Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Tính toán chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng GDP

29/05/2017 08:32 AM | Xã hội

Phát biểu tại buổi gặp mặt với trí thức TP.HCM ngày 28/5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói, giá trị tạo ra của một ha đất công nghiệp so với đất nông nghiệp chênh nhau tới 962 lần, do vậy phải tính toán lại việc sử dụng đất hợp lý.

Cần sử dụng hợp lý nguồn lực đất đai

Tại đây, nhận định về vai trò của TP.HCM, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, dù đóng góp lớn trong GDP cả nước, nhưng tỉ lệ trong 30 năm qua vẫn không thay đổi. Theo đó, năm 1986 TP chiếm khoảng 22,4% GDP thì năm 2016 con số này chỉ là 22,7%, tăng không đáng kể.

Về nguyên nhân dẫn đến thực tế trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có phần do cách sử dụng đất hiện nay.

Theo ông, thống kê cho thấy 1ha đất công nghiệp tạo ra 51 tỷ đồng, còn 1ha đất nông nghiệp chỉ có được được 55 triệu đồng, con số này chênh nhau tới 962 lần.

“Độ chênh này cực lớn, đây là vấn đề cần chú ý để tính toán lại trong sử dụng nguồn lực cho hợp lý hơn” – ông Nhân cho hay, và đặt câu hỏi: Nếu TP chuyển đổi được 1/3 đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ thì GDP có thể tăng thêm bao nhiêu?

Tuy vậy ông nhấn mạnh, TP phải giữ rừng, hệ sinh thái để đảm bảo môi trường cho TP. Với phần đất còn lại, cần tính toán phù hợp cho các mục đích sử dụng để phát huy và thúc đẩy những tiềm năng, thế mạnh của TP.

Đề cập đến khối doanh nghiệp tư nhân, người đứng đầu Thành ủy khẳng định đây là bộ phận đóng góp nhiều nhất cho TP trong 10 năm qua. Cụ thể, khối này đóng góp tới 65% GDP, trong khi con số này ở khối doanh nghiệp nhà nước và FDI lần lượt là 20% và 15%.

Chính vì vậy ông nhấn mạnh TP cần phát triển kinh tế tư nhân mạnh hơn nữa, khuyến khích thành lập thêm doanh nghiệp.

Đồng tình với nhận định khó khăn lớn hiện nay của doanh nghiệp tư nhân và FDI là không có sẵn quỹ đất tương đối rẻ, ông nêu ý kiến rằng nếu chuyển một phần đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ thì điểm nghẽn này sẽ được giải quyết.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Tính toán chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng GDP - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thiện Nhân muốn tăng chế độ đãi ngộ cho công chức TP.

Đãi ngộ không tương xứng năng suất lao động

Cũng chia sẻ tại đây, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu lên một nghịch lý giữa công sức lao động và chế độ đãi ngộ với cán bộ công chức tại TP. Theo ông, dù phải làm việc với cường độ gấp đôi mức trung bình của cả nước nhưng những gì họ nhận được chưa tương xứng.

Cụ thể, trong khi một cán bộ tại TP phải phục vụ trung bình 700 người dân 1 năm thì cả nước trung bình là 340 người. Do đó ông cho rằng mức thù lao hiện nay phải thay đổi, và đây cũng chính là một điểm trong “cơ chế đặc thù” của TP.HCM.

Tiếp tục nói về nguồn nhân lực, Bí thư Thành ủy cho biết, năm 2015 lao động TP chiếm 7,9% lao động cả nước, nhưng lao động trình độ cao lại chiếm tới 21,2% cả nước.

Ngoài ra TP hiện có khoảng 600.000 sinh viên ĐH, CĐ, chính vì thế chính quyền phải đặt ra giải pháp để nâng tầm chất lượng đào tạo không chỉ ngang với khu vực mà còn xa hơn, từ mức chuẩn đó chất lượng nguồn nhân lực sẽ được nâng cao.

PGS. TS Thoại Nam – ĐH Bách Khoa TP.HCM: “Chúng ta mời các doanh nghiệp ở nước ngoài vào để xây dựng, thì chúng ta phải đặt ra rằng các công ty trong nước, con người ở đây có làm chủ được công nghệ đó hay không. Nếu không đặt ra vấn đề đó là chúng ta thất bại”.

Tiếp tục nhấn mạnh đến việc cần có một cơ chế đặc thù, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đó là điều kiện quan trọng để TP tăng tốc phát triển cùng cả nước, vì cả nước.

Theo ông những nguyên tắc cơ bản của cơ chế đặc thù là: Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP; phát huy tối đa các nguồn lực trên địa bàn TP và hợp tác phát triển; phát huy vai trò Trung tâm vùng phục vụ cho phát triển vùng và cả nước; tăng đóng góp chp ngân sách cả nước.

Ngoài những vấn đề trên, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ra hàng loại bài toàn khác mà TP đang phải dồn sức giải quyết, như: Đô thị thông minh; giao thông; rác thải, kẹt xe – ngập nước… và kêu gọi đội ngũ trí thức cùng chung tay, góp sức giải quyết, nhằm xây dựng TP thành một đô thị đáng sống, đáng đến.

Theo Nguyễn Cường

Cùng chuyên mục
XEM