‘Bỏ’ Australia, Trung Quốc quay sang nhập khẩu than từ Nga

29/10/2021 13:57 PM | Xã hội

Nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga tăng hơn 230% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng từ Australia thì vẫn là con sô 0.

Theo hãng tin CNBC, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu than để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Tuy nhiên thay vì mua hàng từ đối tác thương mại lâu năm là Australia, chính quyền Bắc Kinh lại quay sang các nguồn cung khác như Nga hay Indonesia.

Số liệu chính thức cho thấy nhập khẩu than của Trung Quốc trong tháng 9/2021 đã tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, đạt 32,9 triệu tấn. Phần lớn số than này đến từ Nga và Indonesia, một thông tin chẳng mấy vui vẻ gì với Australia khi nền kinh tế này vốn duy trì tăng trưởng nhờ bán tài nguyên cho những bạn hàng như Trung Quốc.

Xin được nhắc là năm 2019, khoảng 38% số than nhập khẩu của Trung Quốc đến từ xứ sở chuột túi và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Austrlia.

‘Bỏ’ Australia, Trung Quốc quay sang nhập khẩu than từ Nga - Ảnh 1.

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu than, nhưng không phải từ Australia

Báo cáo của Wind Information cho thấy trong tháng 9/2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 3,7 triệu tấn than từ Nga, tăng 28% so với tháng trước đó và hơn 230% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kể từ tháng 5/2021 đến nay, lượng than Trung Quốc nhập từ Nga luôn cao hơn gấp 2-3 lần so với bình quân năm 2020. Tổng số than Trung Quốc nhập của Nga từ đầu năm đến nay hiện cũng đã cao hơn cả thời kỳ trước đại dịch năm 2019.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng nhập khẩu tới 3 triệu tấn than từ Indonesia trong tháng 9/2021, tăng 19% so với tháng trước đó và cao hơn 89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái ngược lại, tổng số than nhập từ Australia của Trung Quốc vẫn bằng 0 khi hải quan của nước này ngừng thông quan các tàu chở than của xứ sở chuột túi từ cuối năm 2020. Dù chưa có văn bản chính thức nào nhưng việc cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ Australia đã được hải quan Trung Quốc thực hiện.

Australia từng là nguồn cung than lớn nhất của Trung Quốc nhưng những xung đột về địa chính trị đã dấn đến căng thẳng thương mại trên.

*Nguồn: CNBC

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM