Biết Grab đề xuất cung ứng hạ tầng miễn phí cho TP.HCM, Loship ‘nhanh trí’ làm điều tương tự với Đồng Nai và Cần Thơ
Mới đây, Loship đã gửi công văn lên Sở Công thương tỉnh Đồng Nai và thành phố Cần Thơ với đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng công nghệ phục vụ việc đi chợ hộ. Rút kinh nghiệm từ mô hình đi chợ hộ tại TP.HCM, Loship đề xuất tới 3 phương án về lực lượng giao hàng cho Đồng Nai và Cần Thơ lựa chọn: dùng của Loship hoặc của Chính quyền hoặc kết hợp cả hai.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Không chỉ riêng TP.HCM, nhiều tỉnh thành khắp cả nước đã bắt đầu áp dụng những biện pháp siết chặt, kéo dài thời gian giãn cách xã hội. Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh đến hết ngày 31/8/2021. Bên cạnh đó, UBND TP. Cần Thơ cũng đã áp dụng các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị số 16 đến hết ngày 8/9/2021.
Được biết, tại một số nơi phong tỏa nghiêm ngặt, UBND TP. Biên Hòa và TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện việc đi mua hàng hộ. Từ kinh nghiệm của Loship và thực tế những gì đã triển khai tại TP.HCM, Loship hiểu rõ những khó khăn mà mô hình đi chợ hộ đang gặp phải, chẳng hạn như: hết món, khách hàng có nhu cầu đặc biệt, hoặc khách bom hàng như truyền thông có đưa tin dạo gần đây.
"Là một doanh nghiệp Việt, Loship luôn trân trọng những nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 một cách nhanh nhất, điển hình là mô hình "đi chợ hộ" được triển khai gần đây do các tổ chức đoàn thể tại địa phương phối hợp cùng lực lượng công an quân đội thực hiện.
Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy những khó khăn khi triển khai mô hình này. Thứ nhất là việc nhận đơn hàng và ghi giấy thủ công, một số nơi thực hiện qua Zalo hoặc mẫu form chung nhưng cũng không tránh được việc xử lý thủ công, mất nhiều thời gian và số lượng người dân được phục vụ giảm xuống. Thứ hai là khi xử lý thủ công thì sai sót sẽ diễn ra nhiều hơn, dẫn tới những tranh cãi không đáng có giữa người mua hàng và người bán hàng, trong khi đây là thời điểm mà mọi người cần chung tay với nhau để vượt qua dịch bệnh.
Để khắc phục vấn đề này, tôi nghĩ sự can thiệp của công nghệ là điều cần thiết. Công nghệ sẽ giúp giải quyết triệt để vấn đề xử lý đơn hàng thủ công, cho phép thanh toán không tiếp xúc,... Trong ngắn hạn, tôi nghĩ các cán bộ khi mua hàng nên hạn chế tối đa thanh toán bằng tiền mặt, thay vào đó là thanh toán online qua ngân hàng hoặc ví điện tử, việc này sẽ giúp giảm tiếp xúc và ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.
Với sự can thiệp của công nghệ, toàn bộ quy trình đặt hàng - mua hàng - nhận hàng - thanh toán sẽ được tự động hóa, giảm thiểu gánh nặng trong khâu vận hành, giúp cho việc lưu thông hàng hoá thiết yếu đến tay người dân nhanh chóng hơn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội," CEO Loship - Nguyễn Hoàng Trung nhận định.
CEO Loship - Nguyễn Hoàng Trung
Hiện tại mô hình đi chợ hộ tại TP HCM đang quá tải. Ngoài thiếu nhân lực thì khâu vận hành còn thủ công, chưa tối ưu cũng là nguyên nhân. Kinh nghiệm của Loship để khắc phục vấn đề này là gì, với tư cách chủ doanh nghiệp chuyên về dịch vụ đi chợ hộ?
Mô hình chia sẻ nền tảng đi chợ hộ mà Loship đề xuất với Sở Công thương Đồng Nai và Cần Thơ cụ thể như sau:
Khách hàng/ Người dân
Người dân sẽ sử dụng ứng dụng Loship để đặt hàng, chọn vào mục Đi chợ trên ứng dụng, nhập địa chỉ cần giao hàng và lựa chọn đơn vị cung ứng hàng hóa. Người dân chọn mặt hàng và số lượng cần mua. Sau khi chọn xong, người dân xác nhận lại thông tin nhận hàng, chọn phương thức thanh toán và tiến hành đặt đơn.
Người dân sẽ chỉ đặt hàng được tại các đơn vị cung ứng hàng hóa theo danh sách do UBND quy định trước hoặc đã ký hợp đồng hợp tác với Loship để bảo đảm bình ổn giá cho người dân. Loship cung cấp cả hình thức thanh toán online (ví điện tử, thẻ ngân hàng) và thanh toán tiền mặt, tuy nhiên người dân được khuyến khích chọn thanh toán không tiền mặt để đảm bảo an toàn hạn chế tiếp xúc.
Cửa hàng/ Địa điểm cung ứng hàng hoá
Người dân có thể đặt hàng tại các cửa hàng là đối tác Loship đang hoạt động trên địa bàn thành phố Biên Hòa và thành phố Cần Thơ như: Co.opMart, TH True Mart, Bách Hóa Xanh, Winmart, v.v..
Đối với những đơn vị cung ứng hàng hóa theo danh sách do UBND quy định trước mà chưa có mặt trên nền tảng Loship, Loship hỗ trợ tạo cửa hàng trực tuyến trên ứng dụng. Đơn vị cung ứng hàng hóa có thể theo dõi thông tin đơn hàng thông qua Ứng dụng dành cho chủ cửa hàng của Loship.
Hàng hóa sẽ được hiển thị đầy đủ trên ứng dụng dưới dạng món lẻ hoặc gói combo (ví dụ combo thực phẩm và hàng thiết yếu). Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ nhận được thông báo và chuẩn bị hàng hóa theo chủng loại, số lượng được đặt và chờ tài xế đến lấy hàng để giao cho người dân.
Lực lượng giao hàng: Loship đề xuất ba phương án
Phương án 1: Shipper Loship trực tiếp xử lý đơn
Loship vừa chia sẻ hạ tầng công nghệ, vừa cung cấp nguồn lực miễn phí hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu. Theo đó, đội ngũ shipper của Loship sẽ được sử dụng làm lực lượng giao hàng chính. Số lượng shipper được phép hoạt động tại từng khu vực sẽ do Sở và UBND đề xuất, nhằm tuân thủ đúng chỉ thị 16.
Hầu hết shipper của Loship đã chích 1 mũi vaccine.
Phương án 2: Lực lượng giao hàng của Chính quyền xử lý đơn
Loship chia sẻ hạ tầng công nghệ, hỗ trợ kết nối đặt hàng giữa người mua và điểm bán, riêng khâu giao hàng vẫn do lực lượng đi chợ hộ của chính quyền đảm nhận. Cụ thể, lực lượng đi chợ hộ sẽ tải ứng dụng dành cho shipper của Loship, sau đó tạo tài khoản shipper.
Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ hộ sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng dành cho shipper Loship và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng, rồi giao cho người đặt theo đúng địa chỉ trên đơn hàng. Mỗi cán bộ đi chợ hộ có thể nhận nhiều đơn hàng trên cùng 1 tuyến đường để tối ưu việc giao nhiều đơn hàng cùng lúc.
Người dân có thể thanh toán online thông qua tài khoản ngân hàng/ ví điện tử mà cán bộ đi chợ hộ đăng ký trên ứng dụng. Nếu người dân lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt, cán bộ đi chợ hộ có thể tạm ứng tiền và thu lại của người dân sau khi giao hàng thành công.
Phương án 3: Kết hợp giữa shipper Loship và lực lượng đi chợ hộ của Chính quyền
Các đơn hàng sẽ được chuyển cho lực lượng đi chợ hộ của Chính quyền trước, nhưng khi lực lượng này quá tải, Loship sẽ hỗ trợ chuyển đơn sang cho shipper công ty đảm nhận. Lực lượng shipper tham gia vận chuyển sẽ được xét nghiệm, tiêm ngừa vaccine để đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19.
Công ty sẽ cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng cho TP. Biên Hòa và TP. Cần Thơ, miễn phí đăng ký và sử dụng ứng dụng cho đối tác cửa hàng, miễn phí giao hàng cho người dân. Ngoài ra, nền tảng công nghệ của Loship được thiết kế bởi người Việt, vì vậy sẽ phù hợp với nhu cầu sử dụng của người Việt hơn. Tính năng đi chợ hộ cũng đã được triển khai trên ứng dụng Loship hơn 4 năm nay, mang lại sự quen thuộc, dễ thao tác với lực lượng đi chợ hộ nếu lần đầu sử dụng.
Theo Loship, việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ lực lượng đi chợ hộ, thay vì sử dụng phương án thủ công sẽ có những tác động tích cực như: ghi nhận nhanh chóng yêu cầu của người dân; cho phép thanh toán trực tuyến nhằm giảm thiểu tiếp xúc vật lý; mọi rủi ro về vận hành đều được giải quyết nhanh chóng; mọi thắc mắc của người dân đều được ghi nhận và hỗ trợ kịp thời; tận dụng được lực lượng tài xế dồi dào; tránh các rủi ro về nhân lực; mọi thông tin đều được lưu trữ trên hệ thống, hỗ trợ việc truy vết dễ dàng và cơ quan chức năng sẽ có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý sau này..