Bi kịch nghịch lý Covid-19 của Singapore: 300.000 người khốn khổ bị bỏ lại phía sau, trong khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường

10/09/2020 08:21 AM | Xã hội

Trái ngược với những gì được thể hiện, số phận của những người bị đẩy ra "bên lề xã hội" lại chẳng được như thế. Họ là các lao động nhập cư, với số lượng lên tới 300.000 người và đang thực sự bị bỏ lại phía sau.

Trung tâm thương mại, nhà hàng, trung tâm giải trí... tất cả đang trở lại hoạt động hết sức nhộn nhịp tại Singapore. Cuộc sống của người dân đảo quốc Sư tử có thể nói là dần trở lại bình thường như thời điểm trước dịch.

Bi kịch nghịch lý Covid-19 của Singapore: 300.000 người khốn khổ bị bỏ lại phía sau, trong khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường - Ảnh 1.

Nhưng trái ngược với những gì được thể hiện, số phận của những người bị đẩy ra "bên lề xã hội" lại chẳng được như thế. Họ là các lao động nhập cư, với số lượng lên tới 300.000 người và đang thực sự bị bỏ lại phía sau.

Nhiễm bệnh như một lẽ tự nhiên

Từ tháng 4/2020 - thời điểm dịch bệnh rất căng thẳng tại Singapore, lực lượng lao động thu nhập thấp đã bị buộc phải ở trong "nhà" của họ - các khu tập thể được xây dựng dành riêng cho người nhập cư.

Sau khi thực hiện chiến dịch cách ly và xét nghiệm toàn diện, chính phủ đã dọn dẹp sạch sẽ các khu tập thể như thế, cho phép cư dân bên trong ra ngoài thực hiện các công việc thiết yếu - như hầu tòa hoặc thăm khám bác sĩ.

Tháng 8/2020, chính phủ Singapore thông báo đang tiến hành nới lỏng thêm các quy định dành cho lao động nhập cư. Tuy nhiên, kế hoạch này đang có nguy cơ sụp đổ, sau khi các ổ dịch mới tiếp tục xuất hiện trong các khu nhà tập thể, nơi lao động nhập cư chen chúc trong các không gian sống chật hẹp.

Bi kịch nghịch lý Covid-19 của Singapore: 300.000 người khốn khổ bị bỏ lại phía sau, trong khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường - Ảnh 2.

Một căn phòng phải chia sẻ với cả chục người

"Có những ngày tôi chán đến nỗi không thể chịu nổi," - trích lời Mohd Al Imran, một công nhân kỹ thuật người Bangladesh. Sau hàng tháng trời bị phong tỏa trong khu tập thể chật hẹp, anh mắc Covid-19 như một lẽ tự nhiên. Imran được đưa tới khu chăm sóc y tế, và trải nghiệm ấy được mô tả giống như "một sự giải thoát".

"Trong khu tập thể, bạn thậm chí còn không được bước ra khỏi phòng, cứ như tù nhân vậy," - anh chia sẻ.

Nhà chức trách Singapore cho biết các biện pháp chống dịch của họ đã đúng, khi ước tính có tới 95% các ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia này đến từ đội lao động nhập cư. Nhưng với việc các ổ dịch mới xuất hiện ngay sau khi tuyên bố đã hết dịch trong các khu tập thể, sự hoài nghi cũng xuất hiện. Nhiều người đặt dấu hỏi về việc điều kiện sống quá khắc nghiệt của dân lao động nhập cư thu nhập thấp có đang khiến nỗ lực dập dịch của chính phủ trở nên vô ích hay không.

"Nếu dồn những người thiếu điều kiện về kinh tế - xã hội trong một khu nhà chật hẹp, hiển nhiên tỉ lệ lây nhiễm sẽ là rất cao," - Peter Collignon, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và là giáo sư y khoa tại ĐH Quốc gia Úc cho biết. Ông cũng cho rằng, việc đối xử khác nhau với các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao đang là không thỏa đáng.

Bi kịch nghịch lý Covid-19 của Singapore: 300.000 người khốn khổ bị bỏ lại phía sau, trong khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia, việc phong tỏa các ổ dịch là điều hợp lý, nhưng điều kiện sống trong các khu nhà tập thể của Singapore lại tạo ra môi trường quá hoàn hảo để dịch bệnh lây lan nhanh. Tại đây, hệ thống thông khí khá tệ, trong khi phải chia sẻ phòng tắm với hàng chục người khác. Hiện tại, tiêu chuẩn chỗ ở của Singapore yêu cầu tối thiểu 4m vuông mỗi người - bằng khoảng 1/3 ô đỗ xe. Và khoảng cách này "chắc chắn làm tăng rủi ro lây nhiễm," - theo Raina Macintyre, giáo sư an toàn sinh học tại ĐH New South Wales (Úc).

Áp lực toàn diện với những người bị bỏ lại phía sau

Những người dân nghèo chịu áp lực rất nhiều khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, và nó làm nổi bật sự bất bình đẳng về kinh tế vốn đã tồn tại từ trước đó rất lâu.

Trên thực tế thì từ trước đại dịch, lực lượng lao động thu nhập thấp tại Singapore đã phải chịu nhiều hạn chế so với người bản địa. Và khi bị buộc phải cách ly kéo dài, nó khiến họ chịu đựng rất nhiều áp lực về tâm lý.

Truyền thông địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp tự tử hoặc tự hoại trong cộng đồng người nhập cư. Bộ Nhân lực Singapore cho biết đó là những trường hợp có tiền sử bệnh tâm lý, hoặc từng gặp rắc rối tại quê hương. Nhưng dù vì lý do gì, các tổ chức xã hội đang bị nhấn chìm trong những cuộc gọi cầu cứu từ công nhận nhập cư.

Bi kịch nghịch lý Covid-19 của Singapore: 300.000 người khốn khổ bị bỏ lại phía sau, trong khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường - Ảnh 4.

Các khu nhà tập thể đều có người canh cổng ra vào

"Rất nhiều người đã gọi, với những cuộc hội thoại kiểu 'Tôi không quan tâm đến tiền lương nữa. Chỉ cần cho tôi ra ngoài thôi. Tôi muốn về nhà.'" - Alex Au, Phó Chủ tịch Transient Workers Count Too, tổ chức hỗ trợ người nhập cư tại Singapore.

Một lao động nhập cư phổ thông tại Singapore có thể kiếm được khoảng 600 - 1000 đô Sing mỗi tháng (tương đương 10 - 17 triệu đồng tiền Việt). Con số này thấp hơn số tiền thuê một căn hộ 3 phòng ngủ. Nhưng ngay cả khi ở trong khu tập thể, số tiền phải trả cũng không phải ít. Bạn phải tốn khoảng 350 đô Sing để có giường trong căn phòng chung với 12 - 16 người khác.

Tháng 6/2020, chính phủ phải chuyển hơn 32.000 công nhân đến các nơi ở tạm thời để đối phó với khủng hoảng dịch bệnh. Về lâu dài, họ dự tính sẽ xây dựng thêm 11 khu nhà tập thể mới, với giới hạn 10 giường/phòng. Toilet, phòng tắm... sẽ chỉ phải chia sẻ cho 5 người, thay vì 15 như trước kia.

Bi kịch nghịch lý Covid-19 của Singapore: 300.000 người khốn khổ bị bỏ lại phía sau, trong khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường - Ảnh 5.

Khi dịch bệnh nổ ra, các khu tập thể bị kiểm soát nghiêm ngặt. Lối ra vào bị chặn, bất kỳ ai ra ngoài đi làm sẽ được báo cáo lại với nhà chức trách. Dẫu vậy, đây là một sự đánh đổi mà nhiều người đồng ý thực hiện, vì chi phí chữa trị ở quê nhà sẽ còn lớn hơn thế khi không có hỗ trợ. Tuy nhiên, đại dịch khiến cho công việc ngày càng ít dần, và lý do để ra ngoài cũng không còn nữa.

"Tôi còn chẳng biết lúc nào sẽ bị cách ly, và giờ cũng không có thu nhập," - Bob Bu, một công nhân người Trung Quốc vốn làm quản lý tại nhà hàng trước khi phải nghỉ việc. "Tôi chịu áp lực tâm lý rất nhiều, cũng không thể ngủ được vì điều kiện sống không thoải mái tại đây."

Nguồn: The Edge Market

JD

Cùng chuyên mục
XEM