Bí mật đằng sau công việc hào nhoáng, mức lương lên đến 130 triệu đồng/tháng: Thu nhập hấp dẫn nhưng vất vả thuộc hàng đầu thế giới
Phi công là công việc được trả lương thuộc hàng top nhưng chỉ những người đã làm mới hiểu công việc này vất vả và khó khăn đến thế nào.
Trở thành phi công là ước mơ từ nhỏ của rất nhiều chàng trai cô gái trẻ. Hàng không đã thu hút gần như mọi nền văn hóa trên toàn cầu kể từ khi khinh khí cầu bay lên bầu trời gần 250 năm trước.
Theo báo cáo của US News, phi công đứng thứ 17 trong số những nghề thu nhập cao nhất thế giới. Đồng thời, đây cũng là là công việc lọt vào top 15 ngành nghề vất vả nhất.
Trong năm 2018, Vietnam Airlines công bố mức thu nhập bình quân cho phi công là 132.5 triệu đồng/tháng (khoảng 1.5 tỷ đồng/ năm). Hiện nay, mức lương cao nhất dành cho công việc này của hãng có thể lên đến 300 triệu đồng. Đây là thu nhập dành cho những phi công có khả năng đào tạo cho người khác. Số tiền này thay đổi dựa vào năng lực, vị trí trong buồng lái và loại máy bay phi công điều khiển.
Tại Hà Lan, mức lương trung bình cho phi công là khoảng 5.6 tỷ đồng/năm, Qatar là 5.1 tỷ đồng/năm...
Thu nhập khủng, lại được nhiều người ngưỡng mộ nên không khó hiểu khi nhiều người muốn tìm hiểu và theo học ngành này. Tuy nhiên để trở thành một phi công không hề dễ dàng. Bởi ngoài sức khỏe, bạn còn cần phải có đủ tài chính để chi trả mức học phí lên tới 4 tỷ đồng.
Muốn làm phi công bạn cần có gì?
Các yêu cầu để trở thành phi công sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại máy bay bạn muốn bay và liệu bạn có muốn bay chuyên nghiệp hay không.
1. Khả năng tiếng Anh
Để có thể học làm phi công, điều kiện tiên quyết đó chính là bạn phải… cực kỳ thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Ngay từ đầu, tất cả các giáo trình dạy học của phi công đều viết bằng tiếng Anh, các giáo sư chủ yếu cũng là người nước ngoài. Đó là chưa kể hệ thống nút bấm trên máy bay được kí hiệu hoàn toàn bằng tiếng Anh nữa.
Hình minh họa. Ảnh: BlueToad
Trong quá trình bay ở các đường bay quốc tế, phi công là người nghe chỉ dẫn bay của các trạm không lưu ở các nơi, thông báo về lượng nhiên liệu cần thiết, kiểm tra tình trạng máy bay trước khi bay… Chính vì thế 99% phi công phải có khả năng giao tiếp tiếng Anh thành thạo mới có thể đảm nhiệm được tốt công việc này.
Hiện nay, yêu cầu trình độ tiếng Anh đầu vào tối thiểu đối với học viên phi công là 550 điểm TOEIC hoặc tương đương, đặc biệt chú trọng khả năng nghe và nói.
2. Yêu cầu về thể lực
Để trở thành phi công lái máy bay dân dụng, các học viên sẽ phải trải qua khâu tuyển chọn vô cùng khắt khe, nghiêm ngặt về cả thể hình và thể lực. Một số yêu cầu cơ bản khác về ngoại hình bao gồm chiều cao, cân nặng khá tương đương với tiếp viên, như từ 1,6m với nữ và 1,65m với nam, nặng tối thiểu 48 kg với nữ và 54 kg với nam.
Trong quá trình đào tạo, các phi công tương lai luôn được rèn luyện rất kỹ, đồng thời luôn phải tuân thủ những quy tắc khắc nghiệt về sức khỏe, trình độ. Đến khi đã trở thành phi công chính thức, để giữ được bằng lái, mỗi năm các phi công phải trải qua từ 1 đến 2 đợt khám sức khỏe và 6 kỳ thi chuyên môn.
3. Chi phí
Nhìn chung, chi phí đào tạo một học viên phi công cơ bản tại trường Bay Việt khoảng 1,8 tỷ đồng trong khoảng thời gian 18-20 tháng. Chương trình đào tạo được chia làm 3 giai đoạn bao gồm huấn luyện lý thuyết ATP (Airline Transport Pilot Theory - Lý thuyết phi công vận tải hàng không) dài 24 tuần (trong nước), huấn luyện bay dài 44 - 52 tuần (ở Mỹ, Australia, New Zealand, châu Âu) và huấn luyện phối hợp tổ bay MCC (Multi Crew Cooperation) dài 3 tuần (trong nước).
Trong đó, giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 1.3 - 1.6 tỷ đồng. Học phí của giai đoạn huấn luyện lý thuyết là 134 triệu đồng còn huấn luyện phối hợp tổ bay từ 99 triệu đồng. Tuy nhiên trong trường hợp quá trình học không suôn sẻ, học viên phải học lại thì mức học phí sẽ còn tăng thêm nữa.
Một số học viên cho biết phải đóng thêm hơn 10% học phí dự kiến cho thời gian huấn luyện bay bổ sung. Việc huấn luyện sau cơ bản diễn ra tại các hãng hàng không với chi phí không dưới 1.5 tỷ đồng/người. Cộng thêm các chi phí đi lại, ăn ở, huấn luyện thêm trong thời gian học bay tại nước ngoài, một học viên sẽ cần đầu tư khoảng 4 tỷ đồng để trở thành phi công dân dụng.
Hình minh họa. Ảnh: USnews
Hiện nay, mức học phí du học ở các trường đại học tư thục tại Mỹ khoảng 1.1 tỷ đồng, và tổng 4 năm là khoảng khoảng 4,6 tỷ đồng. Như vậy học ngành phi công cũng ngang ngửa đi du học Mỹ.
4. Một số bí mật nghề phi công
- Không được uống nước trong chuyến bay: Phi công không được sử dụng các chất lỏng, vì nếu chúng lỡ đổ ra các bộ máy điều khiển thì có thể dẫn đến một số sự cố ngoài ý muốn.
- Không được trò chuyện ở độ cao thấp hơn 3.050m: Hầu hết các tai nạn máy bay đều xảy ra dưới độ cao này, đó là lý do tại sao "quy tắc buồng lái vô trùng" (Sterile Cockpit Rule) xuất hiện. Quy tắc này cấm các phi công làm bất kỳ điều gì khác ngoài việc điều khiển máy bay cho đến khi chúng đạt độ cao lớn hơn, trong đó bao gồm cả việc nói chuyện.
- Không được sử dụng các thiết bị điện tử: Có quy định phải tắt tất cả các thiết bị điện tử hoặc chuyển chúng sang chế độ máy bay khi đang trong khoang hành khách. Điều này cũng bắt buộc đối với phi công, thậm chí họ còn phải tránh xa điện thoại để không bị phân tâm.
Hình minh họa. Ảnh: Daily Mail
- Lịch trình dày đặc: Một ngày làm việc của các phi công thực ra không chỉ ở "trên trời" mà còn phải dành rất nhiều giờ ở "dưới đất". Trước giờ cầm lái, mỗi phi công phải có mặt ở sân bay trước 2 giờ đồng hồ để thực hiện các công việc như: Kiểm tra thiết bị, máy móc, kiểm tra xăng, kiểm tra bãi đỗ, làm nóng động cơ, chuẩn bị kế hoạch bay. Tất cả những công việc đó nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách.
Trở thành một phi công đòi hỏi rất nhiều nguồn lực cả về tài chính lẫn công sức. Để trở thành một phi công, các học viên phải trải qua nhiều giờ học tập và thực hành. Tùy thuộc vào việc bạn định lấy chứng chỉ nào, bạn sẽ phải đầu tư một khoản tiền và thời gian đáng kể.
Giống như tất cả những điều trong cuộc sống, uy tín của việc trở thành một phi công chuyên nghiệp và quyền tự do bay trong tư nhân không đến mà không phải trả giá. Thế nhưng ngành nghề nào cũng có những mặt trái và khó khăn mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ. Dưới đây chính là một vài quy tắc khắt khe mà những người phi công luôn phải tuân thủ khi muốn làm công việc này.
Tổng hợp