Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến Mê Linh để khám, điều trị Covid-19
Kiểm tra công trình Bệnh viện dã chiến Mê Linh, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Sở Y tế sẵn sàng đưa vào sử dụng ngay sau khi nhận bàn giao để khám, điều trị Covid-19.
Sáng 25/3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đi kiểm tra tình hình triển khai Dự án cải tạo cơ sở cũ của Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh để khám và điều trị Covid-19 (Bệnh viện dã chiến Mê Linh - PV).
Cùng đi có ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo thành phố.
Bệnh viện dã chiến Mê Linh thành lập trên cơ sở cũ Bệnh viện Đa khoa Mê Linh đã bỏ không sử dụng từ giữa năm 2018, với hiện trạng gồm 2 tòa nhà (4 tầng và 3 tầng); tổng diện tích 12 ha và có tường rào bao quanh.
Trong 7 ngày vừa qua, đơn vị thi công đã huy động lực lượng từ 300-600 công nhân mỗi ngày và chia làm 3 ca thi công liên tục để khẩn trương cải tạo khu khám chữa bệnh tại 2 khối nhà.
Xây mới nhà công vụ của cán bộ nhân viên, nhà chống nhiễm khuẩn, nhà chứa rác thải rắn y tế, nhà đại thể và công trình phụ trợ như: Nhà để xe, trạm xử lý nước thải, khu chứa bình ô xy trung tâm…
Ông Vương Đình Huệ và ông Nguyễn Đức Chung trong buổi kiểm tra.
Theo dự kiến, hết ngày 27/3 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình và bàn giao cho Sở Y tế quản lý, sử dụng. Sau khi hoàn thành, Bệnh viện dã chiến Mê Linh đảm bảo quy mô hơn 200 giường.
Trong đó, tại khối nhà 4 tầng có khoảng 144 giường bệnh và khối nhà 3 tầng điều trị 66 bệnh nhân (các trường hợp nặng hơn).
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện các phương án nhân sự và trang thiết bị cho Bệnh viện dã chiến Mê Linh đều đã sẵn sàng.
Trước mắt, Sở Y tế sẽ điều cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Mê Linh sang và điều Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa sang làm Giám đốc Bệnh viện dã chiến Mê Linh.
Sau khi kiểm tra, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công mở rộng diện tích sàn bê tông trong khuôn viên bệnh viện để dự phòng.
Thành phố sẽ thuê đơn vị tư vấn xây dựng Trường đua F1 hỗ trợ, khi cần sẽ lắp đặt thêm 150 giường, thậm chí 1.000 giường.
Về việc phân khu và bố trí cán bộ nhân viên về làm việc tại đây, theo ông Chung cần thiết kế sắp xếp theo 3 vòng và tương ứng với tình trạng bệnh nhân.
Cụ thể, vòng 1 chỉ có bác sĩ, nhân viên chăm sóc bệnh nhân và đây là khu điều trị các bệnh nhân nặng nhất; vòng 2 chỉ có bác sĩ và nhân viên chăm sóc cùng với các bệnh nhân nhẹ hơn; vòng 3 là nhân viên điều dưỡng và phục vụ.
Cán bộ nhân viên ở vòng 3 chỉ được tiếp xúc với vòng 2; vòng 1, vòng 2 phải hoàn toàn cách ly.
Ông Chung cũng đề nghị, không tổ chức nhà bếp, nhà ăn, không tổ chức bãi giữ xe trong bệnh viện và đảm bảo Bệnh viện dã chiến Mê Linh được cách ly tối đa. Rác thải, nước thải phải được xử lý nghiêm ngặt.
Bệnh viện dã chiến Mê Linh hoàn thành sau 7 ngày thi công
Đối với y bác sĩ làm việc tại đây, sau khi bệnh nhân nhiễm Covid-19 cuối cùng ra viện thì dù kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng vẫn phải cách ly 14 ngày theo quy định.
Đánh giá cao nỗ lực của các Sở ngành, đơn vị, nhất là chủ đầu tư để hoàn thành bệnh viện chỉ trong 1 tuần, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị sớm nghiệm thu công trình để bàn giao cho Sở Y tế TP.
Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phải chỉ đạo sẵn sàng đưa bệnh viện vào sử dụng ngay sau khi nhận bàn giao.
Bí thư Hà Nội cũng đề nghị, UBND TP có Bằng khen để khen thưởng đột xuất thành tích hoàn thành Bệnh viện, động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia chống dịch Covid-19.
Mặt khác, đề nghị chủ đầu tư dự án phải nghiên cứu phương án có thể để thiết kế thêm khu điều trị và thậm chí có thể tăng công suất lên tối đa tới 1.000 giường bệnh khi cần.