Bí quyết hồi sinh từ bờ vực phá sản của nhà sáng lập Chatbooks

31/05/2016 11:05 AM | Kinh doanh

Nate và Vanessa Quigley đã từng rơi vào trường hợp mà không doanh nhân nào muốn gặp phải: Dự án mà họ đã đầu tư hàng trăm ngàn USD tiền túi đâm đầu vào ngõ cụt.

Dự án mà cặp đôi này đầu tư vào là một nền tảng chia sẻ hình ảnh và kỷ niệm cho các gia đình. Tình hình kinh doanh tồi tệ buộc họ phải bắt tay vào việc thay đổi.

“Chúng tôi đã nhiều đêm mất ngủ đi vòng quanh nhà bếp lúc 3 giờ sáng vì quá lo lắng cho số tiền đầu tư của mình. Chúng tôi sắp trắng tay rồi.” Nate cho biết.

Lúc đầu họ muốn khởi nghiệp bằng ý tưởng giúp mọi người quản lý và chia sẻ các bức ảnh lưu niệm. Nhưng cuối cùng họ phải đổi hướng kinh doanh 2 lần mới thoát khỏi bế tắc. Họ khởi nghiệp với Folk Story sau đó đổi thành Just Family và cuối cùng là Chatbooks.

Đến nay thì công ty Chatbooks do họ sáng lập kiếm tiền từ việc in album ảnh gồm những bức ảnh trên Instagram của khách hàng. Cứ mỗi 60 bức ảnh mà khách hàng đưa lên Instagram thì họ sẽ tự động in ra và tạo thành một album ảnh gửi đến tận nhà khách hàng với mức giá chỉ 8 USD.

Theo số liệu mới nhất, Chatbooks đã bán được hơn 1 triệu cuốn album như vậy. Năm 2015, doanh thu của công ty là 5,9 triệu USD.

Mặc dù công ty đã lớn hơn nhiều so với ngày đầu nhưng nó vẫn là một công ty gia đình. Nate hiện đang làm CEO của công ty. Vanessa thì chịu trách nhiệm rất nhiều việc từ việc phát ngôn trước truyền thông, chăm sóc khách hàng cho đến làm giám đốc sáng tạo thiết kế các mẫu album.

Bí quyết là mang lại sự tiện lợi cho khách hàng

Thành công của cặp đôi này đến từ việc ngồi lại và phân tích những thất bại trước đây.

Folk Story và Just Family đã tạo nền tảng cho Chatbooks và giúp họ nhận thức một điều quan trọng: Mọi người không có thời gian để xây dựng những thói quen mới.

“Mọi người thiếu thời gian và không đủ tâm trí để lo nghĩ quá nhiều việc, thế nên thành công của công ty phụ thuộc vào việc giúp khách hàng thực hiện những điều mới mà không tốn thêm thời gian” Nate nói.

Thay vì xây dựng một nền tảng mới, họ nhận ra rằng sẽ thành công hơn nếu không bắt khách hàng phải thay đổi thói quen.

“Xây dựng một nền tảng mới giống như buộc người dùng phải rời khỏi nơi họ đã quen thuộc và bắt đầu làm quen với cái mới. Vanessa và một vài thành viên khác trong công ty đã có ý tưởng về việc thay vì xây dựng một nền tảng mới, chúng tôi sẽ tạo ra một tiện ích cho một nền tảng quen thuộc với khách hàng, ví dụ như Instagram,” Nate kể lại.

Sự thay đổi tư duy này đã chuyển hướng công ty, năm 2014, họ đã chuyển đổi công ty thành Chatbooks – sau một năm công ty đứng trên bờ vực phá sản.


Chatbooks

Chatbooks

Lắng nghe phản hồi của khách hàng

Học cách lắng nghe những “tín hiệu” từ khách hàng là điều quan trọng để doanh nghiệp sinh tồn trong thời đại mới.

“Có rất nhiều phản hồi tiêu cực mà bạn không muốn nghe, nhưng lẫn trong đó là những tín hiệu mà bạn phải lưu tâm” Nate cho biết. “Hãy chú ý, đó không chỉ là lời than phiền mà còn ẩn chứa những điều có ích cho công ty.”

Một tín hiệu, hay một phản hồi quan trọng, có thể xuất hiện dưới dạng tích cực hoặc tiêu cực.

“Bạn biết đó là tín hiệu khi ai đó nói, “Tôi sẽ trả tiền để mua nó ngày mai,” ông cho biết.

Với công ty khởi nghiệp của Nate và Vanessa, tín hiệu xuất hiện khi Vanessa thấy con mình ôm chặt cuốn album mà bé mang từ nhà trẻ về. Bà nhận ra rằng thay vì xây dựng một nền tảng phần mềm mới, họ có thể làm cho những trải nghiệm hiện tại của khách hàng trở nên thú vị hơn.

Câu hỏi họ đã tự đặt ra để giải quyết là: “Làm thế nào chúng ta có thể mang lại lợi ích mới cho khách hàng mà họ không phải mất công? Ngay khi chúng tôi thay đổi cách suy nghĩ, chúng tôi đã cảm thấy mình đi đúng đường,” ông nhớ lại.

Trường Sơn

Cùng chuyên mục
XEM