Bí mật về chiếc "nút đỏ" trên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ
Trên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng có một chiếc “nút đỏ” bí ẩn. Nhiều người cho rằng “red button” là chiếc nút bấm dùng trong trường hợp khẩn cấp khi xảy ra chiến tranh hạt nhân, tuy nhiên, sự thực đằng sau đó là gì?
Theo Sputnik, trong cuốn hồi ký “Finding My Virginity”, tỷ phú người Anh Richard Branson, tiết lộ: “Khi tới phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, ông Obama thấy tôi nhìn chằm chằm vào nút đỏ trên bàn làm việc bèn nói “nó thường được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp, nhưng giờ đây tôi lại dùng để gọi trà cho khách của mình””.
Branson là nhà tỷ phú sở hữu Tập đoàn Virgin, đồng thời là bạn thân của cựu Tổng thống Barack Obama. Sau khi rời nhiệm sở hồi tháng 1, gia đình ông Obama đã có 10 ngày nghỉ ngơi tại hòn đảo riêng của tỷ phú Branson thuộc quần đảo British Virgin.
Chiếc nút đỏ bí ẩn trong phòng làm việc của Tổng thống Mỹ có chức năng gì? Nguồn: Sputnik |
Trước đó có thông tin, các nhà báo Mỹ cũng phát hiện ra rằng đương kim Tổng thống Donald Trump sử dụng “nút đỏ” để gọi nhân viên mang đồ uống vào phòng làm việc.
“Nút đỏ” là cụm từ truyền thông thường để ám chỉ tới hệ thống cho phép các nhà lãnh đạo của cường quốc hạt nhân sử dụng để phóng kho vũ khí hạt nhân của mình trong trường hợp chiến tranh. Trên thực tế, hệ thống này không chỉ có mỗi một nút bấm mà nó là một chiếc “vali hạt nhân” chứa các thiết bị đặc biệt và mã để phóng vũ khí.
Hệ thống di động mà cả hai lãnh đại Nga, Mỹ đều sở hữu này được thiết để để sử dụng trong những tình huống khi các địa điểm chỉ huy cố định như Phòng Tình huống ở Nhà Trắng, không thể điều hành được vào lúc đó.
Cựu Tổng thống Obama kiểm tra bàn làm việc tại phòng Bầu dục năm 2009. Nguồn: Sputnik |
Vali hạt nhân Nga – Mỹ có gì khác nhau?
Theo cuốn sách “Breaking Cover” của cựu Giám đốc Văn phòng Quân đội thuộc Nhà Trắng là ông Bill Gulley, trong chiếc vali có bốn vật sau: Một cuốn sách bìa đen liệt kê các lựa chọn tấn công; một tấm thẻ có chứa mã xác thực để tổng thống xác nhận danh tính, một danh sách các hầm trú ẩn an toàn mà tổng thống có thể sử dụng và một bản hướng dẫn sử dụng Hệ thống Liên lạc Khẩn cấp.
Chiếc vali hạt nhân của Mỹ luôn được mang theo bất kỳ nơi nào Tổng thống đi đến. Nguồn: Sputnik |
Khi quyết định phát động một cuộc tấn công hạt nhân, trước tiên Tổng thống Mỹ sẽ sử dụng đến cuốn sổ bìa đen dày 75 trang, in bằng mực đen và đỏ trong “Vali hạt nhân”. Cuốn sổ này giống như một “danh sách đen” chứa các mục tiêu cần hủy diệt của đối phương và các lựa chọn phương án tấn công hạt nhân để Tổng thống Mỹ lựa chọn.
Theo ông Bill Gulley, cựu giám đốc Văn phòng Quân sự Nhà Trắng, sau khi đã lựa chọn mục tiêu và phương án tấn công, Tổng thống Mỹ sẽ xác nhận quyền Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang bằng cách sử dụng thẻ nhựa cứng.
Chiếc thẻ cứng kỹ thuật số, kích thước 7,3x12cm, có biệt danh là "biscuit" (tức “Bánh quy”), chứa các mã số nhận dạng của vị Tổng thống Mỹ, tức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, người được phép ra lệnh phát động một cuộc tấn công hạt nhân.
Bên cạnh thẻ cứng và sổ đen, “Vali hạt nhân” còn có một cuốn sách khác, trong đó là danh sách các địa điểm tuyệt mật làm nơi trú ẩn an toàn cho tổng thống trong tình huống chiến tranh hạt nhân cùng một văn bản dài 10 trang, hướng dẫn cách vận hành Hệ thống Liên lạc Khẩn cấp. Từ khi chiếc “Vali hạt nhân” ra đời, nó chưa bao giờ được sử dụng đến.
Bên trong chiếc vali hạt nhân của Nga. Nguồn: Sputnik |
Nếu như ở Mỹ, Tổng thống là người duy nhất có quyền sở hữu vali hạt nhân thì tại Nga vật mang sức mạnh hủy diệt này được trao cho ba nhân vật hàng đầu trong bộ máy chính quyền. Tương ứng với đó, vụ tấn công hạt nhân sẽ chỉ được tiến hành khi cả ba nhân vật này cũng xác thực lệnh phóng.
Vali hạt nhân của Nga là một phần trong hệ thống tự động hóa mệnh lệnh tối cao và kiểm soát Lực lượng Hạt nhân Chiến lược (SNF), được hình thành vào những năm 1980, trong thời kỳ Liên Xô. Tên gọi chung cho của chúng là Cheget, được đặt theo tên dãy núi Cheget ở vùng Kabardino-Balkaria của Nga.
Những vali hạt nhân của Liên Xô được phát triển từ thập niên 80 dưới sự chỉ đạo của giám đốc Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) Yuri Andropov. Chúng xuất hiện lần đầu tiên khi cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev lên nắm quyền tháng 3/1985.
Vali hạt nhân của Nga có hình dáng giống cặp đựng máy tính xách tay và nặng 11 kg. Nếu như ở Mỹ, Tổng thống là người duy nhất có quyền sở hữu vali hạt nhân, thì Nga có tới ba Cheget do Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội nắm giữ.
Nhiệm vụ của Cheget là cho phép Tổng thống ra lệnh khởi động một cuộc tấn công hạt nhân bằng cách truyền mã tới bộ chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược (SMF). Cheget là biểu tượng sức mạnh của người quyền lực nhất nước Nga và được bàn giao qua mỗi nhiệm kỳ tổng thống.