Bitcoin cán mốc 10.000 USD: Nguyên nhân và rủi ro nào đang chờ đợi phía trước?
Đồng tiền phổ biến nhất hiện nay là Bitcoin đã đạt ngưỡng 10.000 USD trong tuần này, cao hơn rất nhiều mức 2.000 USD mà nó đạt được hồi đầu năm.
Sự bùng nổ chóng mặt của tiền ảo với tốc độ tăng giá phi mã đang khiến nhiều nhà đầu tư tìm mọi cách đổ xô vào thị trường nay, qua đó thúc đẩy một làn sóng bong bóng lớn chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng công nghệ dotcom.
Đồng tiền phổ biến nhất hiện nay là bitcoin đã đạt ngưỡng 10.000 USD trong tuần này, cao hơn rất nhiều mức 2.000 USD mà nó đạt được hồi đầu năm.
Vậy tiền ảo là gì?
Tiền ảo có thể được coi là một dạng tài sản số, một sự kết hợp giữa sức mạnh tính toán của các máy tính và một hệ thống các máy chủ lưu trữ số liệu. Không giống như tiền tệ thông thường được ban hành và bảo lãnh bởi một ngân hàng trung ương, tiền ảo nằm ngoài phạm vi điều chỉnh và có độ tự do tương đối lớn.
Hệ thống tiền ảo được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công mạng và có thể chuyển đổi thành tiền ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, chính điều này lại là cơ hội tốt cho nạn rửa tiền, trốn thuế và trở thành luận điểm công kích của những người phản đối.
Ngoài Bitcoin, những đồng tiền khác như Ethereum, Ripple, Litecoin hay Dash cũng tăng giá mạnh từ đầu năm nay. Các loại đồng tiền ảo này có tính năng khác nhau, qua đó khiến nhà đầu tư định giá chúng khác so với Bitcoin. Trong khi Bitcoin được đánh giá là một lựa chọn thay thế tiền tệ truyền thống thì Ethereum lại khó thay thế được tiền thông thường, còn Ripple thì được coi là một phần mềm giao dịch cho thị trường tài chính hơn là tiền tệ.
Tại sao giá tiền ảo lại tăng mạnh?
Ngoài lý do là loại tiền tệ giao dịch mới, làn sóng đầu tư tiền ảo còn được thúc đẩy bởi những nhà đầu cơ khi họ sợ bị lỡ mất làn sóng tăng giá của loại tài sản này. Đặc biệt, các nhà đầu cơ Trung Quốc đang đổ xô vào thị trường này bất chấp những cảnh báo từ chính quyền Bắc Kinh. Rất nhiều trong số họ quay sang đầu tư tại các sàn giao dịch ở Nhật Bản trước nhu cầu tiền ảo tăng cao.
Theo tờ Financial Times, hiện nay chỉ có khoảng 21 triệu Bitcoin được tạo ra do số lượng máy đào loại tiền ảo này có hạn. Trong đó, 16,7 triệu bitcoin đang được lưu hành trong hệ thống theo số liệu của Chainalysis, qua đó khiến tổng mức vốn hóa thị trường này đạt 167 tỷ USD.
Trong số các Bitcoin được lưu thông trên thị trường, khoảng 37% đã được sử dụng hay dùng làm giao dịch vào năm 2016, khoảng 22% được các nhà đầu tư găm giữ.
Ngoài ra, rất nhiều quỹ đầu tư cũng tìm cách tiếp cận thị trường tiền ảo. Nhiều công ty thậm chí chấp nhận gọi vốn bằng tiền ảo (ICO), sử dụng đồng Ethereum.
Sự phát triển của loại hình giao dịch mới này cung cấp cho thị trường tài chính những lựa chọn khác ngoài các công cụ truyền thống, nhất là trên thị trường kỳ hạn.
Các tập đoàn như CME Group hay Cboe Global Markets đang tìm cách thành lập sàn giao dịch Bitcoin kỳ hạn nhằm hợp pháp hóa đồng tiền này cũng như đẩy giá chúng đi lên.
Trước làn sóng lan rộng của tiền ảo, nhiều dịch vụ, thị trường đã bắt đầu chấp nhận mô hình thanh toán mới này để thúc đẩy tính thanh khoản giữa bên mua và bán.
Rủi ro của Bitcoin
Với những bài học lịch sử về các bong bóng thị trường, nhà chức trách của nhiều nước đã cảnh báo nhà đầu tư về rủi ro của tiền ảo, nhất là khi chúng chưa được định rõ chức năng, ảnh hưởng và chưa được pháp luật bảo hộ. Việc đầu cơ theo đám đông dễ dàng khiến nhiều người phá sản khi thị trường bất ngờ đổi chiều.
“Bitcoin đang được tập trung trong tay của một số người không được xác định rõ ràng danh tính, khả năng thao túng giá trên thị trường là rất cao và hiện những giao dịch đẩy giá lên cao vẫn còn là điều nghi vấn”, nhà sáng lập ứng dụng Blockchain Monax, ông Preston Byrne nhận định.
Trong khi đó, việc giá Bitcoin tăng cao đang khiến tài sản này trở thành mục tiêu của các tin tặc. Tập đoàn IG, nơi sở hữu nền tảng kinh doanh trực tuyến lớn nhất thế giới mới đây đã phải tạm ngừng một số dịch vụ bằng Bitcoin do lo ngại tính bảo mật của đồng tiền này.
Cũng tương tự như các thị trường khác, các yếu tố cung cầu và đầu cơ luôn tồn tại trên thị trường Bitcoin. Nhiều nền tảng tiền ảo chấp nhận thanh toán tiền thật cho khách hàng từ nguồn quỹ của chính họ nhằm kỳ vọng bán lại tiền ảo với mức giá cao hơn trong tương lai. Tuy nhiên nếu nhiều nhà đầu cơ muốn chốt lời và bán ra tiền ảo, đẩy mức giá đi xuống thì những nền tảng này sẽ lỗ nặng.
Hơn nữa, số liệu của Digiconomist cho thấy việc đào tiền ảo đang tiêu tốn lượng điện năng cao hơn mức bình quân hàng năm của 159 quốc gia trên thế giới.
Xu thế của tương lai?
Những người ủng hộ Bitcoin cho rằng khi tiền ảo ổn định được mức giá, chúng sẽ được sử dụng như một công cụ giao dịch hơn là tài sản đầu cơ như hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế Gavin Brown của trường đại học Manchester Metropolitan University và là giám đốc của quỹ đầu tư tiền ảo Blockchain Capital Limited , thị trường tài chính và kinh tế hiện sẽ phải đối mặt với sự tồn tại của tiền ảo. Quá trình này sẽ tốn khoảng 10-15 năm và việc luật pháp chấp nhận tiền ảo là điều cần thiết để loại công nghệ mới này có thể đi vào hoạt động ổn định.
Dẫu vậy, luật sư Tara Waters của Ashurst nhận định tiền ảo chỉ có thể được các ngân hàng trung ương sử dụng như một công cụ nhằm nâng cấp hệ thống tài chính chứ không thể trở thành một tài sản đảm bảo thay thế cho tiền tệ truyền thống.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại lo ngại sự bùng nổ thái quá của tiền ảo có thể thổi phồng bong bóng thị trường và gây ra một cuộc đổ vỡ cho loại tài sản chưa được luật pháp công nhận này.