“Biến động – các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào”: Cuốn sách hiến kế đúng thời điểm cho các quốc gia trên thế giới

31/07/2020 20:46 PM | Xem - Đọc

Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 vô cùng nặng nề, những biến động của nền kinh tế vẫn tiếp tục và luôn theo chiều hướng xấu đi. Đó là cách ngắn gọn nhất để nói về tình hình kinh tế - tài chính trong 10 năm vừa qua (2010 – 2020).

Đến nay, nhiều người vẫn nghĩ năm 2020 (một con số đẹp) sẽ khởi đầu cho một thập niên ít sóng gió. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong sáu tháng đầu năm vừa qua thật kinh khủng. Không ai trong chúng ta có thể ngờ được một cơn đại dịch như Covid-19 xóa đi tất cả những gì mà các quốc gia dần khôi phục sau quá nhiều thách thức.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự tồi tệ của đại dịch không nằm ở sự thiếu ý thức của người dân mà viện dẫn do "toàn cầu hóa". Toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu của nền kinh tế hiện đại. Xu thế này làm khoảng cách giữa các cá nhân, khoảng cách giữa các quốc gia là không còn. Vì vậy, một khi biến cố lớn xảy ra sẽ lan truyền nhanh hơn và mức độ sẽ khủng khiếp hơn và khó lường trước hơn.

Khó khăn thì phải tìm cách vượt qua, đó là câu chuyện muôn đời. Vì thế, cụm từ xu hướng trong thời gian này thường xoay quanh các cụm từ như "xử lý khủng hoảng", "cách ứng phó với khủng hoảng", "dự báo khủng hoảng", "tương lai của khủng hoảng"… Vì vậy mà cuốn sách mới nhất của giáo sư Jared Diamond: "Biến động – các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào" vừa ra mắt bản tiếng Anh năm 2019, nay đã được xuất bản tại Việt Nam vào đúng thời điểm khủng hoảng này.

Jared Diamond chắc hẳn không còn xa lạ gì đối với độc giả Việt Nam. Ông là nhà khoa học Mỹ và tác giả nổi tiếng với các tác phẩm khoa học phổ thông nổi tiếng toàn thế giới. Những tác phẩm trước về đề tài lịch sử nhân loại như: "Súng, vi trùng và thép" (1997) - được trao giải Pulitzer; "Sụp đổ" (2005); "Thế giới cho đến ngày hôm qua" (2012) … luôn nằm trong top sách bán chạy trên toàn thế giới.

Điểm chung của những cuốn sách này là khảo sát các trường hợp trong lịch sử loài người nhằm tìm ra câu trả lời cho sự phát triển chung của các nền văn minh trên thế giới, bằng phương pháp nghiên cứu đa ngành từ sinh vật học phân tử, di truyền học, sinh địa lý, khảo cổ học, và ngôn ngữ học…

“Biến động – các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào”: Cuốn sách hiến kế đúng thời điểm cho các quốc gia trên thế giới - Ảnh 1.

Với ba cuốn sách trên, ông diễn giải chủ yếu ở các khía cạnh địa lý ảnh hưởng thế nào đến các xã hội truyền thống từ xa xưa, thì với "Biến động", ông tập trung chủ yếu phân tích đến các xã hội thời hiện đại. Bố cục của sách được phân ra thành ba phần. Phần I đi vào phân tích từng cá nhân, xem xét chủ yếu về khía cạnh tâm lý học trong biến cố thông qua 12 nhân tố chính để xem xét việc các cá nhân có thành công hay không trong việc xử lý các biến cố cá nhân. Phần II tập trung phát triển 12 nhân tố cá nhân thành các nhân tố xã hội, quốc gia và lấy số đông này phân tích cách mà các quốc gia xử lý khủng hoảng. 12 nhân tố quốc gia sẽ được ứng vào phân tích các quốc gia điển hình trong xử lý khủng hoảng thời hiện đại như Phần Lan, Nhật Bản, Chile, Indonesia, Đức, Úc. Phần cuối đi đến kết luận một viễn cảnh cho tương lai.

Cách phân tích chính của tác giả tập trung vào việc diễn giải các sự kiện lịch sử trong quá khứ, những gì đang diễn ra trong hiện tại, phân tích các khủng hoảng và áp những khủng hoảng này vào khung 12 nhân tố để nhận xét các quốc gia giải quyết như thế nào? Khung 12 nhân tố này là một nghiên cứu nhiều năm của ông, kết hợp kiến thức, đóng góp của nhiều chuyên gia về xử lý khủng hoảng nhưng hơn hết vẫn là khung nhân tố này được lấy ra từ thực tiễn nên mức độ tin cậy khá cao. Thông qua các nhận xét, Jared Diamond đưa ra những nhận định mang tính tổng kết kinh nghiệm và dự báo trong tương lai.

Các quốc gia mà tác giả chọn để phân tích đều là những quốc gia đặc biệt và có những phương hướng đường lối xử lý khủng hoảng rất thành công. Đó có thể là tinh thần ái quốc "rất lạ kỳ" của Phần Lan – họ có thể hy sinh ¼ dân số cả nước chỉ để bảo vệ chủ quyền đất nước thay vì nhận những lợi ích từ Nga. Đó có thể là một Nhật Bản "thù trong giặc ngoài" trước thời Minh Trị Duy Tân đến giấc mơ Đại Đông Á trong thế chiến. Đó có thể là Chile, Indonesia gặp nhiều biến cố từ nội tại trong nước nhưng dần dần trỗi dậy và tìm lại được căn tính riêng có của quốc gia mình. Đó có thể là nước Đức với nhiều tổn thương sau thế chiến thứ II, phải tìm cách hóa giải và tái thiết đất nước bằng những tinh hoa riêng có. Đó có thể là một nước Úc chỉ gồm hoang mạc và nô lệ đã vươn lên khẳng định mình như thế nào…

Tuy nhiên, cũng như nhiều tác giả của Mỹ khác, Jared Diamond cũng không quên viết cho nước Mỹ, thực tại của nước Mỹ và dự báo cho nước Mỹ - một con đại bàng giữa muôn vàn sóng gió. Với vai trò siêu cường đứng đầu thế giới, những gì xảy ra với nước Mỹ luôn có vai trò và sức ảnh hưởng sâu rộng đến phạm vi toàn thế giới. Ông xác định ra bốn biến cố đang ngày càng gia tăng có khả năng xói mòn nền dân chủ và sức mạnh Mỹ chỉ trong thập niên tới, như từng xảy ra ở Chile, đồng thời đưa ra những giải pháp mà Mỹ có thể học hỏi để vượt qua những biến cố này.

Cuối cùng, một câu hỏi mà ai cũng mong có đáp án ngay: Liệu thế giới trong thập niên 2020 sẽ như thế nào? Khủng hoảng có được giải quyết một cách triệt để, vũ khí hạt nhân có còn ở thế "nghìn cân treo sợi tóc", có hay không năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, sự bất bình đẳng liệu có còn? Đó là những gì "Biến động" sẽ kể cho chúng ta. Nếu Súng, vi trùng và thép là "Bàn tay của diễn trình lịch sử từ 8.000 năm trước vẫn đang đè nặng lên chúng ta" thì Biến động sẽ là bàn tay của diễn trình lịch sử đến từ tương lai.

Nguyễn Thanh Tân

Cùng chuyên mục
XEM