Bí mật đằng sau vùng đất có giá nhà đắt gấp đôi Mỹ, giá xăng đắt nhất thế giới, 2/7 dân số được chính quyền hỗ trợ nhà ở

21/06/2017 09:35 AM | Kinh tế vĩ mô

Không riêng gì nhà ở, giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu tại Hong Kong cũng thuộc hàng đắt nhất thế giới.

Mới đây, bảng xếp hạng của hãng tư vấn ECA International đã đưa Hong Kong trở thành nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất Châu Á Thái Bình Dương, vượt qua cả thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Trên toàn cầu, Hong Kong là nơi đắt đỏ thứ 2 thế giới sau Luanda của Angola.

Tờ South China Morning Post vào năm 2016 đưa tin một chỗ để xe trung tâm Hong Kong được rao bán với giá 664.260 USD và người mua là giám đốc đầu tư tài chính. Trong khi đó, giá bất đồng sản của khu vực này vào khoảng 3.500 USD/ 0,09 m2 theo tỷ giá năm 2016. Để so sánh, 1 căn hộ tại thành phố New York đắt đỏ cũng chỉ có giá bình quân 1.750 USD/ 0,09 m2.

Không riêng gì nhà ở, giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu tại Hong Kong cũng thuộc hàng đắt nhất thế giới.

20 năm sau ngày Hong Kong trở về với Trung Quốc, nền kinh tế nơi đây đã tăng trưởng nhanh chóng với hàng loạt các nhà cao tầng, những khu thương mại sầm uất. Những tỷ phú như Li Ka Shing hay Lee Shau Kee trở thành những ông lớn trên thị trường này cũng như Trung Quốc đại lục. Hệ thống đầu tư của họ trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong lại đang đau đầu với sự tăng trưởng quá nhanh chóng này. Mức thu nhập của người dân tăng nhanh là một điều tốt nhưng chúng cũng khiến phân biệt giàu nghèo ngày càng rõ rệt.

Hãy cùng gặp bà Lau, một nữ thu ngân của tập đoàn Jardine Matheson đang phải nuôi gia đình gồm 1 người chồng mất khả năng lao động và 2 đứa con. Với mức thu nhập 5,4 USD/giờ, gia đình bà Lau đang phải chật vật trả tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt hàng tháng cũng như phải mua những thực phẩm sắp hết hạn để tiết kiệm chi tiêu.

Nghe có vẻ điên rồ nhưng cuộc sống của nhiều người dân tầng lớp đáy tại Hong Kong vô cùng khổ cực. Theo giám đốc Richard Florida của Viện Martin Prosperity Institute, Hong Kong là nơi điển hình của một nền kinh tế có sự phân hóa giàu nghèo mạnh. Nền kinh tế này khá ổn định nhưng chính sự phân hóa quá mạnh về thu nhập, bất bình đẳng xã hội đang đe dọa đến thị trường này khi ngày càng nhiều người dân thu nhập thấp thấy bất bình bởi tốc độ tăng giá chóng mặt của các mặt hàng.


Những khu nhà ổ chuột của nền kinh tế Hong Kong

Những khu nhà ổ chuột của nền kinh tế Hong Kong

Mặt trái của sự thịnh vượng

Trong suốt nhiều thập niên, Hong Kong đã phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách mở cửa nền kinh tế, giảm các quy định phiền hà cũng như hạ thuế. Tuy nhiên, mức tăng lương tại đây lại không theo kịp tỷ lệ lạm phát và hệ quả là hơn 50% số dân Hong Kong hiện nay phải sống dưới mức tiêu chuẩn họ đáng được hưởng trong khi vẫn phải đóng 15% thuế thu nhập, tương đương với hàng trăm nghìn người bản địa đang bất mãn vì không được hưởng cuộc sống họ mong đợi.

Đo lường chỉ số bất bình đẳng thu nhập bằng hệ số Gini (hay còn gọi là hệ số Loren) cho thấy Hong Kong đạt mức kỷ lục 0.539 điểm, mức cao nhất kể từ thập niên 1970. Hệ số bất bình đẳng thu nhập của Hong Kong thuộc hàng cao nhất Châu Á, vượt qua cả các nước kém phát triển hơn như Papua New Guinea hay Brazil.


Hong Kong là nền kinh tế có bất bình đẳng thu nhập cao nhất Châu Á

Hong Kong là nền kinh tế có bất bình đẳng thu nhập cao nhất Châu Á

Hong Kong vốn đã từng rất nổi tiếng bởi những nhà máy sản xuất đồ chơi nhưng cải cách kinh tế đã làm thay đổi hệ thống phân bổ thu nhập nơi đây. Hiện tại, những nhân viên ngành ngân hàng tài chính mới là những người có thu nhập cao trong xã hội, trong khi rất nhiều nhân viên lau dọn, phục vụ bàn tại nơi đây bị trả lương rẻ mạt không đủ sống.

Ý tưởng ban đầu của chính quyền Hong Kong là thúc đẩy khởi nghiệp, kinh tế tư nhân và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, có lẽ những chính sách của các nhà lãnh đạo đã kéo theo nhiều hệ lụy khi chỉ có một bài tập đoàn lớn thực sự vươn lên trong nền kinh tế và trở thành những kẻ thống trị trên thị trường.

Ngay cả những ông lớn nước ngoài như tập đoàn kinh doanh siêu thị Carrefour của Pháp cũng phải bỏ cuộc vào năm 2000 tại Hong Kong do khó tìm kiếm được những địa điểm thuận lợi sau 4 năm cạnh tranh, một yếu tố mà những nhà kinh doanh bất động sản địa phương có quyền lực tuyệt đối.

Câu chuyện bất động sản

Nói đến chuyện phân hóa giàu nghèo, yếu tố đầu tiên các chuyên gia thường xem xét là bất động sản. Hãng tư vấn Demographia nhận định bất động sản là loại tài sản khó đạt được nhất trong các loại tài sản. Người ta có thể dễ dàng có được tiền mặt, trái phiếu, thậm chí cố gắng mua được xe hơi, nhưng mua nhà là vấn đề rất lớn với mọi người.


Giá nhà ở Hong Kong đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua

Giá nhà ở Hong Kong đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua

Số liệu của Demographia cũng cho thấy bất động sản tại Hong Kong thuộc hàng đắt nhất thế giới. Tỷ lệ giá nhà trên mức thu nhập bình quân vào khoảng 18,1 lần, cao hơn rất nhiều so với mức 12,1 của Sydney-Australia, 8,5 của London-Anh và 5,9 của New York-Mỹ.

Kể từ khi thị trường bất động sản toàn cầu đổ vỡ cách đây 14 năm, giá nhà đất đã tăng 400% và vẫn còn có xu thế đi lên tiếp. Bởi vậy, việc phân hóa giàu nghèo được thể hiện rõ qua những ngôi nhà mọi người sinh sống. Trong khi tầng lớp nhà giàu Hong Kong sống tại các khu nhà thoải mái thì những người như bà Lau phải sống ở những khu nhà tồi tàn, chật chội. Giá của một căn hộ 12 m2 cỡ nhỏ tại Hong Kong hiện có giá lên tới 400.000 USD.


Giá bất động sản tăng 400% trong khi mức lường của người dân Hong Kong chẳng lên được bao nhiêu

Giá bất động sản tăng 400% trong khi mức lường của người dân Hong Kong chẳng lên được bao nhiêu

Hiện nay, hầu như các tỷ phú tại Hong Kong đều có liên quan đến ngành bất động sản. Tỷ phú Li đang làm chủ của hãng bất động sản Cheung Kong Property Holding với mức lợi nhuận 18 tỷ Dollar Hong Kong (HKD) năm 2016. Người giàu thứ 2 là ông Lee cũng đang nắm giữ công ty bất động sản Henderson Land Development với lợi nhuận 14,2 tỷ HKD.

Số liệu của Bloomberg Billionaires Index cho thấy tổng tài sản của 10 người giàu nhất Hong Kong đã tương đương 48% GDP của nền kinh tế này.


Giá nhà so với mức thu nhập tại Hong Kong thuộc hàng cao nhất thế giới

Giá nhà so với mức thu nhập tại Hong Kong thuộc hàng cao nhất thế giới

Theo hãng tin Bloomberg, những tỷ phú bất động sản này đã mua những khu đất đẹp tại Hong Kong rồi cho các nhà phát triển hạ tầng thuê cũng như xây dựng. Một số tỷ phú thậm chí kiêm nhiệm luôn việc xây dựng phát triển này.

Một nguyên nhân nữa khiến thị trường bất động sản Hong Kong đắt đỏ cũng như làm giàu cho nhiều tỷ phú là luồng tiền đầu tư từ Trung Quốc đại lục. Tính từ đầu năm đến nay, các công ty bất động sản Trung Quốc chiếm phần lớn số doanh thu ngành bất động sản Hong Kong. Số liệu của hãng CIMB cho thấy các công ty bất động sản từ Trung Quốc đại lục đang gia tăng hoạt động ở thị trường này kể từ năm 2011.


Các nhà đầu tư ngày càng đổ nhiều tiền vào bất động sản Hong Kong

Các nhà đầu tư ngày càng đổ nhiều tiền vào bất động sản Hong Kong

Bởi nguồn vốn lớn đổ vào từ Trung Quốc đại lục, giá nhà ở Hong Kong đã tăng 76% kể từ năm 1997. Số liệu của Bloomberg cho thấy một người có thu nhập bình quân 15.000 HKD/tháng và tiết kiệm 1 nửa cho mua nhà thì họ phải tốn hơn 80 năm mới đủ mua 1 căn hộ hơn 46 m2 tại Hong Kong.

Trước tình hình ngày càng phức tạp của thị trường bất động sản, cơ quan quản lý tài chính Hong Kong (HKMA) đã siết chặt các quy định chi thuê nhà cũng như giao dịch bất động sản tại đây.


Tỷ lệ bất động sản thế chấp bình quân đầu người, theo % GDP và lãi suất bất động sản thế chấp theo HSBC tại Hong Kong (HKD)

Tỷ lệ bất động sản thế chấp bình quân đầu người, theo % GDP và lãi suất bất động sản thế chấp theo HSBC tại Hong Kong (HKD)

Nỗ lực của chính quyền

Trước tình hình này, chính quyền Hong Kong đã có một số biện pháp nhằm xoa dịu sự bất bình đẳng trong thu nhập như nâng mức lương tối thiểu lên 34,5 HKD (4,43 USD)/giờ vào năm 2011.

Số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy GDP bình quân đầu người tại Hong Kong đạt 45.000 USD, cao hơn Đức, Nhật Bản và Pháp. Chất lượng sống tại Hong Kong cũng được đánh giá cao khi người dân được hưởng một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt so với thế giới.

Những người nghèo tại Hong Kong cũng không phải chịu cảnh tử vong do đói nghèo hay bệnh tật. Tuy nhiên, người dân Hong Kong buộc phải lao động cật lực nếu không muốn phá sản và trở thành một trong những thành viên của tầng lớp đáy xã hội.

Hiện nay, hơn 2 triệu người trong tổng số 7 triệu người Hong Kong đang sống trong những khu nhà thuê được hỗ trợ từ chính quyền với mức giá ưu đãi 220 USD/tháng. Dẫu vậy, những khu nhà này có cung không đủ cầu và những người đăng ký thuê các căn hộ kéo dài đến nỗi nhiều trường hợp phải chờ tới 5 năm mới đến lượt.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM