Bị "đàn em" TopZone phả hơi nóng, FPT Retail gấp rút mở rộng 50 cửa hàng chuyên bán đồ Apple

26/09/2022 14:05 PM | Kinh doanh

Nếu FPT Retail chạy đúng tiến độ thì đến cuối năm nay, F.Studio by FPT mới bắt kịp quy mô mà “đàn em” TopZone đã hoàn thành 6 tháng trước.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, Apple là hãng sản xuất smartphone đạt tăng trưởng cao nhất ở Việt Nam vào năm 2021 tăng 119% so với 2020. Thị phần từ 7% vào năm 2020 đã lên 11% trong năm 2021. Đáng nói nhất ở phân khúc smartphone cao cấp, Apple đang cho thấy thế gần như độc tôn của mình với 79% thị phần, theo số liệu của GfK công bố tháng 10/2021.

Apple cũng đang thể hiện sự quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam khi mới đây, lần đầu tiên thương hiệu này bổ nhiệm một Giám đốc Quốc gia (bà Hải Vân – cựu CEO Grab Việt Nam). Trước kia, thị trường Việt Nam được Apple quản lý bằng cách phân cho một giám đốc khu vực, phụ trách nhiều nước Đông Nam Á.

Cùng lúc đó, các ông lớn ngành bán lẻ điện tử bắt đầu tăng tốc để giành lợi thế trong cuộc chiến thị phần bán lẻ sản phẩm Apple.

Theo thông tin mới nhất từ FPT Retail, đến hết 2022, chuỗi chuyên bán đồ Apple là F.Studio by FPT sẽ mở rộng quy mô, nâng số lượng cửa hàng trên toàn quốc lên 50.

Bị "đàn em" TopZone phả hơi nóng, FPT Retail gấp rút mở rộng 50 cửa hàng chuyên bán đồ Apple - Ảnh 1.

Từ tháng 8/2022, FPT Retail đã mở rộng để nâng tầm các khu trải nghiệm công nghệ đạt chuẩn Apple toàn cầu. Theo đó, 04 cửa hàng F.Studio by FPT tại số 121 Lê Lợi (quận 1, TP. HCM), số 141 Trần Não (quận 2, TP. HCM), số 137 Tô Ngọc Vân (Thủ Đức, TP. HCM) và số 269 Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) đã được nâng cấp trở thành F.Studio Super Center. Các cửa hàng F.Studio Super Center có diện tích lớn hơn gấp đôi so với cửa hàng kiểu cũ và sở hữu thiết kế, bày trí theo chuẩn mới nhất của Apple.

Động thái này như cú nổ ga tăng tốc của FPT Retail, sau khi bị những người anh em cùng ngành cho “hít khói” thời gian vừa qua.

Bởi, thực tế, FPT Retail là đơn vị tiên phong trong việc mở cửa hàng chuyên bán đồ Apple theo tiêu chuẩn của hãng tại Việt Nam. Cửa hàng F.Studio by FPT đầu tiên được khai trương vào tháng 9/2012. Đến cuối năm 2017, trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu, lãnh đạo của FPT Retail cho biết sẽ mở 100 cửa hàng F.Studio vào năm 2020 vì thị trường Việt Nam đối với các sản phẩm của Apple rất tiềm năng. Nhưng đến thời điểm tháng 10/2021, sau 9 năm ròng rã, FPT Retail mới sở hữu 15 cửa hàng F.Studio.

Tháng 10/2021 cũng là thời điểm MWG mới “chân ướt chân ráo”  ra mắt cửa cửa hàng đầu tiên chỉ chuyên bày bán các sản phẩm của Apple, mang tên TopZone. TopZone ngay lập tức đưa ra mục tiêu mở khoảng 50-60 đến hết quý 2/2022. Với phong cách nói là làm và làm với tốc độ thần tốc, chỉ đến đầu tháng 6/2022, mục tiêu 50 chi nhánh đã hoàn thành.

Trong đó, MWG đặt mục tiêu sẽ thu về 1 tỷ USD doanh số riêng dòng sản phẩm này. Tương ứng, Apple sẽ đóng góp hơn 14% tổng doanh thu toàn Tập đoàn (theo kế hoạch, MWG dự đạt 7 tỷ USD doanh thu vào năm 2023).

Bị "đàn em" TopZone phả hơi nóng, FPT Retail gấp rút mở rộng 50 cửa hàng chuyên bán đồ Apple - Ảnh 2.

Như vậy, nếu FPT Retail chạy đúng tiến độ thì đến cuối năm nay, F.Studio by FPT mới bắt kịp quy mô mà “đàn em” TopZone đã hoàn thành 6 tháng trước. Chưa biết ai sẽ là tay đua chiếm lợi thế trên đường dài nhưng chắc chắn trong thời gian tới, người ta sẽ thấy sự cạnh tranh khốc liệt hơn giữa 2 nhà bán lẻ đang chiếm phần lớn thị phần này.

Ngay trong sự kiện ra mắt iPhone 14 vừa qua, MWG và FPT Retail cũng có màn so găng ấn tượng về lượng đặt hàng trước. TopZone tuyên bố ) chỉ sau 6 tiếng đồng hồ (tính đến 14h ngày 08/09) đã có đến hơn 10.000 người đăng ký mua iPhone 14 series. Còn tại FPT Shop, tính đến tối ngày 8/9, số đơn đăng ký suất sở hữu sớm iPhone 14 chính hãng đã lên đến gần 15.000 suất. Trong đó, hơn 2/3 tổng số lượt đăng ký chọn iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max.

Bên cạnh Top Zone và F.Studio by FPT, thị trường còn chứng kiến sự nổi lên nhân tố mới mang tên Shop Dunk. Thuộc Hesman Group, Shop Dunk cho biết mình đã trở thành nhà bán lẻ ủy quyền của Apple trong năm 2020 và mạnh dạn mở 12 cửa hàng trên 6 tỉnh thành, nhưng với 2021 họ mới mở mono-store đầu tiên với định dạng AAR. Đến cuối năm 2021, ShopDunk có 23 cửa hàng – trong đó có 6 mono store. Còn đến hiện tại, ShopDunk có 39 cửa hàng, nhưng không tiết lộ số cụ thể số mono store. Mục tiêu của ShopDunk là có 80 cửa hàng vào cuối năm 2022 với doanh thu từ các sản phẩm Apple vào khoảng 3.600 tỷ đồng.

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM