Bí mật thành công nhiều người biết nhưng không sẵn sàng thực hiện: Hãy để thất bại dẫn dắt bạn

14/06/2019 08:28 AM | Kinh doanh

Trong thế giới kinh doanh, thất bại dường như là việc khó tránh khỏi và nó xảy ra hàng ngày. Thậm chí người ta còn an ủi nhau bằng câu “thất bại là mẹ thành công”, coi thất bại là một điều hiển nhiên sẽ đến.

Mặc dù ai cũng biết đến câu nói "thất bại là mẹ thành công" nhưng tận dụng thất bại để học hỏi là điểu không phải ai cũng làm được. Để làm được điều này, theo tác giả nổi tiếng John C.Maxwell cho rằng cần 5 bước.

Tìm kiếm bước đột phá

Mỗi khó khăn lớn mà bạn gặp phải trong đời cũng giống như một ngã rẽ trên con đường. Bạn sẽ quyết định đi con đường nào, tiến đến thành công hay thất bại? Dick Bigg, một tư vấn viên, người giúp các công ty Fortune 500 tăng lợi nhuận và năng suất viết rằng, tất cả mọi người đều có những trải nghiệm cay đắng; và kết quả, một số ít chấp nhận tâm lý “buông xuôi”.

Một trong những người thầy dạy bạn bài học về lòng can đảm là những bước ngoặt quan trọng trong đời bạn. Hãy hy vọng mình sẽ trải qua ba đến chín bước ngoặt hay ”những thay đổi to lớn” trong cuộc đời. Chúng có thể là những trải nghiệm hạnh phúc hay cũng có thể là những khoảng thời gian bế tắc như: thất nghiệp, ly dị, khủng hoảng tài chính, bệnh tật hay sự ra đi của những người mình yêu thương.

  Những bước ngoặt có thể đem đến lòng can đảm - khả năng nhìn nhận những thay đổi to lớn trong cuộc đời bạn và hãy để thời gian xoa dịu mọi vết thương. Bằng những gì học được qua các bước ngoặt, bạn có thể phát triển tới một trình độ cao hơn trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống.

Nếu bạn từng bị tổn thương, hãy nhìn nhận nỗi đau ấy và hãy đau buồn vì những tổn thất bạn phải chịu. Sau đó hãy tha thứ cho những người có liên quan - gồm cả chính bạn. Điều này sẽ giúp bạn tiếp tục cuộc hành trình. Hãy nghĩ rằng, ngày hôm nay có thể là ngày bạn biến đau thương trong quá khứ thành bước đột phá của tương lai. 

Hãy để thất bại dẫn tới thành công

Oliver Goldsmith sinh ra trong những năm 1700 và là con trai của một nhà thuyết pháp nghèo ở Ireland. Ông không phải là một học sinh xuất sắc. Thậm chí, ông còn bị liệt vào danh sách những học sinh “chậm tiến”. Nhưng cuối cùng, Goldsmith cũng có được tấm bằng đại học dù ông xếp ở cuối lớp. Ông không rõ mình muốn làm gì. Ban đầu ông cố trở thành một người thuyết pháp như cha mình, nhưng công việc này không phù hợp với ông. Sau đó, ông chuyển sang nghề luật nhưng cũng không mấy thành công. 

Rồi ông làm nghề y, nhưng cũng chỉ là một bác sỹ thờ ơ và không mấy hứng thú với công việc của mình. Ông đã làm vài công việc nhưng đều chỉ trong một thời gian ngắn. Goldsmith sống trong đói nghèo (đã có lần ông phải cầm cố quần áo của mình để mua thức ăn) và thường xuyên đau ốm.

Có vẻ Goldsmith sẽ không bao giờ tìm được đường đi. Nhưng rồi ông nhận thấy mình thật sự say mê và có năng khiếu viết văn cũng như dịch thuật. Ban đầu, ông làm công việc này ở tờ Fleet Street. Sau đó, ông bắt đầu viết những tác phẩm lấy cảm hứng từ những gì ông say mê. Ông củng cố danh tiếng tiểu thuyết gia của mình bằng tác phẩm The Vicar of Wakefield (Vị mục sư tại Wakefield), hay như một nhà thơ với bài The Deserted Village (Ngôi làng hoang vắng), và một nhà viết kịch với vở She Stoops to Conquer (Cúi xuống để chinh phục).

Thất bại là một phần tạo ra thành công. Nó cho bạn biết, những con đường mà bạn không phải đi qua, những ngọn núi bạn không phải trèo và những đầm lầy không cần vượt qua. Khi bạn mắc lỗi, sai lầm của bạn chưa chắc là “nụ hôn của chúa Jesus”, cụm từ mà Mẹ Teresa dùng để chỉ những thất bại dồn ta đến với Chúa. Nếu có một quan điểm đúng đắn, thì thất bại có thể dẫn bạn tới thành công.

Bí mật thành công nhiều người biết nhưng không sẵn sàng thực hiện: Hãy để thất bại dẫn dắt bạn - Ảnh 1.

Tập trung vào bức tranh lớn

Buổi tối tháng 10 năm 1968, một nhóm khán giả kiên trì ở lại sân vận động Olympic thuộc thành phố Mexico để chờ vận động viên cuối cùng kết thúc phần thi chạy. Hơn một giờ trước, vận động viên Mamo Wolde của Ethiopia đã giành chiến thắng trong tiếng reo hò cổ vũ của khán giả. Nhưng đám đông vẫn tiếp tục dõi theo và chờ đợi vận động viên cuối cùng, dù cho trời về đêm càng lúc càng lạnh.

Đó là John Stephen Akhwari, người Tanzania. Khi anh chạy vòng tròn 400m, người xem nhận thấy chân anh bị băng bó và vẫn đang chảy máu. Akhwari đã ngã và bị thương trên đường chạy, nhưng anh không bỏ cuộc. Tất cả mọi người đều đứng dậy và vỗ tay cho tới khi anh về đích.

Khi anh ra về, người ta đã hỏi vì sao anh không bỏ cuộc khi đang bị thương và không còn có cơ hội giành huy chương. John trả lời: “Đất nước tôi không cử tôi đến Mexico chỉ để tham gia cuộc thi, mà tôi được cử đến đây để hoàn thành cuộc thi.”

Akhwari đã quên đi nỗi đau trước mắt và chỉ chú tâm vào mục đích lớn hơn - lý do mà anh có mặt ở cuộc thi. Tương tự như thế, khi bạn đang thành công, hãy nhớ rằng mục tiêu của bạn là kết thúc cuộc đua - hãy làm những điều tốt nhất bạn có thể.

Bạn luống cuống hay phản ứng lại?

Giá mà mỗi ngày trôi qua, cuộc sống đều trở nên dễ dàng hơn! Điều này rõ ràng không có thật. Khi bạn trưởng thành, có những điều sẽ trở nên khó khăn hơn và những điều khác sẽ dễ dàng hơn. Mỗi giai đoạn đều có những mặt tốt và không tốt. Điều quan trọng là biết tập trung vào những mặt tốt và chung sống với những mặt không tốt. Không phải ai cũng làm được điều này. Khi đối diện với khó khăn, con người sẽ quy về hai nhóm người: tự ti và tự tin. Khi vấp ngã, những người tự ti thường trượt dài và lún sâu trong thất bại. Trái lại, những người tự tin sẽ đứng dậy và tiếp tục hành trình.

Paul J. Meyer, người sáng lập Success Motivation Institute (Học viện Động cơ thành công) nói: “90% những người thất bại không phải vì họ thua cuộc, đơn giản là vì họ bỏ cuộc.” Đó là những gì mà thái độ nản lòng có thể gây ra. Vậy lúc đó, bạn sẽ bỏ cuộc hay đứng dậy?

Luôn hướng đến giải pháp

Bạn nhìn nhận cuộc sống như thế nào? Bạn có tìm được giải pháp cho mỗi thách thức hay khó khăn trong mọi hoàn cảnh không? Để rèn luyện cho bản thân đức tính luôn hướng đến giải pháp khi làm việc nhóm hãy…

Không chấp nhận từ bỏ. Hãy nghĩ tới một tình huống bất khả thi mà bạn và các đồng sự gặp phải. Hãy quyết tâm không từ bỏ cho tới khi tìm ra giải pháp.

Tập trung suy nghĩ lại. Không một vấn đề nào không bị khuất phục trước sự bền bỉ. Hãy dành thời gian để cùng các cộng sự giải quyết vấn đề. Hãy đảm bảo đó là thời gian dành riêng cho việc suy nghĩ, chứ không phải thời gian nghỉ ngơi.

Xem xét lại chiến lược. Hãy thoát khỏi lối tư duy thông thường. Hãy phá lệ và thử vạch ra các ý tưởng dù có vẻ ngốc nghếch. Xác định lại vấn đề và tìm ra những ý tưởng và giải pháp mới cho vấn đề.

Lặp lại quá trình. Nếu ngay từ đầu bạn không giải quyết được vấn đề, hãy kiên trì. Nếu bạn đã thành công, hãy áp dụng quá trình này để giải quyết các vấn đề khác. Hãy nhớ rằng mục tiêu của bạn là tạo lập một thái độ luôn hướng đến giải pháp.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM