Biến thể COVID-19 mới nhất có tốc độ lây lan nhanh: 2 triệu chứng khác thường cần chú ý

04/01/2024 15:45 PM | Xã hội

Theo thông tin từ tờ Times of India, cấu trúc di truyền khác biệt của JN.1 làm dấy lên mối lo ngại về tác động của biến thể này lên hệ hô hấp.

JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron. Đây là biến thể phụ mới nhất của COVID-19, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2023 và hiện đã lây lan đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại JN.1 là một “biến thể cần quan tâm” vì tốc độ lây lan nhanh chóng của nó. Không giống như BA.2.86, JN.1 có thêm đột biến L455S trong protein gai làm tăng khả năng lây nhiễm.

2 triệu chứng khác thường của JN.1

Biến thể COVID-19 mới nhất có tốc độ lây lan nhanh: 2 triệu chứng khác thường cần chú ý - Ảnh 1.

JN.1 là biến thể phụ mới nhất của COVID-19 (Ảnh minh họa)

Mất vị giác và/hoặc khứu giác từng là những dấu hiệu chính của COVID-19. Tuy nhiên, biến thể JN.1 lại có những triệu chứng khác thường hơn.

JN.1 là nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 “ngày càng gia tăng” tại Anh. Theo dữ liệu mới nhất từ một cuộc khảo sát trên 27.000 người Anh mắc COVID-19, mất khứu giác và vị giác không còn là dấu hiệu chính của COVID-19.

Khảo sát được thực hiện bởi Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh từ 7-13/12/2023. Kết quả cho thấy chỉ có 2-3% số người tham gia khảo sát cho biết họ bị mất vị giác và khứu giác. Theo đó, sổ mũi (31,1%), ho (22,9%), nhức đầu (20,1%), mệt mỏi (19,6%), đau cơ (15,8%), đau họng (13,2%), là những triệu chứng COVID-19 phổ biến nhất.

Đáng ngạc nhiên, có 2 triệu chứng mới khác thường được tìm thấy đó là khó ngủ (10,8%) và lo lắng (10,5%).

Biến thể JN.1 gây lo ngại về nguy cơ viêm phổi

Theo thông tin từ tờ Times of India, cấu trúc di truyền khác biệt của JN.1 làm dấy lên mối lo ngại về tác động của biến thể này lên hệ hô hấp. JN.1 dường như gây áp lực cao hơn với mô phổi và có khả năng dẫn tới các trường hợp viêm phổi nặng hơn so với các biến thể trước đó.

Các nhà nghiên cứu đang tích cực điều tra cơ chế gây viêm phổi của JN.1. Phát hiện ban đầu cho thấy những thay đổi nhất định trong protein gai của virus và các thành phần quan trọng khác có thể tạo điều kiện cho sự xâm nhập vào các tế bào phổi hiệu quả hơn và tăng cao phản ứng viêm.

Biến thể COVID-19 mới nhất có tốc độ lây lan nhanh: 2 triệu chứng khác thường cần chú ý - Ảnh 2.

Biến thể JN.1 gây lo ngại về nguy cơ viêm phổi (Ảnh: iStock)

Theo WHO, trong tháng trước, số ca mắc COVID-19 mới trên toàn thế giới đã tăng 52%. 

Giáo sư Steven Riley, giám đốc dữ liệu và giám sát của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, thời tiết lạnh, ngày ngắn hơn và nhu cầu giao tiếp xã hội lại cao hơn. Những yếu tố này khiến cho khả năng lây nhiễm những loại virus đường hô hấp, ví dụ như COVID-19 sẽ đặc biệt cao”.

“Thêm vào đó, với sự xuất hiện của biến thể mới, tình trạng gia tăng số ca mắc không phải là điều đáng ngạc nhiên”, vị giáo sư giải thích.

Tiêm chủng hiện vẫn là công cụ quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện, bao gồm cả các trường hợp viêm phổi liên quan tới biến thể JN.1.

Những đối tượng được khuyến khích tiêm là người trên 65 tuổi, người sống trong viện dưỡng lão, nhân viên y tế, người chăm sóc những người trong độ tuổi từ 16-64 và những người từ 12-64 tuổi đang sống cùng với những người có hệ miễn dịch kém.

Theo thông tin từ tờ Times of India, ngoài tiêm vaccine, mọi người cần theo dõi các triệu chứng như ho kéo dài, khó thở, sốt để có những can thiệp kịp thời, ngăn ngừa bệnh có tiến triển thành viêm phổi nặng.

Giáo sư Riley nói thêm: “Nếu bạn đang có các triệu chứng của COVID-19 hoặc các bệnh về đường hô hấp khác, tốt hơn hết bạn nên hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc người có nguy cơ cao”.

Nguồn: Indy100, Interview Times, Time of India

 


Theo Lam Chi

Cùng chuyên mục
XEM