiều vụ việc mà công an tỉnh Thái Bình không làm. Dư luận cho rằng có sự bao che, bảo kê, chống lưng cho vợ chồng Đường Dương. Chính vì vậy, cơ quan điều tra cần phải làm đến nơi đến trốn, phanh phui từng vụ việc mà trước đó Công an tỉnh Thái Bình không làm. Thậm chí phải hồi tố, phục hồi điều tra lại những vụ việc trước đây người dân phản ánh nhưng bị chìm xuồng.

“Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện những tình tiết mới, vụ việc mới thì phải tiếp tục làm, mở rộng điều tra vụ án. Ngoài đối tượng Đường “Nhuệ” còn liên quan đến ai nữa? Thậm chí có ai chống lưng, bao che, bảo kê cho Đường “Nhuệ” không thì phải làm cho rõ”, Uỷ vien Uỷ ban Pháp luật nêu.

Đánh người ngay tại trụ sở công an, tại sao lại êm ru?

Đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý đến vụ Đường “Nhuệ” hành hung, đánh người ngay tại đồn công an vừa được Công an thành phố Thái Bình phục hồi điều tra. Ông Hòa đề nghị phải làm rõ thời điểm đó vì sao lại đình chỉ vụ án? Tại sao Viện kiểm sát thành phố lại đồng ý cho đình chỉ điều tra vụ án?

“Liệu ở đây có mắc mớ gì đó bên trong không? Tất cả cần phải được làm sáng tỏ. Phải làm rõ Công an thành phố Thái Bình có bao che, bỏ lọt tội phạm hay không? Lý do quá thời hiệu là không hợp lý, không rõ tội danh lại càng không chấp nhận được. Đánh người ngay tại trụ sở công an phường có hay không? Vụ việc xảy ra như thế nào? Tại sao thời điểm đó lại không làm rõ được? Nếu không xử lý hình sự, thấp nhất cũng phải xử lý vi phạm hành chính, tội gây rối trật tự nơi công cộng. Nhưng đàng này lại êm ru, không vấn đề gì hết. Vậy trong vụ việc này, công an thành phố Thái Bình có vấn đề gì không?”, đại biểu Hòa đặt hàng loạt câu hỏi.

Sự việc đáng chú ý khác khi công an tỉnh Thái Bình vừa khởi tố, bắt tạm giam thêm 4 cán bộ, trong đó có Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản của Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình vì liên quan đến Đường “Nhuệ”. Theo đại biểu Hòa, điều này đã hé mở mối quan hệ giữa vợ chồng Đường Dương và những người có chức quyền trong tỉnh.

“Những khoảng tối đã bắt đầu lộ sáng. Vì được chống lưng, bao che nên các đối tượng thường lộng hành làm người khác không dám ho he. Nếu không có thế lực chống lưng, không ai dám lộng hành, coi mình như “ông giời con” như vậy”.

Cũng liên quan đến sự việc này, Phó trưởng Ban Dân nguyện, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị lần lượt làm rõ từng vụ việc mà người dân phản ánh lâu nay về Đường “Nhuệ”. Ông cũng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, làm tới cùng, và phải làm rõ xem có việc bảo kê, chống lưng không và cần xem xét trách nhiệm cụ thể của những người lãnh đạo liên quan.


Theo LUÂN DŨNG

Cùng chuyên mục
XEM