Biến thể Delta "tự sát" tại Nhật Bản, tăng ca mắc tại Châu Âu: Dịch ở Việt Nam sẽ ra sao?
Theo các thông tin được truyền thông đăng tải mới đây, biến chủng virus SARS-CoV-2 Delta đang giảm nhanh ca mắc tại Nhật Bản nhưng lại tăng số ca mắc tại Châu Âu.
Virus "thoái trào" theo quy luật tự nhiên
Hiện trên thế giới có 4 biến thể virus SARS-CoV-2: Alpha, Beta, Gamma và Delta lưu hành trên thế giới.
Trong đó, biến thể virus Delta lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ vào tháng 12/2020. Sau khi, xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh, biến thể Delta đã gây ra thảm họa y tế tại Ấn Độ và đã thống trị toàn cầu.
Tại Việt Nam, biến thể Delta đã gây ra đợt dịch lần thứ 4 lớn chưa từng có khiến cho hơn 23.000 người đã ra đi mãi mãi.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Delta hiện chiếm 99,5% tổng số trình tự gien của bệnh nhân Covid-19 trên toàn thế giới.
Là một nước cũng đã từng phải vất vả đối phó với biến thể Delta, tại Nhật Bản hiện đang xảy ra một "hiện tượng lạ": Số ca mắc tại đây giảm nhanh chóng. Điều này khiến cho giới chuyên môn đặt ra vấn đề biến thể Delta đang đi vào "thoái trào" tại đây.
Liên quan tới việc vì sao biến chủng Delta lại giảm ca mắc ở Nhật Bản, nhưng lại tăng số ca nhập viện tại Châu Âu, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay: "Việc biến thể Delta giảm số ca mắc không chỉ ở Nhật Bản mà còn tại cả ở Châu Phi. Virus "thoái trào" hay "tự sát" hiện nay vẫn chỉ là giả thiết.
Tuy nhiên, theo quá trình phát triển tự nhiên virus sẽ phát triển tạo ra những biến chủng mới tăng độc tính và sau đó sẽ thoái trào (biến mất) là điều có thể gặp".
Virus SARS-CoV-2, ảnh minh hoạ.
Đặc biệt, với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khi phát triển lây lan chiếm lĩnh các biến thể khác nó sẽ chung sống thích nghi với con người, số ca bệnh sẽ giảm.
Lý giải thêm về vấn đề này PGS Huy Nga cho biết, virus SARS-CoV đã lây lan dịch được 2 năm và đã có nhiều biến thể gặp trên người như: Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Việc biến thể Delta "thoái trào" tại Nhật Bản được đặt ra giả thiết: Virus đã tích lũy nhiều đột biến và không có khả năng sửa lỗi dẫn tới việc sẽ tự biến mất tự nhiên hay "tự hủy diệt".
Vị chuyên gia dịch tễ cũng đã lấy ví dụ vào năm 2003 virus SARS xuất hiện đã gây ra sự ám ảnh với toàn nhân loại về căn bệnh viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm.
Tuy nhiên, sau một thời gian rất ngắn, virus SARS đã "tuyệt chủng" một cách tự nhiên. Sau gần 20 năm trên thế giới không còn ghi nhận người mắc bệnh.
Hay như đại dịch H1N1 (năm 2009) hay còn gọi là cúm lợn đã được WHO cảnh báo dịch ở cấp độ 6, cấp độ cao nhất và là đại dịch trên quy mô toàn cầu. H1N1 đã lan rộng ra trên 160 quốc gia thuộc cả năm châu lục với hàng trăm ngàn trường hợp mắc và hơn một nghìn trường hợp tử vong. Tại Việt Nam cũng đã có gần 800 trường hợp mắc ở gần 30 tỉnh, thành phố trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam và đã có trường hợp tử vong.
Tuy nhiên sau một thời gian lây lan rất nhanh virus H1N1 cũng đã biến đổi để thích nghi với con người và trở thành một chủng cúm lưu hành theo mùa.
Theo quy luật virus SARS-CoV-2 sẽ thoái trào trên toàn thế giới. Tại Việt Nam cũng vậy khi virus phát triển mạnh sẽ đi vào giai đoạn thoái trào.
Dự đoán của chuyên gia dịch tễ dịch tại Việt Nam có thể tới quý I của năm 2022 dịch sẽ bắt đầu ít ca bệnh nếu như tốc độ bao phủ vắc xin rộng lên. Cùng với đó là sự biến đổi của virus sống thích nghi với con người có thể trở thành bệnh lưu hành theo năm.
Sự cạnh tranh của các virus khác
PGS Huy Nga cũng đưa ra giải thiết thứ 2 về sự " thoái trào" của biến thể Detal tại Nhật Bản có thể có liên quan tới sự cạnh tranh của các virus với nhau. Sự canh tranh này cũng theo quy luật sinh tồn vốn có trong tự nhiên.
"Xung quanh con người có rất nhiều loại virus tồn tại. Biến thể virus Delta phát triển tới một mức độ nào đó nó sẽ chịu sự cạnh tranh của các virus khác và ảnh hưởng sự phát triển.
Cũng theo dự báo của các chuyên gia trên thế giới virus SARS-CoV-2 vào cuối năm 2021 có thể thoái trào. Đến năm 2022 sẽ trở thành bệnh lưu hành theo mùa", PGS Huy Nga nói.
Ngoài ra, PGS Huy Nga cũng cho biết thêm ở Nhật Bản trong suốt thời gian dịch bệnh là nước chưa có giao lưu quốc tế đi lại giảm cho nên số ca bệnh sẽ giảm.
Có hay không việc tiêm vắc xin khiến cho virus thoái trào? PGS Huy Nga cho rằng, ở các nước Châu Âu tiêm vắc xin từ rất sớm, Nhật Bản sau này mới triển khai tiêm. Tuy nhiên, dịch bệnh tại Châu Âu hiện nay bắt đầu phức tạp lên. Và ở Châu Phi nơi tỷ lệ tiêm vắc xin thấp thì số ca mắc cũng giải. Điều này đã nói lên vắc xin không khiến cho virus thoái trào.
Lý giải thêm về vấn đề vì sao dịch bệnh lại đang phức tạp tại Châu Âu, PGS Huy Nga cho rằng: "Tại Châu Âu hiện nay dịch bệnh bắt đầu nặng lên vì họ giờ mới xuất hiện các ca bệnh biến thể Delta. Trước kia dịch tại Châu Âu là biến thể Alpha".