Bill Gates lên tiếng cảnh báo người dân các nước giàu về trào lưu 'anti vắc xin'
Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố danh sách 10 thách thức lớn nhất đe dọa sức khỏe toàn cầu, trong đó có việc từ chối tiêm chủng vắc xin.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ nhỏ hay không đang là một vấn đề nóng trên mạng xã hội. Thời gian gần đây, trào lưu "anti vắc xin" lại tiếp tục được nhiều người hưởng ứng. Theo đó, dù có thể dễ dàng tiếp cận nhưng những người ủng hộ trào lưu này lại miễn cưỡng hoặc thậm chí từ chối tiêm vắc xin cho chính bản thân mình và con cái của họ.
Trào lưu "anti vắc xin" đang gây ra hậu quả khôn lường tới cộng đồng.
Theo thống kê sơ bộ, tại một số nước giàu trên thế giới, bệnh sởi đang bùng phát trở lại.
Mỹ là quốc gia gần như đã loại bỏ được virus truyền nhiễm vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019, nước này đã ghi nhận 159 trường hợp mắc bệnh. Ở Nhật Bản, 167 người đã được chẩn đoán mắc bệnh sởi trong 6 tuần đầu năm mới – tỷ lệ nhiễm sởi cao nhất tại đất nước mặt trời mọc trong hơn 1 thập kỷ qua.
Các quan chức của lĩnh vực y tế công cộng đã cảnh báo trong nhiều tháng gần đây rằng tình trạng này chính là hậu quả của việc mọi người hưởng ứng trào lưu không tiêm phòng cho các con. Một số bác sĩ nhi khoa Mỹ cũng đã lên tiếng lo ngại rằng quy định có phần thoải mái ở nhiều tiểu bang đang tạo ra môi trường sinh sôi cho tất cả các loại bệnh nhiễm trùng có thể phòng ngừa được, trong đó có bệnh sởi.
Khi được hỏi về suy nghĩ cá nhân, tỷ phú Bill Gates đã góp thêm tiếng nói vào báo động ngày càng tăng về vấn đề các bậc phụ huynh hùa theo trào lưu "anti vắc xin" trong bài đăng "Hỏi tôi bất cứ điều gì" trên Reddit ngày 25/2 vừa qua.
Ông chia sẻ: "Thật đáng ngạc nhiên khi ở các nước giàu có hơn, sự đồng thuận rằng trẻ em cần được bảo vệ đã bị đánh mất. Điều này đồng nghĩa với việc số ca tử vong do bệnh sởi hoặc ho gà sẽ gia tăng trong thời gian tới".
Bill Gates giúp một em bé Ấn Độ uống vắc xin năm 2000.
Thông qua quỹ từ thiện của mình, Bill Gates đã dành gần 2 thập kỷ để đầu tư nghiên cứu và vận động mọi người tiêm vắc xin cho trẻ em để chống lại những căn bệnh chết người.
Trước khi chúng ta phát minh ra vắc xin sởi vào năm 1963, virus truyền nhiễm của bệnh này đã xuất hiện ở khắp mọi nơi. Biến chứng gây tử vong của bệnh sởi đã ảnh hưởng đến 1 trong số 1.000 người mắc bệnh. Hàng năm, tại Mỹ có hơn 400 người chết vì bệnh sởi. Từ năm 2015, quốc gia này đã không có trường hợp nào mắc sởi dẫn đến tử vong trừ một bệnh nhân bị suy yếu hệ thống miễn dịch qua đời vì viêm phổi do biến chứng của bệnh sởi.
Không ai có thể phủ nhận hiệu quả của vắc xin, tuy nhiên theo kết quả của một cuộc khảo sát năm ngoái, ngày càng có nhiều người tin vào những thông tin sai lệch rằng vắc xin nguy hiểm.
Theo Bill Gates, "vắc xin đã cứu nhiều mạng sống trên thế giới hơn bất cứ công cụ nào khác". Từ đầu thế kỷ, vắc xin sởi đã cứu sống hơn 21 triệu người và giúp giảm 80% số người tử vong trên toàn cầu chỉ sau 17 năm. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, khi chúng ta đang ở rất gần vạch đích xóa sổ căn bệnh này thì trào lưu "anti vắc xin" lại đe dọa sẽ đảo ngược những tiến bộ y tế mà loài người đã đạt được trong suốt những thập kỷ qua.
Phó tổng giám đốc của WHO, Soumya Swaminathan cho biết: "Chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất đi hàng thập kỷ tiến bộ y tế trong việc bảo vệ trẻ em và cộng đồng khỏi những căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được này".
Giám đốc y tế công cộng tại Hạt Clark, Alan Melnick chia sẻ với Business Insider: "Mọi người trở nên tự mãn và không nhận ra trào lưu chống lại vắc xin có thể tệ đến mức nào. Và đó là điều khiến tôi lo lắng nhất".