Bi kịch cuộc đời của "huyền thoại bảo mật": 1 bước trở thành triệu phú lẫy lừng nhưng vì lắm tài nhiều tật, kết thúc cuộc đời trong tăm tối

07/10/2022 14:12 PM | Sống

Là một "huyền thoại" trong giới bảo mật, từng là triệu phú khi có trong tay cả trăm triệu USD, nhưng nửa cuối của cuộc đời John dính đến những rắc rối về pháp lý để rồi kết thúc cuộc đời mình trong nhà lao.

John McAfee được xem là một trong những "huyền thoại bảo mật" với những bình luận có sức ảnh hưởng lớn trên lĩnh vực an ninh mạng. Sở hữu cả công ty bao mật danh tiếng mang tên mình, John thường đưa ra những nhận định sâu sắc về những vụ bê bối tấn công mạng trên toàn cầu và vấn đề giám sát trên Internet.

Lắm tài nhưng cũng nhiều tật, sau khi sở hữu khối tài sản khủng, John có lối sống có phần lập dị rồi vướng vào vòng lao lý và kết thúc cuộc đời mình trong trại giam.

Bi kịch cuộc đời của huyền thoại bảo mật: 1 bước trở thành triệu phú lẫy lừng nhưng vì lắm tài nhiều tật, kết thúc cuộc đời trong tăm tối - Ảnh 1.

John McAfee

Gõ cửa từng nhà để bán tạp chí

John McAfee sinh năm 1945 tại một doanh trại của quân đội Mỹ đóng tại Anh, do cha ông là quân nhân người Mỹ. Lên 15 tuổi, cha của ông qua đời do tự sát. Người cha nghiện rượu và cái chết dường như ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi thơ của John và tạo nên con người nổi loạn về sau này.

Thuở thiếu thời ông sống khá khó khăn. Có đầu óc kinh doanh, ngay từ khi còn theo học cao đẳng, ông đã kinh doanh tạp chí theo hình thức "gõ cửa từng nhà" và điều này đã giúp ông có được khoản tiền đáng kể để trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình.

Có bằng cử nhân toán học, tự học lập trình, ông được nhận vào làm đúng công việc mình yêu thích cho dự án Apollo của NASA từ năm 1968 đến 1970. Sau khi dự án kết thúc, John trở thành kĩ sư phần mềm cho Tập đoàn Univac, rồi sau đó là Xerox tới năm 1978 và Công ty tư vấn Booz Allen Hamilton từ năm 1980 đến 1982.

Một bước thành triệu phú

Bước ngoặt cuộc đời của John bắt đầu vào năm 1986. Lúc này, 2 anh em ở Pakistan vừa mới lập trình ra virus máy tính đầu tiên trên thế giới và do tò mò về hiệu quả của virus, họ đã đính kèm tên tuổi, số điện thoại cùng địa chỉ của mình vào những dòng mã rồi gửi virus đi.

Tuy hai anh em không hề có ý muốn gây hại cho bất kì ai nhưng chỉ 1 năm sau đó, con virus với cái tên Brain đã xâm nhập vào máy tính trên toàn thế giới. John tình cờ đọc được một bài báo trên tờ San Jose Mercury về một thứ mã độc này. John muốn ngăn chặn những trận tấn công không báo trước của virus Brain.

Năm 1987, John thành lập công ty McAfee tại Santa Clara với một kế hoạch hoạt động đơn giản: tạo ra một chương trình diệt virus, sau đó để mọi người download phần mềm miễn phí. Trong vòng 5 năm, hơn 50 công ty thuộc top 100 công ty lớn nhất nước Mỹ đã sử dụng phẩm mềm McAfee và bắt đầu trả phí.

Tính tới năm 1990, phần mềm McAfee đã mang lại cho John 5 triệu USD. Với kiến thức lập trình và tài năng quảng cáo đã mang lại cho John khối tài sản khổng lồ. Năm 1992, công ty của John chính thức lên sàn chứng khoán Nasdaq, giá trị cổ phiếu lên tới 80 triệu USD.

Bi kịch cuộc đời của huyền thoại bảo mật: 1 bước trở thành triệu phú lẫy lừng nhưng vì lắm tài nhiều tật, kết thúc cuộc đời trong tăm tối - Ảnh 2.

Tuy nhiên đến năm 1994, John quyết định bán toàn bộ cổ phần của mình và rời công ty, điều này đã giúp ông đút túi khoảng 100 triệu USD.

Đến tháng 8/2010, Intel đã mua lại hãng bảo mật McAfee với giá 7,68 tỷ USD và quyết định đổi tên thành Intel Security. McAfee sau đó đã lên tiếng cảm ơn Intel vì đã đổi tên hãng bảo mật McAfee, vì ông không còn muốn dính dáng gì đến công ty do mình sáng lập.

"Giờ đây, tôi vô cùng biết ơn Intel vì đã giải phóng tôi khỏi mối liên hệ tồi tệ với phần mềm tệ hại nhất hành tinh này", McAfee phát biểu sau khi Intel mua lại và đổi tên công ty do ông sáng lập, điều này cho thấy McAfee đã không còn chút tâm huyết và mặn mà nào với "đứa con tinh thần" của mình.

Cuộc sống phóng túng, vướng vào vòng lao lý

Trong những năm tiếp theo, John có cuộc sống êm đềm với người vợ 2. Tại thung lũng Sillicon, các doanh nghiệp thường mời ông về để tư vấn chiến lược kinh doanh. ĐH Stanford viết hẳn 2 nghiên cứu về thành công của Công ty McAfee và thậm chí còn mời ông đến thuyết giảng. Ông còn mở một trung tâm yoga trong ngôi biệt thự rộng hàng nghìn m2, sau đó viết tới 4 cuốn sách về tâm linh.

Vào cuối những năm 2000, John bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống triệu phú khi sở hữu hàng loạt biệt thự, siêu xe, phi cơ riêng. Ông bắt đầu bán hết tài sản tại Mỹ để chuyển đến sống tại quốc gia Trung Mỹ Belize. Đến đầu năm 2012, ông vướng vào một loạt các vụ việc như sở hữu vũ khí bất hợp pháp, có mối quan hệ bất chính với những băng đảng tội phạm, tình nghi liên quan đến một vụ án giết người. Điều này đã khiến McAfee bỏ trốn khỏi đây và chuyển đến Guatemala. Tuy nhiên, McAfee đã bị bắt giữ tại Guatemala vì nhập cảnh trái phép và sau đó bị trục xuất về Mỹ.

Bi kịch cuộc đời của huyền thoại bảo mật: 1 bước trở thành triệu phú lẫy lừng nhưng vì lắm tài nhiều tật, kết thúc cuộc đời trong tăm tối - Ảnh 3.

Dẫu gặp nhiều rắc rối về pháp lý, năm 2015, John thông báo sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 2016. Thay vì tìm kiếm đề cử từ một đảng phái hiện nay ở Mỹ, McAfee cho biết ông sẽ ra tranh cử với tư cách thành viên của đảng phái do chính mình thành lập.

Sau thất bại năm 2016, McAfee từng có ý định tiếp tục tranh cử vào năm 2020, nhưng sau đó đã bỏ cuộc giữa chừng.

Những cuộc phiêu lưu của ông đi đến hồi kết. Tháng 10/2020, John bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) với cáo buộc trốn thuế. Ông bị cáo buộc trốn thuế trong nhiều năm thông qua nhiều hình thức. Ông cũng bị truy tố vì cố tình không kê khai thuế từ năm 2014 đến năm 2018.

Trước khi bị bắt giữ, John đã nhiều lần "khoe khoang" trên mạng xã hội về hành động trốn thuế của mình.

Đến ngày 23/6/2021, trong khi đang bị giam tại nhà tù thành phố Barcelona để chờ dẫn độ về Mỹ, John được phát hiện đã tử vong. Sự ra đi đột ngột của "huyền thoại bảo mật" đã khiến giới công nghệ rúng động tại thời điểm đó.

Tổng hợp

Theo Đinh Anh

Cùng chuyên mục
XEM