Bị khởi tố vì bán phở chậm đăng ký kinh doanh: Nếu thế này nhà tù nào chứa hết?

19/04/2016 19:51 PM | Kinh doanh

“Hành nghề nhiều năm, đọc xong thông tin này tôi không tin nổi đó là sự thật. Một vụ án có quá nhiều sai sót trong hoạt động tố tụng, từ việc xử lý vi phạm hành chính cho đến xử lý hình sự”- Luật sư Nguyễn Kiều Hưng nhận định.

Theo thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, anh Nguyễn Văn Tấn (cư ngụ quận Bình Tân) thuê mặt bằng tại địa chỉ C12/26 khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh để mở quán cà phê, ăn sáng, cơm trưa văn phòng. Ngày 8/8/2015, anh khai trương cửa tiệm. Chỉ sau 5 ngày khai trương, vào ngày 13/8/2015, hai chiến sĩ Công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra hành chính, lập biên bản vi phạm “kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Hoảng hồn, ngay hôm sau, anh lên UBND huyện đăng ký chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể. Chỉ 5 ngày sau, anh được UBND huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, với hành vi kinh doanh không phép theo biên bản kiểm tra ngày 13/8 trước đó, anh bị Trưởng Công an huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Quý ra quyết định xử phạt 17 triệu đồng! Sau đó, Công an huyện khởi tố bị can với anh.

Câu chuyện này khiến nhiều người giật mình. Từ những thông tin báo đăng, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM) về vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM)

Thưa ông, là luậ sư nhiều năm, ông cảm nhận gì khi đọc thông tin vụ án này?

Tôi không thể tin đó là sự thật. Một vụ án có quá nhiều vi phạm trong hoạt động tố tụng, từ xử phạt vi phạm hành chính cho đến khởi tố hình sự. Với cách xử lý từ tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính cho đến tạo căn cứ bằng cách xử phạt vi phạm hành chính lần 2 để truy cứu trách nhiệm hình sự, khiến dư luận nghi ngờ đến tính khách quan của vụ án. Về căn cứ khởi tố, tôi cho rằng hành vi này không có dấu hiệu của tội phạm, chưa đủ cơ sở để khởi tố vụ án. Hành vi “cố” khởi tố vụ án có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, khởi tố người không có tội.

Có quá nhiều vi phạm trong hoạt động tố tụng của cơ quan CSĐT – Công an huyện Bình Chánh. Việc “vạch lá tìm sâu” để xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh, rồi tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lần thứ 2 nhằm củng cố căn cứ để “hình sự hóa” vi phạm này, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về động cơ không trong sáng của các cán bộ, điều tra viên trong vụ án này.

Trong khi Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ tư tưởng tôn trọng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm và Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã bỏ Tội kinh doanh trái phép , thì hoạt động tố tụng của Công an huyện Bình Chánh chẳng khác gì đi ngược lại chủ trương, chính sách của nhà nước (?!).

Hành nghề nhiều năm, đọc xong thông tin này tôi không tin nổi đó là sự thật. Một vụ án có quá nhiều sai sót trong hoạt động tố tụng, từ việc xử lý vi phạm hành chính cho đến xử lý hình sự . Tôi có cảm giác như cơ quan CSĐT tìm mọi cách để “triệt” chỗ làm ăn của người bán phở (?!).

Nếu cứ phát hiện người kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ không đăng ký kinh doanh là tiến hành khởi tố, thì nhà tù nào mà chứa cho nổi. Một chuỗi hành vi từ xử phạt vi phạm hành chính cho đến lập căn cứ để khởi tố hình sự bằng cách xử lý vi phạm hành chính lần thứ 2 cho thấy, cơ quan CSĐT đang cố để “dẹp” quán phở này. Như chúng ta đã thấy Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây đã bỏ Tội kinh doanh trái phép, như một chính sách để khuyến khích sản xuất kinh doanh , thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là bộ luật này có hiệu lực, thì bỗng nhiên có một vụ án xuất hiện như đi ngược lại chính sách này. Về căn cứ khởi tố, nhận thấy hành vi của chủ quán phở chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự vì đơn thuần là vi phạm hành chính, và không có sự tái phạm trên cùng một hành vi. Mặt khác, việc xử phạt vi phạm hành chính lần 2 với các lỗi chỉ áp dụng đối với cơ sở đang kinh doanh, trong khi quán phở đã đóng cửa ngưng kinh doanh là trái pháp luật. Việc khởi tố một người khi không có tội có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp có thể bị xử lý hình sự.

Mới đây, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật hình sự 2015, theo đó đã bỏ tội danh "kinh doanh trái phép". Vậy vụ án này có đi ngược lại tinh thần chung của cả nước không?

Chắc chắn là thế, việc bỏ tội “Kinh doanh trái phép” ra khỏi BLHS 2015 như là một chủ trương, chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về quyền tự do trong kinh doanh, công dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Việc khởi tố hành vi này trước thời điểm có hiệu lực của BLHS 2015 chưa đến 3 tháng như một “cú đấm” vào chính sách này.

Có thể so sánh giữa hành vi này với tội trộm cắp dưới 2 triệu đồng, như hành trộm chó, hành vi móc túi tại bến xe, hành vi tham nhũng vặt của cán bộ công chức... nhiều hành vi khác khiến xã hội phẫn nộ nhưng không bị xét xử nghiêm minh?

Thật vậy, trong khi các hành vi gây phẫn nộ cho xã hội như hành vi trộm cắp tài sản có giá trị thấp, như trộm chó chẳng hạn thì không bị khởi tố hình sự, trong khi đó, trong khi nhà nước đang tìm mọi biện pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là chú trọng đến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ , thì việc khởi tố hành vi này chắc chắn sẽ gây bức xúc dư luận không kém.

Không phải chỉ có một người mà để đưa ra xét xử phải có cả một tập thể nhiều cơ quan tố tụng. Luật sư có đặt dấu hỏi gì không?

Tôi hơi bất ngờ, vì sao việc khởi tố này được phê chuẩn bởi viện kiểm sát, vì như đã phân tích chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này và quá trình xử lý vụ việc có dấu hiệu không khách quan. Tôi nghĩ, dư luận có quyền nghi ngờ về động cơ đằng sau của quyết định khởi tố này.

Cảm ơn luật sư!

Theo Hồng Chuyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
XEM