Bình Bồng Bột nói về nghề biên kịch: Câu chuyện đằng sau quá trình viết kịch bản Tiệc trăng máu trong 1 tuần và hoàn thành 6 phim 1 năm
Trong 1 năm, Bình Bồng Bột đã viết 6 kịch bản phim. Phim đầu tiên: 30 không phải là Tết - không tạo được tiếng vang như mong muốn. Phim thứ 2: Tiệc trăng máu, lại là một cú bùng nổ của màn ảnh Việt sau Covid.
Nếu ở lại với Tiệc Trăng Máu cho đến đoạn credit hiện lên, hẳn bạn sẽ thấy cái tên Bình Bồng Bột xuất hiện với tư cách biên kịch. Sau tất cả những cú roller coaster về cảm xúc, những tâm đắc trước câu thoại hay và tình tiết đầy tinh tế của bộ phim, có một cảm xúc rất trân trọng khi bạn thấy tên của người làm nên kịch bản Việt hóa này được xuất hiện đầy kiêu hãnh trong một khung hình.
Với những người đọc trung thành của Kenh14.vn, Bình Bồng Bột không còn là một cái tên xa lạ. Anh đứng sau rất nhiều bài phỏng vấn tuyệt hay đã trở thành thương hiệu. Với người yêu phim, anh là một biên kịch mới xuất hiện từ đầu năm đến nay, bạn có thể biết đến anh với phim 30 Chưa Phải Là Tết . Với tôi, anh là một người bạn, một người cộng tác thú vị trong công việc biên tập, và đủ khiến tôi bất ngờ khi anh rẽ lối sang làm phim, dù đang thành công rực rỡ trong nghề báo và… biên tút quảng cáo.
Trong 1 năm, Bình Bồng Bột đã viết 6 kịch bản phim. Như anh nói: Khi ngồi xem trailer trước Tiệc Trăng Máu, anh thấy đây như một showcase của riêng mình khi lần lượt Trạng Tí , Thiên thần hộ mệnh đều xuất hiện. Cả 2 phim đều được thành hình dưới ngòi bút của Bình Bồng Bột, và ta còn chưa kể đến Chị Mười Ba phần 2, Em Và Trịnh - một dự án tiểu sử về Trịnh Công Sơn đang rất được mong chờ. Trước đó, 30 Chưa Phải Là Tết - bộ phim gây rất nhiều sự chú ý dịp Tết đầu năm.
Thật may mắn, Bình Bồng Bột đã cho tôi một cuộc trò chuyện khi anh còn đang ẩn dật. Bởi như anh nói, anh muốn khích lệ các bạn trẻ hãy bước lên, cầm bút và bàn phím, hãy dấn thân vào điện ảnh và viết kịch bản. Bởi điện ảnh Việt Nam cần các biên kịch giỏi để tiến về phía trước.
Điều anh cảm thấy yêu thích nhất trong công việc của một biên kịch là gì?
Tôi đã làm rất nhiều nghề. Tôi từng làm phóng viên, phỏng vấn người nổi tiếng, tôi dịch sách, viết hồi ký, tự truyện cho các ngôi sao. Nhưng đến khi bước chân vào làm một biên kịch, tôi nhận ra đây là một nghề hoàn toàn khác với những gì mình tưởng tượng trước đó. Điều tôi yêu thích nhất là tôi có thể tạo ra những điều mới, những điều chưa từng tồn tại trước đó. Ví dụ, khi tôi viết báo, tôi phải có nhân vật và tôi chỉ có thể kể câu chuyện của họ thôi. Trong khi làm biên kịch, tôi được tạo ra những nhân vật mới, được thổi sức sống và vui buồn cùng họ, được sáng tạo ra cuộc đời của họ.
Anh nói rằng trong 1 năm anh đã làm 6 kịch bản. Như vậy có là quá nhiều cho sự sáng tạo?
Đó cũng là lý do mà tôi đang có 1 thời gian nghỉ ngơi. 6 kịch bản phim này với tôi, là vừa làm vừa học. Anh Phan Gia Nhật Linh có nói 1 câu, mới nghe thì rất trớt qướt nhưng lại rất đúng: Nếu bạn muốn làm phim thì bạn phải đi làm phim. Nếu bạn học, bạn sẽ học hoài, học cả đời luôn. Nolan cũng học, Steven Spielberg cũng học, nhưng họ vừa làm vừa học những cái mới. Vậy nên phim ảnh thế giới luân chuyển và thay đổi rất nhanh.
Không có cách nào để bắt đầu làm việc, ngoài làm việc ngay.
Anh làm thế nào để bồi đắp đủ những chất liệu đặc biệt cho từng kịch bản của mình. Bởi theo như tôi thấy, 6 kịch bản phim là 6 thế giới khác nhau, 6 màu sắc khác nhau…
Và là 6 thể loại khác nhau. Bạn có thể thấy: Trạng Tí là một phim thiếu nhi, Em Và Trịnh lại là một phim biography (tiểu sử), Tiệc Trăng Máu là một thể loại rất mới: Black comedy (hài đen), Thiên Thần Hộ Mệnh là một thriller (giật gân, ly kỳ). Dự án gửi về tôi rất nhiều, nhưng tôi luôn chọn cái mới để làm. Thứ nhất, tôi muốn học. Thứ 2, sáng tạo kịch bản không chỉ là chuyện của một mình biên kịch. Nó là chuyện của nhà sản xuất, của đạo diễn. Khi có 1 ý tưởng, chúng tôi phải ngồi lại với nhau. Đạo diễn chịu trách nhiệm sáng tạo, nhà sản xuất chịu trách nhiệm về tiền, về định hướng phù hợp với sở thích của khán giả. Từ ý tưởng đó, chúng tôi sẽ cùng nhào nặn lên thành một cái khung, và từ đó kịch bản thành hình.
Cũng có những kịch bản mà tôi viết chung với những người khác. Em Và Trịnh tôi viết chung với anh Linh và chị Thái Hà, Trạng Tí tôi viết chung với anh Linh và một họa sĩ ở Studio 68, bạn ấy là họa sĩ vẽ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt, vậy nên bạn nắm rất rõ về bộ nhân vật đó. Sáng tạo là một quá trình đòi hỏi chất xám từ rất nhiều người, không chỉ riêng của một biên kịch.
Kịch bản đầu tiên của anh: 30 Chưa Phải Là Tết - nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều và thậm chí là thất bại về mặt doanh thu phòng vé. Đó hẳn là một khởi đầu nhiều bão tố khi bước chân vào một con đường mới?
Tôi biết ơn bộ phim đó. 30 Chưa Phải Là Tết mở ra một cánh cửa mới, giúp tôi bước vào một thế giới mới.
Công bằng mà nói, tôi thích kịch bản đó. Tôi tin rằng đâu đó, đạo diễn và khán giả cũng thích nó. Với tôi, đó không phải là một bộ phim thất bại (dù nó đúng là có thất bại về mặt doanh doanh thu). Nó cho tôi một bài học rất lớn: Tôi sẽ không bao giờ bỏ kịch bản của mình cho đạo diễn xử lý nữa.
Sau 30 Chưa Phải Là Tết, tất cả những phim mà tôi tham gia, tôi đều nói rằng tôi muốn được đi đến cùng với kịch bản đó. Tôi muốn được ngồi đọc thoại với diễn viên, muốn thỉnh thoảng lên set… và tôi nghĩ đó là việc tốt, trên thế giới cũng vậy thôi. Biên kịch sẽ đi từ đầu cho đến - thậm chí là vào cả phòng dựng. Không ai hiểu rõ kịch bản hơn biên kịch, và dù việc tham gia đến cùng mọi khâu sẽ tốn rất nhiều thời gian, nhưng tôi muốn vất vả hơn để mọi thứ được thể hiện đúng nhất.
Ví dụ như Tiệc Trăng Máu, sau khi viết kịch bản xong, chúng tôi ra Vũng Tàu 1 tuần để tập. Sáng tập, chiều tập, tối thì cùng ăn uống với nhau. Mỗi lần, mỗi người thoại xong, tôi lại nhận ra chỗ này chưa ổn, chỗ kia không được. Vậy là tôi lại sửa ngay trên kịch bản để sáng hôm sau in ra một bản mới cho mọi người. Điều đó khiến họ hiểu rõ và sống luôn vào nhân vật của mình.
Và nếu các bạn để ý, phim Tiệc Trăng Máu có 1 điều mà rất ít phim khác có được, đó là chemistry giữa các nhân vật rất tốt, và bạn tin rằng họ đã có một tình bạn mấy chục năm thật. Điều đó đến bởi chúng tôi đã có một thời gian rất dài cùng làm việc trên kịch bản này. Chúng tôi tập ở Sài Gòn, tập ở Vũng Tàu, rồi khi về, chúng tôi lại tập tiếp. Thời gian tập cho kịch bản này là rất khủng khiếp. Và cho đến khi lên set, mọi người đã hiểu nhau và hiểu cả nhân vật rất rõ rồi.
Sau Tiệc Trăng Máu, rất nhiều người dành lời ngợi khen rằng điều đắt giá nhất trong phim chính là thoại. Có phải điều này đến từ việc anh đã là một nhà báo trong khoảng thời gian rất dài, và lắng nghe câu chuyện của rất nhiều cuộc đời?
Chắc chắn là vậy rồi. Tôi đã phỏng vấn hàng trăm nhân vật nổi tiếng, từ ngôi sao cho đến chính trị gia, những người có ảnh hưởng trong xã hội và cả những người bình thường, những cậu bé nhặt rác, những người mẹ đơn thân, những đứa bé bị ung thư, những người làm từ thiện. Trong suốt quá trình đi trò chuyện với họ, tôi có thêm chất liệu để viết thoại tốt hơn. Một câu thoại tốt là một thoại mà nhân vật nói cho mình nghe họ muốn gì, họ muốn nói gì, và mình chỉ ghi chép lại. Giây phút mà biên kịch nói: Nhân vật nói như thế này - như vậy là thất bại.
Vậy công việc khó nhất của một biên kịch là gì?
Đó là tạo ra những nhân vật đáng tin. Khi mà những nhân vật xuất hiện trên màn ảnh, họ rất đa dạng. Họ có thể là một siêu nhân, một siêu anh hùng hay một con người rất bình thường trong xã hội, nhân vật chỉ đáng tin khi nó đáng tin. Bạn xem Captain America, Iron Man, bạn biết là nó xạo nhưng bạn tin rằng nó có thật, hoàn toàn có thể có một ông Tony Stark ở trên đời. Để có 90 phút mà người xem thấy trên phim, đó là một quá trình rất dài với những câu chuyện không nằm trên màn hình mà chúng tôi buộc phải thể hiện trên giấy. Trước mọi chuyện xảy ra họ làm gì, họ có sang chấn gì không? Tổn thương tâm lý của họ là gì? Niềm hối hận lớn nhất? Thứ khiến họ vui nhất? Ta phải trả lời rất nhiều câu hỏi để khi nhân vật bước chân lên phim, những điều họ nói ra là toàn bộ kết quả của những quá khứ từ trước đó.
Tôi thấy rằng đó hình như cũng là vấn đề của rất nhiều phim Việt Nam hiện tại, mọi người chỉ kể một câu chuyện theo đúng cốt truyện chứ không quan tâm đến việc xây dựng một đời sống thật sự cho nhân vật.
Sẽ rất khó để nhận xét về các đồng nghiệp, nhưng tôi thấy rằng Việt Nam bây giờ có rất nhiều biên kịch giỏi. Hãy nhìn xem, chúng ta có anh Charlie Nguyễn , anh làm việc rất kỹ, rất chỉn chu và chặt chẽ. Anh Dũng và cả anh Linh, họ là những người làm phim và tự viết kịch bản hoặc kết hợp với các biên kịch. Tôi muốn nói rằng: Việt Nam đã dần có biên kịch giỏi rồi, nhưng chúng ta cần nhiều hơn nữa, chúng ta không chỉ cần vài người hay vài chục người, chúng ta cần vài trăm, thậm chí vài nghìn cũng được để cùng thúc đẩy một nền điện ảnh đi lên.
Ngành kịch bản đang rất thiếu người, nhưng lại là một vai trò kém thu hút với các bạn trẻ thì phải.
Con người có 2 thứ họ quan tâm khi làm việc, đó là lợi và danh. Trong Tiệc Trăng Máu, tôi hơi bất ngờ khi credit hiện lên và tên tôi được đứng riêng 1 khung hình. Tôi nhận ra rằng anh Dũng và anh Linh là 2 người bạn lớn của tôi, họ đã có 1 sự tri ân và đánh giá cao công việc tôi làm. Nếu như trong tương lai, những biên kịch cũng được xuất hiện một cách trang trọng như vậy, họ sẽ phải có động lực để làm việc hơn.
Thứ 2, nói về tiền. Tiền dành cho biên kịch Việt Nam hiện tại quá thấp. Alfred Hitchcock nói rằng: Trong 1 bộ phim, có 3 thứ quan trọng nhất. Thứ nhất là kịch bản, thứ hai là kịch bản, và thứ 3 cũng là kịch bản. Hiện tại, mặt bằng chung của biên kịch quá thấp. Thị trường sẵn sàng trả vài tỉ cho diễn viên, nhưng lại chỉ trả từ 100 - 200 triệu cho một kịch bản tốt. Đó là một con số quá thấp cho một quá trình làm việc dài.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nền biên kịch của chúng ta mới ở mức bắt đầu. Khi ngồi với các nhà sản xuất, họ nói rằng họ sẵn sàng trả 1 - 2 tỷ cho một kịch bản gốc hay. Chúng ta làm rất nhiều phim remake và điều đó khiến các nhà sản xuất phải mua lại những kịch bản gốc với mức giá rất cao. Sau đó họ lại thuê 1 biên kịch để Việt hóa lại, và nếu biên kịch này không thành công, họ lại phải tìm 1 biên kịch khác để sửa. Điều đó có nghĩa là: Nhà sản xuất tốn rất nhiều tiền trong 1 khâu và số tiền hoàn toàn có thể lên đến 2 tỉ. Vậy nếu biên kịch Việt Nam có thể viết 1 thứ khiến họ phải “Quào! Tôi muốn có kịch bản này!” - thì họ sẽ sẵn sàng bỏ ra 2 tỉ cho nó.
Điện ảnh Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng. Trong khi tất cả những nền điện ảnh lớn trên thế giới đang vật vã vì Covid-19 thì rạp của chúng ta đang ấm dần sau Ròm và Tiệc Trăng Máu. Điều đó có nghĩa là khán giả Việt Nam thích xem phim Việt Nam. Những định kiến đã dần thay thay đổi. Chúng ta thấy phim Tiệc Trăng Máu quay phim đẹp, đạo diễn giỏi, âm nhạc hay, diễn xuất đỉnh cao. Nền điện ảnh của chúng ta đang chín dần và chỉ cần có những biên kịch giỏi, mọi thứ sẽ được thúc đẩy.
Hãy nói thêm về quá trình tạo nên Tiệc Trăng Máu, anh viết kịch bản đó trong bao nhiêu lâu?
Thời gian viết: 1 tuần. Chỉ trong 1 tuần thôi.
Nhưng để có 1 tuần làm việc cật lực ra sản phẩm, tôi đã phải research rất nhiều, xem rất nhiều bản phim trước đó. Tôi phải nghiền ngẫm từng câu chuyện và tình huống, để xem khi mình Việt hóa lại, nó sẽ thế nào? Sau 1 tuần, tôi sẽ biên tập lại theo diễn viên. Chúng ta biết rằng sẽ luôn có một độ chênh nhất định giữa thoại ta viết và giọng của diễn viên. Mỗi người lại có một kiểu nói chuyện khác nhau và tôi phải chỉnh lại sao cho phù hợp với họ nhất.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi sau khi phim ra rạp, đó là khi bạn bè gửi cho tôi những đường link bài báo, bài chia sẻ của khán giả, họ nói rằng: Đây là một bộ phim rất Việt Nam.
Vậy cá nhân mà nói thì anh hẳn có những suy ngẫm của riêng mình về nhân vật?
Biên kịch không được phán xét nhân vật. Biên kịch chỉ được tin nhân vật thôi. Điều đó có nghĩa là: Nếu nhân vật đó là nhân vật ác, biên kịch không được phép ghét nhân vật đó mà phải tin rằng nhân vật làm việc láo là vì có lý do của riêng nó. Tôi nghĩ, 1 biên kịch giỏi sẽ yêu tất cả những nhân vật của mình và không bỏ rơi ai cả. Khi họ đưa nhân vật vào thế giới này, họ phải chăm sóc nó. Đã có khởi đầu cho nhân vật thì phải có kết thúc.
Với Tiệc Trăng Máu, nếu mọi người thích phim - hãy đi coi lại. Tôi tin rằng, mỗi lần xem, bộ phim sẽ tỏa ra một ánh sáng khác. Tôi đã xem đi xem lại bộ phim từ khi nó là những bản thô, cho đến khi ra rạp. Mỗi lần, tôi lại thấy một nhân vật khác nhau làm mình ấn tượng. Ban đầu, tôi bị chị Thu Trang chinh phục hoàn toàn. Sau đó, tôi lại thấy Thái Hòa quá hay. Rồi tôi thấy Đức Thịnh tuyệt vời. Rốt cuộc, tôi thấy mọi người cho rằng nhân vật của Hồng Ánh và anh Văn là nhạt, nhưng tôi tin họ là xương sống của kịch bản. Họ cầm trịch bàn tiệc và giữ nhịp của phim này. Nếu không có họ, những người khác sẽ không tỏa sáng đến vậy.
Tôi cảm thấy Tiệc Trăng Máu dường như khá bi quan khi đề cập đến cuộc đời của những con người hiện đại. Có thật là, cuộc sống cần phải bi quan đến vậy không?
Khi xem phim, mỗi người sẽ có một sự đồng cảm khác nhau về nhân vật. Các bạn LGBT sẽ có sự đồng cảm với Mạnh. Những phụ nữ sống cao chịu để giữ yên ấm mái nhà trên đầu các con mình - sẽ đồng cảm với Thu Quỳnh. Những người lăng nhăng, không thể hạnh phúc với chỉ 1 mối quan hệ, sẽ có sự đồng cảm với Linh. Những người chồng trung niên, gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý lẫn tình dục sẽ đồng cảm với Quang.
Tại sao người ta phải làm biên kịch? Có những bộ phim bi mà sự bi nó còn khủng khiếp hơn phim này. Khi bạn xem phim bi, bạn cảm thấy được xoa dịu, bởi bạn thấy ôi cuộc đời mình vẫn còn sung sướng, những gì mình trải qua đâu thấm là bao với cuộc đời nhân vật. Thật ra, Tiệc Trăng Máu không phải một bộ phim bi quan, mà nó là một lời cảnh báo. Chúng ta có quá nhiều mặt nạ, và đây là lời cảnh báo để chúng ta sống thật với bản chất, nói ra điều mình nghĩ và biết rằng, nếu mình học cách giải quyết vấn đề một cách thấu đáo và đừng che lấp nó.
Vậy nên, đối với tôi, Tiệc Trăng Máu là một lời cảnh tỉnh.
Cảm ơn anh về những chia sẻ rất tuyệt vời nà và chúc anh sẽ thành công hơn nữa trong tương lai.