Bi kịch từ đĩa mỳ trong tủ lạnh: Đứa trẻ chết thảm vì một thói quen ăn uống nguy hiểm mà nhiều gia đình mắc phải
Đó chính là thói quen: Ăn đồ lưu trữ lâu trong tủ lạnh.
Thịt không bảo quản đúng cách có thể ôi thiu và cần phải vứt bỏ - đây là điều có lẽ ai cũng nắm được. Tuy nhiên với những món ăn làm từ bột mì, bột gạo như cơm hay mỳ thì sao?
Trên thực tế, nhiều người vẫn nghĩ rằng tủ lạnh có thể giúp chúng ta giữ được thực phẩm trong thời gian dài hơn. Điều này về cơ bản là đúng, nhưng có những loại thực phẩm dù có được cất trong tủ lạnh, cũng không thể sử dụng nếu đã để trong thời gian quá dài. Cơm, mỳ là một ví dụ điển hình.
Lý do là bởi dù nhìn rất vô hại và chẳng có chút thiu hỏng nào, bên trong mì hoặc cơm để lâu có thể xuất hiện một loại vi khuẩn, có tên Bacillus cereus. Vi khuẩn này chẳng hiếm đâu, chúng tồn tại ở rất nhiều nơi: đất, thực phẩm, thậm chí trong ruột chúng ta. Nhưng chúng có thể sinh sôi bằng cách hút lấy dưỡng chất từ thực phẩm, bao gồm gạo, sữa, gia vị, đồ khô và rau củ.
Một số chủng của loài vi khuẩn này có lợi cho đường ruột, nhưng một số khác có thể gây ngộ độc nghiêm trọng, đặc biệt là khi bạn lưu trữ chúng sai cách. Trường hợp xấu nhất còn gây chết người, như thảm họa được ghi lại trên tạp chí Clinical Microbiology.
Thảm họa từ đĩa mì trong tủ lạnh
Trường hợp được ghi lại trong báo cáo cho biết có 5 đứa trẻ từ một gia đình đã bị ngộ độc nghiêm trọng vì một đĩa salad mỳ Ý cất trong tủ lạnh 4 ngày.
Cụ thể, đĩa salad này được chuẩn bị từ thứ 6, mang đi picnic vào thứ 7, sau đó phần thừa được cất trong tủ lạnh đến tối thứ 2 tuần sau đó, rồi mang ra cho lũ trẻ ăn tối.
Ngay trong đêm đó, lũ trẻ bắt đầu nôn mửa nặng liên tục, phải lập tức nhập viện. Bi kịch thay, đứa trẻ nhỏ nhất đã thiệt mạng. Một nạn nhân khác bị suy thận, nhưng may mắn sống sót, trong khi 3 đứa trẻ còn lại bị ngộ độc thể nhẹ hơn, có thể điều trị bằng cách truyền nước.
"B. Cereus là một chủng khuẩn gây ngộ độc khá phổ biến, nhưng việc nhiễm độc thường ít được ghi nhận do các triệu chứng thường khá nhẹ," - các nhà nghiên cứu giải thích.
Việc tử vong vì chủng khuẩn này là khá hiếm, nhưng cũng từng được ghi nhận khá nhiều lần. Như trường hợp năm 2011, một sinh viên 20 tuổi tại Bỉ đã vong mạng vì nồi mỳ Ý sốt cà chua. Số là anh chàng xấu số thường chuẩn bị mỳ cho cả tuần rồi hâm nóng mỗi khi dùng bữa. Tuy nhiên ngày hôm đó, anh đã quên không cất mỳ vào tủ trong một khoảng thời gian không xác định. thế rồi sau khi ăn, anh nhanh chóng bị đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, và chết ngay trong tối hôm đó.
Nhiều trường hợp tương tự khác cũng từng xảy ra, như nạn nhân 11 tuổi tử vong vì ăn mỳ trong tủ lạnh tại Trung Quốc, hay một nam sinh trung học cũng thiệt mạng sau khi ăn đĩa mỳ Ý từ 4 ngày trước đó.
Phải làm gì nếu không may bị ngộ độc vì ăn mỳ để qua đêm?
Cũng cần lưu ý rằng đa số các trường hợp ngộ độc vì B. cereus thường không dẫn đến suy thận, mà là các triệu chứng nhẹ hơn, thậm chí có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, B. cereus có thể tiết ra độc tố khá mạnh trên thực phẩm. Một số độc tố trong đó rất khó có thể xử lý bằng nhiệt độ từ lò vi sóng. Ví dụ như độc chất gây nôn mửa có thể chịu được nhiệt độ 121 độ C trong vòng 90 phút, và đó cũng không phải độc chất duy nhất mà loại khuẩn này tiết ra.
"Điều quan trọng nhất là mọi người cần chuẩn bị thực phẩm theo đúng chuẩn an toàn. Nếu có ăn đồ trong tủ lạnh, hãy hâm nóng một cách kỹ càng để đảm bảo diệt khuẩn còn sót bên trong," - trích lời Anukriti Mathur, chuyên gia công nghệ sinh học từ ĐH Quốc gia Úc.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Microbiology.
Nguồn: Science Alert