Bị cáo Lê Thanh Thản muốn bị hại... ổn định
Bị cáo Lê Thanh Thản đề nghị TP Hà Nội cho phép cư dân tiếp tục sử dụng các căn hộ và phía công ty sẽ làm các thủ tục tiếp theo
Ngày 10-8, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes - về tội "Lừa dối khách hàng". Có 143 người dân có mặt tại tòa với tư cách bị hại.
Gian dối về pháp lý
Cùng vụ án, 6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Họ gồm Đỗ Văn Hưng, cựu chủ tịch phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội; 2 cựu phó chủ tịch phường này là Nguyễn Duy Uyển, Bùi Văn Bằng; cựu chánh thanh tra xây dựng quận Hà Đông Nguyễn Văn Năm; cựu phó chánh thanh tra và cựu cán bộ thanh tra Vương Văn Quân, Mai Bài.
Bị cáo Lê Thanh Thản tại tòa
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 10-2010, ông Lê Thanh Thản là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty Bemes đã chỉ đạo tổ chức thi công dự án CT6 Kiến Hưng (phường Kiến Hưng) vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 mà UBND cấp tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng không đúng quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Từ tháng 3-2011, ông Lê Thanh Thản đã quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án với nội dung: Dự án được phê duyệt, thiết kế căn hộ và thiết kế công trình tuân thủ các quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã bao gồm giá trị quyền sử dụng đất... Điều này khiến khách hàng tin tưởng và mua các căn hộ của dự án CT6 Kiến Hưng.
VKSND cáo buộc ông Lê Thanh Thản đã bán 488 căn hộ cho 488 khách hàng và thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 481 tỉ đồng.
Đây cũng là số tiền gây thiệt hại cho 488 khách hàng, trong đó bao gồm giá trị quyền sử dụng đất là trên 56,5 tỉ đồng.
Vẫn làm khi chưa được phê duyệt
Tại tòa, bị cáo Lê Thanh Thản thừa nhận mình là người trực tiếp điều hành, chịu trách nhiệm tại Công ty Bemes khi triển khai xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng. Bị cáo nói Công ty Bemes đã xây dựng đúng quy hoạch được phê duyệt, với 3 block chung cư, trong đó một block làm khách sạn và văn phòng cho thuê. Trong quá trình triển khai, do nhận thấy không thể kinh doanh khách sạn, công ty đã đề nghị TP Hà Nội cho chuyển công năng thành căn hộ.
Theo bị cáo, lúc bấy giờ nghĩ xây dựng khách sạn, văn phòng ở giữa các căn hộ là không hợp lý nên đã xin chính quyền chuyển đổi ở giữa thành căn hộ. Sau đó, Công ty Bemes bắt tay vào xây dựng ngay và không làm các thủ tục tiếp theo dẫn đến sai phạm bây giờ. "Ở đây không phải sai quy hoạch mà sai công năng, còn kết cấu của tòa nhà, diện tích không thay đổi" - bị cáo Thản nói và trần tình "khi công trình hoàn thành rồi, nghĩ vậy là xong".
"Trước bục khai báo, khi được chất vấn, bị cáo Lê Thanh Thản nhiều lần không nghe rõ câu hỏi của chủ tọa phiên tòa.
HĐXX đặt câu hỏi trong quá trình ký hợp đồng chuyển nhượng, phía Công ty Bemes có khẳng định xây dựng đúng quy hoạch không. Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh đáp công ty khẳng định làm đúng quy hoạch, đã làm các thủ tục nhưng chưa được phê duyệt. Qua đó, bị cáo Lê Thanh Thản mong muốn tòa án, TP Hà Nội chấp thuận cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho cư dân.
Đối với cáo buộc thu lời bất chính hơn 480 tỉ đồng từ việc bán các căn hộ sai phạm, bị cáo Lê Thanh Thản cho rằng chưa hợp lý. Lý do, theo bị cáo, quá trình xây dựng công trình sai phạm đã chi số tiền gần 200 tỉ đồng như tiền mua đất, tiền thuê nhân công, vật liệu xây dựng nên đề nghị HĐXX xem xét việc này.
Về hướng ứng xử đối với cư dân, ông Thản cho biết công ty đã đề nghị 3 phương án nhưng chưa thỏa thuận, lựa chọn được phương án nào.
Trong đó, nếu những căn hộ xây sai quy hoạch không được cấp sổ đỏ thì công ty đền bù bằng cách xin đổi cho người dân căn hộ ở khu Thanh Hà (huyện Thanh Oai); hoặc công ty mua lại căn hộ theo giá trị hợp đồng chuyển nhượng... Bị cáo đề nghị TP Hà Nội cho phép cư dân tiếp tục sử dụng các căn hộ và phía công ty sẽ làm các thủ tục tiếp theo.
Tuy nhiên, sau việc trả lời của ông Thản, được HĐXX xét hỏi, chị Đinh Thị Nguyệt (bị hại) cho biết khi mua nhà của chủ đầu tư thì được khẳng định nhà có giấy tờ pháp lý rõ ràng, được cấp sổ đỏ nhưng khi chị đi làm thủ tục cấp sổ đỏ, cơ quan chức năng nói do tòa nhà sai phạm nên không được cấp.
"480 tỉ đồng là số tiền chúng tôi đã bỏ ra mua. Tuy nhiên, 10 năm qua chúng tôi không có sổ để thế chấp ngân hàng, con cái không được đi học đúng tuyến, không có tạm trú, không có chỗ ở hợp pháp. Nếu trả lại số tiền 10 năm trước chúng tôi mua thì giờ không thể mua được căn nào" - chị Nguyệt nói và đề nghị HĐXX có bản án khách quan, không tách ra vụ án dân sự khác.
Hỏi thêm một số bị hại khác, HĐXX hội ý. Sau hội ý, HĐXX thông báo do cần làm rõ một số vấn đề mà tại tòa không thể làm rõ được nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.