Sẽ sửa lại biểu giá điện bậc thang

22/05/2019 09:30 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về công tác điều hành giá điện, Chính phủ cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 đã được thực hiện theo đúng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào các quy định của Luật Điện lực và một số nghị quyết của Quốc hội. Nếu tính đủ các khoản chênh lệch tỷ giá, giá điện đáng lẽ còn tăng cao hơn. Đồng thời Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện bậc thang cho phù hợp.

Theo báo cáo của Chính phủ, lần gần nhất giá điện được điều chỉnh theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương. Trong năm 2018, mặc dù giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng nhưng Chính phủ đã chỉ đạo không điều chỉnh giá bán lẻ điện. Chính phủ cũng đã chỉ đạo EVN điều hành tối ưu hệ thống, khai thác tối đa nguồn thủy điện theo tình hình thủy văn, giảm tổn thất, tiết kiệm chi phí 7,5% và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động. Tổng các khoản tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, doanh thu hoạt động tài chính năm 2017 của EVN khoảng 2.228 tỷ đồng; năm 2018 khoảng 2.326 tỷ đồng làm giảm giá thành tương ứng khoảng 11-12 đồng/kWh, tương đương khoảng 0,68%-0,69% so với giá bán lẻ điện bình quân năm.

Về thông tin cho rằng giá điện “gánh” các chi phí, lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN, báo cáo của Chính phủ cho hay, theo báo cáo của EVN tại Văn bản số 2586 ngày 21/5/2019, các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành. Cụ thể, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, khi đưa các thông số đầu vào tính giá điện, Chính phủ đã đồng ý với Bộ Công Thương cho EVN phân bổ 753,97 tỷ đồng trong tổng số khoảng 1.487,94 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2015 và toàn bộ chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện năm 2017 (3.070,9 tỷ đồng) của các nhà máy điện vào năm 2019.

Đề cập tới giá thành sản xuất điện, Chính phủ cho hay, các yếu tố đầu vào đã khiến chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, giá than bán cho điện (2 lần tăng từ đầu năm 2019 và giá than trộn nội địa với nhập khẩu) làm chi phí mua điện tăng hơn 7.330 tỷ đồng. Chi phí tăng do giá khí và dầu gần 7.390 tỷ đồng; tỷ giá và chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện khoảng 5.050 tỷ đồng...

Báo cáo của Chính phủ cũng lưu ý, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% vừa qua chưa gồm chênh lệch tỷ giá mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện, khoảng 3.266 tỷ đồng. “Nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá mua bán điện hơn 7.090 tỷ đồng và khi đó giá bán lẻ điện bình quân 2019 sẽ khoảng 1.879,9 đồng một kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%. Để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… đều áp dụng giá điện theo các bậc thang và giá điện theo bậc thang sau cao hơn so với bậc thang đầu, tương tự như Việt Nam. Như tại bang California (Mỹ), giá điện hộ gia đình áp dụng giá 3 bậc tăng dần từ 19 cent/kWh lên đến 42 cent/kWh với giá bậc cao nhất gấp 2,2 lần so với bậc 1. Còn tại Hàn Quốc, bên cạnh giá cố định phải trả hàng tháng, khách hàng còn trả thêm giá biến đổi với 3 bậc tăng dần với bậc 1 (mức tiêu thụ 1-200 kWh/tháng) là 93,3 won/kWh, bậc cao nhất (mức tiêu thụ trên 400 kWh/tháng) là 280,6 won/kWh cao gấp 3 lần bậc 1.

“Bộ Công Thương đã xem xét, kiểm tra tính toán điều chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các kịch bản giảm từ 6 bậc xuống 5, 4, 3 bậc. Kết quả tính toán các kịch bản cho thấy việc điều chỉnh số bậc sẽ ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập trung bình, thấp dưới 100 kWh và từ 201 - 300 kWh/tháng”, Chính phủ cho hay.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.

Theo Phạm Tuyên

Cùng chuyên mục
XEM