Bitcoin đang giống như chiếc túi bóng trong cơn bão: Ngày tận thế đã thực sự bắt đầu?

19/01/2018 10:47 AM | Kinh doanh

Có lẽ điều mỉa mai nhất về Bitcoin là: Một hệ thống được thiết kế để không phụ thuộc vào các chính phủ và lãnh đạo trên thế giới lại "mong manh dễ vỡ" bởi chính những lời đồn thổi về các quyết định của họ.

Bitcoin đang ở trong bong bóng. Chỉ có điều là các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, và nhà phân tích vẫn không chắc được chúng sẽ nổ như thế nào, vào lúc nào hay tại sao.

"Tôi có thể cá chắc rằng kết thúc sẽ không có hậu," tỷ phú Warren Buffett chia sẻ tuần trước, trong sự âu lo của rất nhiều dân chơi tiền ảo. "Khi nào nó đến, hoặc đến ra sao, hay bất cứ câu hỏi nào khác, thì tôi không biết."

Túi bóng trong cơn bão

Giá của Bitcoin đã giảm tới tới 20% vào thứ 3 vừa rồi, xuống còn 12.000 USD, hay giảm khoảng 40% so với mức giá cao nhất đợt tháng 12. Các loại tiền điện tử khác, như ethereum và Ripple, cũng đang thua lỗ ở mức 2 chữ số.

Đâu là nguyên nhân? 

Với những người hay phân tích thị trường chứng khoán, thì theo bản năng họ sẽ phát minh ra những thuyết nhân quả ("chứng khoán sụt vì chuyện X", "chứng khoán xuống trong bối cảnh Y"), trong khi các thị trường lại được điều khiển bởi một ma trận các biến không thể phân tách.

Nhưng trong trường hợp này, nguyên nhân của sự sụp đổ bitcoin có vẻ khá rõ ràng. Giống như sự tăng giá phi mã của tiền ảo được tạo ra phần lớn bởi nhu cầu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đợt xuống giá gần đây nhất này dường như cũng liên hệ mật thiết với những biến động tại Châu Á.

Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc nói rằng chính phủ đang cân nhắc đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo, hoặc ít nhất cũng đưa ra các quy định mới cho thị trường tiền ảo non trẻ này.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang xem xét xuống tay với bitcoin và các đồng tiền số, không chỉ bởi những công dân của họ có thể dùng chúng để rửa tiền và trốn tránh sự kiểm soát, mà còn bởi mức tiêu thụ điện dùng để "đào" tiền ảo cực kỳ lớn. Thị trường bitcoin toàn cầu tiêu thụ năng lượng nhiều hơn cả quốc gia Đan Mạch, một phân tích cho thấy.

Sự lên xuống giá của Bitcoin giống như một cái túi bóng trong cơn bão, vì vậy thật ngu ngốc khi quan tâm quá nhiều đến những dao động trong ngày của nó. Nhưng các tin tức gần đây cho thấy đang có một vết rạn nứt nghiêm trọng trong hệ thống này.

Bitcoin đang giống như chiếc túi bóng trong cơn bão: Ngày tận thế đã thực sự bắt đầu? - Ảnh 1.

Sao lại mong manh đến thế?

Bitcoin được thiết kế với 2 tính chất: không có nhà nước quản lý và không cần lãnh đạo để tránh sự sụp đổ một chiều và không chịu sự kiểm soát của các chính phủ. Nhưng điều mỉa mai là lý do bitcoin đang "thất thủ" một phần lại bởi chính những nhân tố này.

Thứ nhất, bitcoin được thiết kế để các giao dịch số được chấp thuận bởi một mạng lưới máy tính, thay vì được sự cho phép của một chính phủ đơn lẻ nào. Nhưng mức giá của nó dao động rất mạnh, bởi vì quyền sở hữu nó lại chỉ tập trung vào một số nhà đầu tư.

Gần 40% bitcoin được sở hữu bởi 1.000 người sử dụng, và top 100 địa chỉ bitcoin kiểm soát 1/6 tất cả các đồng tiền số được phát hành, theo hãng tin Bloomberg.

Một lý do tại sao bitcoin có thể giảm tới 20% trong một ngày – một điều chưa từng có với hầu hết các tài sản, và tiền tệ khác – là bởi vì nếu một trong những nhà đầu tư lớn này bán ra, động thái đó có thể rung chuyển cả thị trường.

Thứ hai, các sàn giao dịch bitcoin đều có khả năng đổ vỡ. Và chúng đã từng sập rất nhiều lần. Năm 2014, hàng nghìn bitcoin bị đánh cắp khỏi Mt. Gox, một sàn giao dịch trên Tokyo.

Năm 2016, bitcoin xuống giá sau khi một sàn ở Hong Kong nói rằng nó đã bị hack. Ngày nay, bitcoin lại tiếp tục lao dốc khi một số chính phủ đe dọa thắt chặt quy định hoặc đóng cửa những sàn giao dịch ở châu Á.

Thứ ba, mặc dù tiền ảo được thiết kế với ưu điểm không cần lãnh đạo và không cần nhà nước bảo hộ, chính các quan chức chính phủ lại là những người chịu trách nhiệm lớn nhất cho những lần sụt giá lớn của nó.

Đồng tiền này không cần ngân hàng trung ương, các token được phát hành bởi những máy tính chạy các phần mềm bitcoin, nhưng gia tài bitcoin lại phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các nhà làm luật.

Cuối năm 2013, sau khi một số thượng nghị sỹ Mỹ khen ngợi bitcoin và các đồng tiền số khác tại một phiên họp là "các dịch vụ tài chính hợp pháp", giá trị của bitcoin đã tăng gấp 3 lần trong tháng lên 900 USD.

Nhưng trong cái may lại có cái rủi. Hôm thứ 3 vừa qua, giá trị của bitcoin lao dốc sau khi rộ tin đồn: một quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng chính phủ nên cấm việc giao dịch các đồng tiền ảo.

Có lẽ đây là điều mỉa mai nhất về bitcoin: Một hệ thống được thiết kế để không phụ thuộc vào các chính phủ và lãnh đạo trên thế giới lại "mong manh dễ vỡ" bởi chính những lời đồn thổi về các quyết định của họ.

Tỷ phú Warren Buffett chỉ biết các đồng tiền ảo sẽ có kết cục thảm nhưng ông không biết khi nào, liệu đây có phải là lúc đó chưa?

Phan Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM