Bị nhiều đồng nghiệp ghét: Chúc mừng bạn là một trong những nhân viên giỏi nhất công ty!
Những người chuyên cho nhưng tính tình khó gần, mặc dù có thể khiến người ta khó chịu, nhưng lại rất có giá trị với tổ chức.
Những nhân viên vui vẻ và luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác thường được cấp trên và gần như tất cả mọi người yêu quý. Họ là những đồng nghiệp tuyệt vời, hiếm khi gây rắc rối và luôn có thể tin tưởng được.
Nhưng rất có thể họ lại không phải là những nhân viên giỏi nhất, theo Adam Grant – nhà tâm lý học ở Đại học Wharton.
Khi phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Quản trị Nhân sự tổ chức tại Chicago, Grant nói rằng ông chia nhân viên ra thành 2 trục: 1 trục của người cho và người nhận, và 1 trục của người thân thiện và người khó gần.
Những người cho luôn chia sẻ và khiến các đồng nghiệp trở nên tốt hơn, trong khi những người nhận thì ích kỷ và chỉ tập trung vào lợi ích của mình mà thôi. Trục kia tất nhiên gồm 2 nhóm người: thân thiện và tính tình khó chịu.
Grant nhận thấy không có sự liên quan gì giữa thân thiện và là người chuyên "cho", cũng như là người khó chịu và chuyên nhận. Người cho hay nhận đều có thể thân thiện hoặc khó gần.
Trong khi những nhân viên tệ nhất thường là những người chuyên nhận và có tính tình khó chịu – thì những người chuyên nhận thân thiện lại thường là những người xấu tính, chuyên lừa gạt đồng nghiệp để khiến họ tin rằng mình là người hào hiệp.
Những người chuyên cho thân thiện có vẻ là hình mẫu nhân viên lý tưởng, nhưng Grant nói rằng khuynh hướng ôn hòa ở họ lại khiến họ không thích va chạm và dễ đồng tình với người khác.
Mặt khác, những người chuyên cho nhưng tính tình khó gần, mặc dù có thể khiến người ta khó chịu, nhưng lại rất có giá trị với tổ chức. Họ là những người chắc chắn sẽ đấu tranh cho những gì mình tin tưởng, luôn thách thức tình trạng trì trệ hiện tại, và buộc tổ chức của mình phải thực hiện những thay đổi cực kỳ khắc nghiệt nhưng cần thiết. Và bởi vì họ rất tiết kiệm lời khen, nên khi họ tán dương một ai đó thì thường đó là những lời nói thật.
Gran cho biết những người như vậy "có thể thấy vui thích với một cuộc tranh luận hơn là một cuộc đối thoại thân tình" và đôi khi rất khó làm việc cùng. Nhưng đối với những tổ chức muốn tránh tính tự mãn cá nhân và quyết tâm thay đổi, sự có mặt của họ là cực kỳ quý giá.