Bị nghi ngờ không đủ năng lực tài chính tham gia gói thầu 35.000 tỷ đồng của sân bay Long Thành, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình nói gì?
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa bước ra khỏi cuộc nội chiến, lại ghi nhận khoản lỗ kỷ lục cùng khoản dự phòng khổng lồ lên tới 1.700 tỷ đồng.
Với tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành được xem là đường găng tiến độ của toàn bộ dự án sân bay Long Thành. Theo dự kiến, gói thầu này sẽ được khởi công vào tháng 8/2023.
Theo kế hoạch ban đầu, công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, mốc thời gian này đã không đảm bảo do việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu không thành công. Sau đó, ACV phải gia hạn thời gian mời thầu gói thầu 5.10 thêm 1 tháng và kéo dài thời gian thực hiện gói thầu này từ 33 tháng lên 39 tháng, kế hoạch đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác từ năm 2025 phải đẩy sang năm 2026.
Hiện nay, đang có 3 liên danh tham gia đấu thầu gói thầu 35.000 USD. Trong đó chỉ có một liên danh do doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu. Liên danh Hoa Lư là tập hợp của nhiều nhà thầu xây dựng thuộc top đầu thị trường hiện nay, bao gồm Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An,... và do CTCP Xây dựng Coteccons dẫn đầu.
Nhiều câu hỏi cũng đã đổ dồn vào Liên danh Hoa Lư trong lần hiếm hoi các ông lớn này bắt tay với nhau, đặc biệt là sự xuất hiện của Xây dựng Hòa Bình - tập đoàn vừa với bước ra khỏi cuộc nội chiến và ghi nhận những con số tài chính không mấy tích cực.
Trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây, đích thân ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình đã lên tiếng trước những nghi ngại của truyền thông.
"Lâu nay trên báo chí hay đưa ra câu hỏi rằng liệu Hòa bình có thể đảm bảo được năng lực tài chính để thực hiện dự án Sân bay Long thành không? Hòa Bình có thể là lý do làm cho dự án thất bại hay không, vì năng lực tài chính của mình? Tôi xin khẳng định, năng lực tài chính của Hòa Bình sẽ không ảnh hưởng gì đến dự án" , người đứng đầu Xây dựng Hòa Bình chia sẻ.
Theo ông Lê Viết Hải, thứ nhất, Tập đoàn đã được các ngân hàng cấp hạn mức riêng cho dự án này.
Thứ hai, ông cho rằng những thông tin nói về năng lực tài chính, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 11,8 lần đang không phản ảnh đúng tình hình tài chính của Tập đoàn. Ngay cả khoản trích lập dự phòng (dự phòng nợ khó đòi gần 1.700 tỷ đồng), từ xưa đến nay Tập đoàn không mất một khoản phải thu nào. Thậm chí, khi Hòa Bình nhờ các cơ quan chức năng phân xử, Tập đoàn đã thu một khoản gấp rưỡi, tức hơn 2.000 tỷ đồng trích lập sẽ có khả năng thu về 3.000 tỷ đồng.
Thứ ba, vốn chủ sở hữu của Hòa Bình hiện nay có giá trị rất lớn. Chủ tịch Lê Viết Hải giải thích, tài sản máy móc thiết bị trên 8 năm tuổi thì được phân tích trong sổ sách với giá trị bằng 0 nhưng trên thực tế, Tập đoàn đã đánh giá lại và đã có nhà đầu tư mua lại với giá 1.100 tỷ đồng.
"Bên cạnh đó, chúng tôi có kế hoạch phát hành cổ phiếu với các nhà cung cấp, nhà thầu phụ. Hiện nay các nhà cung cấp, nhà thầu phụ đã đăng kí đầu tư vào cổ phiếu Hòa Bình trên 100 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa rằng, vốn chủ sở hữu của Hòa Bình hiện nay đã gấp 4 lần và trong tương lai gấp 5-6 lần vì còn có những nhà đầu tư khác cũng tham gia.
Chúng tôi còn có sự cam kết của Coteccons. Nếu có bất kỳ bất trắc nào đó xảy ra về tài chính với Hòa Bình hay thành viên nào trong liên danh thì Coteccons - người đứng đầu liên danh sẽ hỗ trợ. Tôi nghĩ đó là điều kiện khiến tôi cảm thấy rất an toàn cho liên danh", ông Lê Viết Hải khẳng định.
Chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ thêm, đây là lúc gạt bỏ những cái tôi cá nhân để hướng đến lợi ích chung, đồng hành cùng nhau. Đại diện Coteccons cũng cho hay, tài chính không phải vấn đề cốt lõi quan trọng nhất. Điều quan trọng là có thể chiết xuất ra những điểm mạnh nhất của mỗi thành viên trong liên danh để bổ trợ cho nhau, hòa với nhau thành bức tranh tổng thể.
Ông Trần Quang Tuấn – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Central, một thành viên của liên danh Hoa Lư nói thêm, ngoài việc đảm bảo về khả năng thực thi, thi công, liên danh cũng đã có những đảm bảo về khả năng tài chính. Theo tính toán, ngay cả khi dòng tiền về không kịp, có thể âm tới 5.000 tỷ đồng, nhưng Liên danh vẫn có nguồn tiền đảm bảo từ Coteccons cũng như các ngân hàng BIDV, VietinBank, MBBank, TP Bank.
Người dẫn đầu liên danh, Chủ tịch HĐQT Coteccons - Bolat Duisenov cho biết kế hoạch xây dựng nhà ga sân bay này đã được họ nghiên cứu và soạn thảo trong khoảng một năm. Những dự án khó sẽ thu hút những người giỏi nhất.
"Bản chất của ngành xây dựng không phải là cạnh tranh mà là đồng sáng lập, đồng tái tạo, đồng sáng kiến, đồng chí hướng và đồng lòng. Tôi tin rằng Hoa Lư với một trái tim nhiệt huyết như vậy, sẽ không có điều gì cản bước được. Tôi cho rằng đây là điểm vô cùng khác biệt với liên danh khác" , người đứng đầu Coteccons nói.