Bí mật ít người biết: Aladdin thực ra là người Trung Quốc

23/01/2019 19:16 PM | Xã hội

Trong câu chuyện gốc, Aladdin sinh ra trong một gia đình người thợ may nghèo ở "kinh đô của một trong những vương quốc rộng lớn và giàu có nhất Trung Quốc".

"Aladdin", câu truyện về chàng trai gan dạ và chiếc đèn thần, từ lâu đã được trẻ em và người lớn yêu mến khắp nơi trên thế giới.

Trong phim ảnh, sách truyện, Aladdin thường được khắc họa với hình ảnh đội một chiếc mũ xếp với chiếc quần rộng thùng thình kiểu Trung Đông, bay trên tấm thảm thần với nàng công chúa của mình, một cô nàng mang trên mình bộ trang phục được cho là của một vũ công múa bụng.

Vì thế chúng ta hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng Aladdin và nàng công chúa của mình thực ra lại là người Trung Quốc. Trong câu chuyện gốc, Aladdin sinh ra trong một gia đình người thợ may nghèo ở "kinh đô của một trong những vương quốc rộng lớn và giàu có nhất Trung Quốc".

Tuy nhiên bối cảnh đất nước Trung Hoa của câu chuyện lại được viết lại hoàn toàn, đáng chú ý nhất là trong bộ phim hoạt hình năm 1992 của Disney. Và trong bộ phim có người đóng sắp tới (phát hành vào tháng 5/2019) của Disney, tình trạng này có vẻ sẽ tiếp tục diễn ra.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao yếu tố Trung Quốc của câu chuyện lại bị xóa đi như vậy?

Bí mật ít người biết: Aladdin thực ra là người Trung Quốc - Ảnh 1.

Theo nhà văn Yasmine Seale, người vừa dịch câu chuyện gốc và được nhà xuất bản WW Norton giới thiệu vào tháng 11 năm ngoái, "Câu chuyện về Aladdin là một nghịch lý: đó là một trong những câu chuyện quen thuộc nhất, nhưng cũng là một trong những câu chuyện ít được biết đến nhất. Nó đã tồn tại nhờ liên tục thay đổi và tự làm mới bản thân – bộ phim của Disney chỉ là một trong số những mắt xích tái sinh và khác hoàn toàn so với phiên bản gốc mà thôi".

Công bằng mà nói, những gì được coi là "gốc" trong chuyện Aladdin thực ra rất phức tạp. Câu chuyện này được viết lần đầu tiên vào thế kỷ 18 bởi nhà văn người Pháp Antoine Galland trong phiên bản đầu tiên của "Nghìn lẻ một đêm", cuốn sách về các câu chuyện dân gian Trung Đông được gọi chung là "Đêm Ả rập". Tất nhiên các câu chuyện này đã tồn tại trước phiên bản của Galland hàng trăm năm, nhưng không hề có chuyện Aladdin (cũng như các câu chuyện phổ biến khác về Sinbad và Ali Baba).

Galland khẳng định ông nghe câu chuyện này từ một khách lữ hành người Syria tên là Hanna Diyab mà ông gặp ở Paris.

Bí mật ít người biết: Aladdin thực ra là người Trung Quốc - Ảnh 2.

Từ lâu người ta vẫn nghĩ câu chuyện này là do Galland nghĩ ra, nhưng độ chính xác từ lời khẳng định của ông đã được khẳng định sau khi cuốn nhật ký của Diyab được phát hiện ở Thư viện Vatican. Tuy nhiên sự đóng góp vào cốt truyện của Diyab là bao nhiêu, hay được Galland phóng tác như thế nào, hoặc cả hai, vẫn là đề tài được nhiều học giả bàn luận.

"Câu chuyện mà tôi dịch chính là phiên bản đầu tiên được viết ra, nhưng ngay cả nó cũng là một điều không chắc", Seale cho biết. "Vì câu chuyện được một người Syria kể cho một người Pháp, mỗi người lại bị quyến rũ bởi nền văn hóa của người kia, nên nó không thể gắn liền với chỉ một ngôn ngữ hay một nền văn chương nào cả".

Giả sử bối cảnh của câu chuyện ở Trung Quốc được chấp nhận, thì khía cạnh sắc tộc của Aladdin cũng chưa bao giờ được làm rõ. Tên của các nhân vật, gồm cả tên của công chúa – Badr al-Budur (chứ không phải Jasmine như trong bộ phim hoạt hình của Disney) – sự xuất hiện của "sultan" (vua các nước hồi giáo) chứ không phải "hoàng đế", và những phương diện liên quan đến nếp sống của những người theo đạo Hồi (như cầu nguyện vào buổi tối) lại khiến cho câu chuyện phảng phất phong vị Trung Đông.

Bí mật ít người biết: Aladdin thực ra là người Trung Quốc - Ảnh 3.

"Câu chuyện có thể có bối cảnh ở Trung Quốc, nhưng đây là một hình thức kể chuyện mà thôi", giáo sư Wen-chin Ouyang của Đại học London, cho biết. "Câu chuyện có nhiều màu sắc Hồi giáo hơn là Trung hoa".

Aladdin của Disney trên thực tế không dựa trên phiên bản của Galland, mà là sản phẩm của một chuỗi dài các bộ phim dựa trên các câu chuyện "Nghìn lẻ một đêm", bắt đầu từ bộ phim câm năm 1924 "Tên trộm thành Baghdad", trong đó các nhân vật và bối cảnh được pha trộn từ nhiều câu chuyện khác nhau trong cuốn sách.

Sau đó Vincent Korda sản xuất bộ phim về Aladdin (Tên trộm thành Baghdad) năm 1940 và giành giải Oscar cho Đạo diễn nghệ thuật (cho phim có màu). Bộ phim hoạt hình của Disney lấy cảm hứng từ bộ phim của Korda, mặc dù bối cảnh của câu chuyện nằm ở thành phố giả tưởng Agrabah, Ả rập chứ không phải Baghdad.

Bí mật ít người biết: Aladdin thực ra là người Trung Quốc - Ảnh 4.

"Rõ ràng bộ phim Aladdin của Disney cũng có ý đặt bối cảnh ở Baghdad", tiến sĩ Arafat A. Razzaque, chuyên gia về lịch sử và Trung Đông ở đại học Harvard. "Nhưng khi đó Mỹ đang đánh bom Iraq trong suốt cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, nên Disney đã thay đổi bối cảnh sang một thành phố hư cấu để tránh những liên tưởng khó xử với Baghdad của Saddam Hussein".

Ouyang giải thích: "Có một thực tế khi làm phim, đó là sự ảnh hưởng qua lại giữa sách và phim ảnh, truyền hình là 2 chiều". Điều thú vị ở đây là trong một cuộc bỏ phiếu thăm dò ý kiến năm 2015 với 532 thành viên Đảng Cộng hòa, có đến 30% nói rằng họ ủng hộ việc đánh bom Agrabah. Có vẻ như sự tác động 2 chiều còn diễn ra giữa hai thế giới thực và ảo nữa.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM