Bị đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm công suất vì giãn cách xã hội, nhờ đâu cổ phiếu một doanh nghiệp dệt may vẫn tăng gấp 3 lần sau 1 năm?

17/11/2021 08:06 AM | Kinh doanh

Thời điểm tháng 11 năm 2020 cổ phiếu STK ở mức giá khoảng 20.000 đồng, thì hiện nay được giao dịch mức 60.000 đồng.

Bức tranh chung của toàn ngành dệt may năm 2020 đậm màu ảm đạm khi đây chính là năm đầu tiên sau 25 năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%. Giá trị xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 35,2 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019. Điều này cũng là xu hướng chung của toàn thế giới khi tổng cầu giảm trên 22%, từ 740 tỷ USD, xuống 600 tỷ USD. Các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, thậm chí gần 30% nếu bị cách ly dài, thì mức giảm của Việt Nam còn khá ít.

Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng và khó khăn của toàn ngành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành này cũng không tránh khỏi tiêu cực. Không chỉ vậy do thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ, các công ty dệt may tại khu vực phía Nam chỉ chạy ở mức 50%-60% công suất trong Quý 3 năm 2021 do thiếu nhân công.

Tuy nhiên một điều khá bất ngờ là hàng loạt cổ phiếu thuộc mảng xơ sợi trong lĩnh vực dệt may lại tạo sóng trên thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua. Ví dụ cổ phiếu của công ty cổ phần Sợi thế kỷ tăng gấp 3 chỉ trong 1 năm. Thời điểm tháng 11 năm 2020 cổ phiếu STK ở mức giá khoảng 20.000 đồng thì hiện nay được giao dịch mức 60.000 đồng.

Vì sao bị đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm công suất vì giãn cách xã hội, cổ phiếu doanh nghiệp dệt may này vẫn tăng gấp 3 lần sau 1 năm? - Ảnh 1.

Không riêng Sợi thế kỷ, cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng, Tổng Công ty Việt Thắng cũng tăng giá liên tục

Vì sao có điều này?

Điểm mấu chốt nhất cho hiện tượng này sự kiện Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2302/QĐ-BCT ngày 13/10/2021 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu của Ấn Độ là 54,9%; Indonesia là 21,94%; Malaysia là 21,23%; Trung Quốc từ 3,36% - 17,45%.

Thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức là 5 năm kể từ ngày Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức có hiệu lực (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ trưởng Bộ Công Thương).

Trước đó, Bộ Công Thương đã tiến hành cuộc điều tra kéo dài hơn 1 năm cho thấy lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia gia tăng đột biến. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Trong báo cáo phân tích mới đây của VnDirect cũng chỉ rõ trong quý 3 vừa qua, Sợi thế kỷ đã phối hợp với một công ty tư vấn và làm việc với Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam về vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi polyester filament xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá sơ bộ được áp dụng từ ngày 21/9, sau đó thuế suất chính thức được công bố vào ngày 13/10.

Theo quyết định của Bộ Công Thương, hầu hết các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế chống bán phá giá 17,45%. Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu sợi tái chế chính của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng sợi polyester nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 156.500 tấn, chiếm 60% tổng lượng sợi polyester nhập khẩu của Việt Nam, trong đó có 20.000 tấn là sợi tái chế.

Vì sao bị đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm công suất vì giãn cách xã hội, cổ phiếu doanh nghiệp dệt may này vẫn tăng gấp 3 lần sau 1 năm? - Ảnh 2.
Vì sao bị đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm công suất vì giãn cách xã hội, cổ phiếu doanh nghiệp dệt may này vẫn tăng gấp 3 lần sau 1 năm? - Ảnh 3.

Theo ban lãnh đạo của Sợi thế kỷ, giá bán bình quân của sợi nhập khẩu từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn 10-12% so với giá bán của doanh nghiệp này. VnDirect kỳ vọng thuế chống bán phá giá sẽ là yếu tố hỗ trợ cho Sợi thế kỷ tăng thị phần tại thị trường nội địa và cải thiện biên lợi nhuận gộp trong năm 2022-2023.

Hàng rào thuế được dựng lên với mức từ 3,36% - 54,9% đã "cứu sống" ngành sợi trong nước. Điều này cũng được giới đầu tư tài chính là cú hích cho cổ phiếu ngành sợi hồi sinh.

Dưới tác động của chính sách này, những doanh nghiệp được hưởng lợi chính là các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may có quy trình khép kín từ sợi và những doanh nghiệp ngành sợi như Sợi thế kỷ.

Báo cáo tài chính cho thấy công ty này cũng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt vào dự án nhà máy Unitex GĐ1. Nhà máy này được kỳ vọng sẽ hoạt động với 80% công suất vào năm 2023. Theo ban lãnh đạo Sợ thế kỉ, dự án Unitex được khởi công xây dựng từ Qúy 4 năm 2021 và dự kiến chạy thử trong Qúy 4 năm 2022. VnDirect cho biết Sợi thế kỷ sẽ trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ 2 tại Việt Nam vào năm 2025. Công ty chứng khoán này cũng dự phóng lợi nhuận ròng của Sợi thế kỷ sẽ tăng trưởng kép 20,3% trong giai đoạn 2021-2024.

Vì sao bị đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm công suất vì giãn cách xã hội, cổ phiếu doanh nghiệp dệt may này vẫn tăng gấp 3 lần sau 1 năm? - Ảnh 4.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM