Bị cướp công trắng trợn, chịu chèn ép từ chính công ty cũ và chính phủ, phải nghiên cứu trong bí mật, nhà khoa học này đã tạo ra phát minh vĩ đại, trở thành ông tổ ngành kim cương nhân tạo

22/05/2019 10:42 AM | Kinh doanh

Vào cuối đời, ông Tracy Hall nghỉ hưu và trở về quê làm vườn. Khi được hỏi phát minh nào là vĩ đại nhất trong cuộc đời mình, nhà khoa học ở tuổi gần đất xa trời đã nói: “Gia đình và người thân mới là những thứ quý giá nhất trong cuộc đời tôi”.

H. Tracy Hall là một cái tên có lẽ không nhiều người biết đến nhưng lại vô cùng nổi tiếng trong giới trang sức và kim cương .

Ông Hall không phải một nhà sưu tầm, cũng không phải chuyên gia môi giới kim cương. Trên thực tế đây là nhà khoa học đã phát minh ra thiết bị sản xuất kim cương nhân tạo cho GE với cái giá... 25 USD.

Chế tạo kim cương

Năm 1772, nhà khoa học Antoine Lavoisier chứng minh được rằng kim cương chỉ được cấu tạo thuần túy từ carbon. Đến năm 1779, đến lượt nhà khoa học Smithson Tennant chứng minh lượng carbon tạo nên than chì (vốn cũng chỉ cấu tạo từ carbon), tương đương với kim cương.

Kể từ đây, một cuộc chạy đua chế tạo kim cương nhân tạo ra đời trong hơn 150 năm với đủ các thành phần tham gia, từ nhà khoa học, doanh nhân cho đến những kẻ lừa đảo.

Tuy vậy, chưa có ai thực sự thành công cho đến khi Tracy Hall bắt tay vào nghiên cứu.

Bị cướp công trắng trợn, chịu chèn ép từ chính công ty cũ và chính phủ, phải nghiên cứu trong bí mật, nhà khoa học này đã tạo ra phát minh vĩ đại, trở thành ông tổ ngành kim cương nhân tạo - Ảnh 1.

Kim cương và than đều có cấu tạo từ carbon, nhưng cấu trúc của kim cương bền vững hơn.

Howard Tracy Hall sinh năm 1919 tại Utah-Mỹ và ông đã thần tượng nhà sáng chế Thomas Edison từ bé. Trong thời niên thiếu, ông Hall cũng tuyên bố muốn được làm việc cho General Electric (GE), vốn nổi tiếng về các thiết bị và phát minh thời đó.

Sau khi trở thành giáo sư vào năm 1948 tại trường đại học Utah, ông Hall đã thực hiện được ước mơ của mình khi GE thuê ông vào làm dự án nghiên cứu chế tạo kim cương nhân tạo ở phòng thí nghiệm New York.

Khi mới đến đây, hãng GE đã tự hào giới thiệu một chiếc máy có giá 125.000 USD (1,17 triệu USD theo tỷ giá hiện hành) có thể tạo ra sức ép 1,6 triệu pound/inch2 để chế tạo kim cương nhân tạo.

Hãng GE đã phải xây dựng 3 khu nhà để chứa chiếc máy khổng lồ này cũng như đầu tư rất nhiều tiền bạc để thực hiện hàng loạt những thử nghiệm thất bại.

Tuy nhiên, ông Hall không mấy ấn tượng lắm với chiếc máy này khi cho rằng mọi người đang làm sai cách. Ông sử dụng một chiếc máy nén Watson-Stillman đời cũ đã 35 năm tuổi và phát triển một hệ thống mới mà ông cho rằng có thể đem lại thành công.

Bị cướp công trắng trợn, chịu chèn ép từ chính công ty cũ và chính phủ, phải nghiên cứu trong bí mật, nhà khoa học này đã tạo ra phát minh vĩ đại, trở thành ông tổ ngành kim cương nhân tạo - Ảnh 2.

Nhà khoa học Hall đã đệ trình ý tưởng này lên cấp trên tại GE và chỉ xin 1.000 USD để hoàn thành dự án, nhưng những nhà lãnh đạo công ty cũng như các đồng nghiệp tốt nghiệp từ các trường nổi tiếng không tin tưởng ông. Họ cho rằng những cỗ máy khổng lồ, tối tân, đắt tiền mới là hướng đi chuẩn xác.

Hãng GE không những từ chối cấp tiền cho ông Hall mà còn tước quyền ưu tiên sử dụng máy nén của ông, khiến nhà khoa học này gặp khó khi muốn thử nghiệm ý tưởng.

Bất chấp những khó khăn đó, ông Hall đã nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp để tự xây dựng nên chiếc máy nén thử nghiệm cho riêng mình. Hàng loạt những thử nghiệm đã thất bại cho đến ngày 16/12/1954.

Tại thời điểm đó, tất cả nhân viên GE đã về nhà để hưởng dịp lễ Giáng sinh ngoại trừ ông Hall. Khi mở chiếc máy nén thử nghiệm của mình, ông bất ngờ phát hiện kim cương nằm trong đó.

“Tay tôi run lên, tim tôi đập thình thịch, đầu gối như nhũn ra và tôi dường như chỉ muốn ngã xuống. Mắt tôi bị thu hút bởi sự lấp lánh từ những miếng trông như pha lê (trong lò thí nghiệm)”, ông Hall nhớ lại.

Bị cướp công trắng trợn, chịu chèn ép từ chính công ty cũ và chính phủ, phải nghiên cứu trong bí mật, nhà khoa học này đã tạo ra phát minh vĩ đại, trở thành ông tổ ngành kim cương nhân tạo - Ảnh 3.


Khi công ty không coi trọng đóng góp của bạn

Sau khi thành công với thí nghiệm này, ông Hall đã thử nghiệm rất nhiều lần để đảm bảo tính chính xác. Thậm chí ông đã thuyết phục người đồng nghiệp Hugh H.Woodbury xây dựng lại máy nén theo mô hình của mình và thí nghiệm cho ra tương tự như vậy.

Khi hãng GE được thông báo về kết quả thí nghiệm, họ hầu như chả mấy quan tâm bởi những lãnh đạo của công ty không tin một chiếc máy có thể dễ dàng xây dựng trong gara để xe của bất kỳ nhà nào đó lại làm ra được kim cương nhân tạo.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo GE đã phải thừa nhận ông Hall đã đúng khi chứng kiến tận mắt thành quả thí nghiệm.

Trớ trêu thay, hãng GE không muốn thừa nhận rằng họ sai lầm, rằng công ty đã chi hàng trăm nghìn USD một cách lãng phí trong khi từ chối phát minh thành công với giá chỉ khoảng 1.000 USD.

Đây là điều dễ hiểu khi ban giám đốc GE phải giải trình trước đại hội cổ đông về những khoản tiền đã làm, và việc phung phí tiền khi không nghe lời nhà khoa học Hall là một điều khó chấp nhận.

Bị cướp công trắng trợn, chịu chèn ép từ chính công ty cũ và chính phủ, phải nghiên cứu trong bí mật, nhà khoa học này đã tạo ra phát minh vĩ đại, trở thành ông tổ ngành kim cương nhân tạo - Ảnh 4.

Ông Tracy Hall khi đã về già

Vì vậy, công ty đã tuyên bố với giới truyền thông vào năm 1955 rằng họ tìm ra cách chế tạo kim cương nhân tạo nhờ công lao của “tập thể”, rằng công ty đã phải tốn rất nhiều tiền để đi đến thành công như hôm nay.

Thông thường, nếu công ty muốn lấy đi danh tiếng của Hall hay che giấu sự thật, họ nên đền bù xứng đáng cho “công thần” của mình bằng thứ khác, ví dụ như tài chính. Dẫu vậy, thứ duy nhất mà ông Hall nhận được là một tờ trái phiếu công ty trị giá 25 USD (nguồn chính thức từ H.Tracy Hall Foundation chứ không phải 10 USD như nhiều trang đã đưa, tương đương khoảng 200 USD theo tỷ giá hiện hành).


Khó khăn không cản được thành công

Quá thất vọng trước cách đối xử của GE, ông Hall quyết định rời bỏ công ty dù nhiều khả năng mình sẽ được thăng chức, sẽ được lãnh đạo một nhóm phát triển riêng và thậm chí nhận được giải Nobel với sự trợ giúp từ GE.

Sau đó, ông Hall tiếp tục có những nghiên cứu cho mảng kim cương nhân tạo. Tuy vậy, do lo sợ mọi chuyện bại lộ cũng như ảnh hưởng đến uy tín công ty, GE đã gây áp lực với chính phủ Mỹ để buộc ông Hall không được tiếp tục thí nghiệm cũng như tiết lộ thông tin với lý do: Phát minh này quá quan trọng đối với kinh tế Mỹ.

Bất chấp những yếu tố đó, ông Hall vẫn bí mật phát minh ra thiết bị máy nén mới có hiệu quả hơn so với phiên bản cũ mà mình từng làm cho GE, đồng thời không hề vi phạm về luật bản quyền mô hình máy nén cũ của GE. Sau đó, ông Hall đăng tải những phát minh của mình lên một tạp chí khoa học.

Bị cướp công trắng trợn, chịu chèn ép từ chính công ty cũ và chính phủ, phải nghiên cứu trong bí mật, nhà khoa học này đã tạo ra phát minh vĩ đại, trở thành ông tổ ngành kim cương nhân tạo - Ảnh 5.

Ông Hall và những người đồng sáng lập MegaDiamond

Sau những phát minh này, ông Hall có nguy cơ đối mặt với bản án 2 năm tù giam và khoản tiền phạt 10.000 USD (khoảng 88.000 USD ngày nay) do vi phạm các lệnh cấm. Chính phủ Mỹ cũng áp dụng các lệnh giữ bí mật, cấm tiết lộ thông tin tương tự lên những phát minh mới này.

Thậm chí ngay sau khi công bố sáng chế của mình, hàng loạt các ông lớn trong ngành, từ hàng không vũ trụ, công nghiệp đều quan tâm đến kỹ thuật này bởi kim cương với độ cứng của nó có thể ứng dụng cho nhiều mục đích. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến chính phủ Mỹ khi đó cấm Hall tiết lộ công nghệ mới.

Mặc dù vậy, trước áp lực của dư luận và cộng đồng khoa học, chính phủ Mỹ đã buộc phải dỡ bỏ những lệnh cấm trên cũng như công nhận các thành quả của ông Hall sau đó vài tháng.

Nhờ phát minh vĩ đại này, nhà khoa học Hall đã kiếm được nhiều triệu USD cũng như sáng lập ra tập đoàn sản xuất kim cương MegaDiamond vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Vào cuối đời, ông Hall nghỉ hưu và trở về quê làm vườn. Khi được hỏi phát minh nào là vĩ đại nhất trong cuộc đời mình, nhà khoa học ở tuổi gần đất xa trời đã nói: “Gia đình và người thân mới là những thứ quý giá nhất trong cuộc đời tôi”.

Sau khi nghiên cứu cải tiến công nghệ chế tạo kim cương nhân tạo thành công, nhà phát minh Hall quay trở về làm giáo sư trường Brigham Young University và tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học của mình. Sau đó ông đã đăng ký đến 19 bằng sáng chế cũng như nhận được vô số giải thưởng danh giá khác nhờ đóng góp cho nền công nghệ thế giới.

Năm 2008, ông Hall qua đời ở tuổi 88, để lại sau lưng cả một di sản to lớn. Hầu hết những kim cương nhân tạo ngày nay đều được sản xuất trên nền tảng kỹ thuật do Hall phát minh.

AB

Cùng chuyên mục
XEM