Bí quyết "vượt bão" của IBM, Google, Microsoft

12/07/2017 14:27 PM | Kinh doanh

Có nhiều lý do cho thấy doanh nghiệp cần phải đóng một con tàu trước khi cơn bão tới.

Năm 1958, nhà toán học trẻ Benoit Mandelbrot trở thành nhà nghiên cứu của IBM. Nhiệm vụ đầu tiên của ông có vẻ là một vấn đề đơn giản, nhưng hóa ra lại phức tạp, đó là xác định cách mà tạp âm phát sinh trong các tuyến truyền thông và đề ra giải pháp giảm thiểu nó.

Trong quá trình tìm ra giải pháp khắc phục, Mandelbrot nhận ra không chỉ có một mà đến hai kiểu hiệu ứng đã xảy ra với các tuyến truyền thông. Hiệu ứng đầu tiên được ông gọi là “hiệu ứng Joseph” (xuất phát từ câu chuyện trong cựu ước về 7 năm tốt lành và 7 năm tồi tệ), chỉ những điều mang tính chu kỳ, có thể đoán biết trước. Hiệu ứng thứ hai là “hiệu ứng Noah” (từ câu chuyện Noah đã đóng một con tàu để thoát nạn khi cơn đại hồng thủy đến), chỉ những điều ập đến bất ngờ.

Benoit Mandelbrot cho rằng, 2 hiệu ứng này không chỉ xảy ra trong các tuyến truyền thông, mà còn trong mọi thứ, từ hiện tượng tràn nước sông Nile đến sự sụp đổ thị trường tài chính. Việc hiểu về chúng có thể giúp doanh nghiệp vượt qua được những thách thức từ một môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, bất định và sống sót trong dài hạn.

Từ hiệu ứng Joseph đến dịch vụ email phổ biến nhất thế giới

Năm 2004, Google đã chiếm ưu thế lớn trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Xử lý gần như 90% hàm lượng tìm kiếm trên internet lúc đó, gã khổng lồ công nghệ đã trở thành công ty đại chúng và được định giá hơn 20 tỷ USD – một con số rất lớn thời đó. Chỉ sau 5 năm bước chân vào thương trường, Google dường như đã không thể bị cản bước.

Tuy nhiên, có một vấn đề là, người dùng sẽ vào Google, tìm kiếm thứ họ cần và rời đi. Dù đó là một con đường tiện dụng cho người dùng, Công ty nhận ra có thể thu được lợi từ việc người dùng ở lại trang lâu hơn. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để gia tăng lượng thời gian người dùng ở lại website mà vẫn không làm suy giảm giá trị cốt lõi của Google là một công cụ tìm kiếm?

Google rốt cuộc đã tìm thấy đáp án, đó là Gmail – một dịch vụ email mới với mức độ hấp dẫn khiến người dùng khó thể từ chối: 1GB dung lượng lưu trữ. Đây không chỉ là một chiến lược cạnh tranh, nó còn thay đổi hoàn toàn cuộc chơi trong lĩnh vực thư điện tử. 1GB là con số cao gấp hàng trăm lần so với 2 – 4MB mà các “tay chơi” dẫn đầu thị trường là Hotmail và Yahoo cung cấp lúc đó.

Sở hữu lượng người dùng không nhiều, 1GB dung lượng lưu trữ sẽ khiến các đối thủ tốn nhiều chi phí hơn Google. Trong khi cùng lúc đó, vì chi phí lưu trữ ngày càng giảm, các nhà lãnh đạo Google dự đoán rằng cơ sở người dùng của Công ty sẽ ngày càng tăng trưởng, vì vậy, 1GB lưu trữ là mức có thể đáp ứng.

Bằng cách hiểu được tính liên tục có thể đoán trước của hiệu ứng Joseph, Google đã thực hiện một cuộc “đảo chính” thành công.

Vì sao Microsoft và IBM vẫn duy trì được sự thịnh vượng?

Dù phân tích và lên chiến lược kỹ lưỡng thế nào, các quyết định quan trọng của doanh nghiệp về cơ bản cũng là một... cú tung đồng xu. Bạn cố gắng hết sức để thu hẹp các lựa chọn, nhưng đến cuối cùng, bạn cũng vẫn phải nắm lấy một cơ hội trong số vài lựa chọn có vẻ khả thi.

Microsoft và IBM là những ví dụ điển hình cho nguyên tắc này. Cả hai đều đã tồn tại và phát triển trong nhiều thập kỷ (trường hợp của IBM là hơn 1 thế kỷ), và đã trải qua nhiều giai đoạn thay đổi lớn của lĩnh vực công nghệ. Trong khi hầu hết các “cựu đối thủ” đều đã chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh hoặc âm thầm rời khỏi thị trường thì cả hai vẫn tiếp tục “sống khỏe” với lợi nhuận cao.

Không đáng ngạc nhiên khi cả IBM và Microsoft đều từng là nạn nhân của sự thay đổi không thể đoán trước từ hiệu ứng Noah. Microsoft đã không thành công khi bước chân vào mảng thiết bị di động. Gần đây hơn, sự chuyển giao sang công nghệ điện toán đám mây đã khiến IBM hứng 20 quý liên tiếp sụt giảm doanh thu.

Tuy nhiên, cả hai đều đang phát triển những công nghệ mới. Doanh nghiệp điện toán đám mây của Microsoft đang tăng trưởng 100% mỗi năm, còn IBM ở vị thế dẫn đầu ở cả 2 lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và điện toán điện tử.

Bằng cách hiểu được những sự gián đoạn không thể đoán trước của hiệu ứng Noah và tìm ra con đường riêng, Microsoft và IBM vẫn cạnh tranh tốt trong dài hạn.

Google áp dụng hiệu ứng Noah ra sao?

Như đã nói ở trên, Google là bậc thầy về việc thấu hiểu và thích nghi tốt với hiệu ứng Joseph. Trong gần 2 thập kỷ, nó đã chiếm lĩnh thị trường tìm kiếm và tận dụng vị thế để xây dựng nên các mảng kinh doanh khác, như YouTube và hệ điều hành di động Android.

Tuy nhiên, thành công trong lĩnh vực tìm kiếm cũng là "gót chân Achilles" của Google. Hơn 90% doanh thu Công ty vẫn đến từ quảng cáo có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cốt lõi này. Cuối cùng, nó cũng sẽ đối mặt với những vấn đề tương tự các gã khổng lồ công nghệ khác trước đây, như IBM hoặc Microsoft. Google sẽ thế nào khi không còn kiếm được tiền từ mảng tìm kiếm?

Rõ ràng, Google hiểu điều này và cố gắng thích nghi với hiệu ứng Noah. Hãng thường xuyên mời khoảng 30 nhà nghiên cứu hàng đầu trải qua “kỳ nghỉ” trong 1 năm tại Google, cung cấp các công nghệ và dữ liệu tốt nhất cho họ làm việc. Đại gia công nghệ này cũng lập nên những công ty con mới như X và Verily để theo đuổi các cơ hội không liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Chưa có công ty con nào trong số này cho thấy hiệu quả kinh doanh rõ rệt, nhưng xét về mặt hiệu ứng Noah, sẽ luôn tốt hơn khi xây dựng con tàu “vượt bão” từ sớm.

Không phải tất cả những kẻ lang thang đều lạc lối

Năm 1993, IBM đã thực hiện thành công thí nghiệm về viễn tải lượng tử. Xét về mặt khoa học, đây là một thắng lợi lớn, bác bỏ một trong những lý thuyết cuối cùng của Einstein. Tuy nhiên ở khía cạnh doanh nghiệp, với IBM lúc đó gần như sắp phá sản, nó không đem đến nhiều lợi ích. Nhiều người từng tin rằng IBM sắp thất bại trong kinh doanh, và các thí nghiệm khoa học thành công không giúp thay đổi được nhận thức đó.

Tuy nhiên đến nay, sự đầu tư của Công ty đã được đền đáp, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu về các kiến trúc máy tính mới đang ngày càng bức thiết. Tuyên bố hồi tháng 5 của IBM về việc đã tạo ra được một chiếc máy tính lượng tử 17 qubit đã cho thấy sự đầu tư trước đây của Hãng là một ván cược thực sự thông minh.

Thực tế, mọi doanh nghiệp đều thường ở trong thế gọng kềm tương tự IBM: chịu sự đánh giá của cả khách hàng và nhà đầu tư về khả năng kiểm soát hiệu ứng Joseph. Nghĩa là, các nhà lãnh đạo cần phải dự đoán chính xác những điều khách hàng cần, và cả số lượng họ cần, rồi cung cấp cho họ. Nếu dự đoán sai, cái giá phải trả thường rất đắt.

Tuy nhiên trong dài hạn, hiệu ứng Noah đóng vai trò quan trọng, và doanh nghiệp luôn phải chuẩn bị trước cho một tương lai khó thể đoán định. Đó là lý do vì sao trong các kết quả phân tích cuối cùng, việc tìm hiểu, khám phá quan trọng hơn dự đoán. Chúng ta không thể biết “cơn bão” sẽ như thế nào, nhưng có thể chắc chắn rằng nó sẽ xảy ra.

Theo BÍCH TRÂM (theo Inc.)

Từ khóa:  IBM , Google , Microsoft
Cùng chuyên mục
XEM