Bí ẩn tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn, nhân viên khu di tích ‘không dám nhìn vào mặt ngài’

19/06/2022 11:40 AM | Xã hội

Bức tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn có gì kỳ lạ? Vì sao xung quanh bức tượng lại xuất hiện lời đồn kỳ lạ như vậy?

Ở xã Hiền Lương, huyện Hà Hòa, tỉnh Phú Thọ hiện có một ngôi đình với tên gọi là Đình Đức Ông, gắn với bức tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn với nhiều bí ẩn.

Bức tượng đặc biệt

Đình Đức Ông là một thành tố trong không gian văn hóa Di tích Lịch sử quốc gia Đền Mẫu Âu Cơ .

Ít ai biết được rằng, đình Đức Ông là nơi thờ Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn cùng 2 con trai của ngài là Hùng Trấn Quý Minh và Hùng Trấn Bảo Quốc. Đặc biệt, xung quanh bức tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn được đặt trong đình có rất nhiều câu chuyện kỳ thú.

 Bí ẩn tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn, nhân viên khu di tích ‘không dám nhìn vào mặt ngài’ - Ảnh 1.

Các nhân viên quản lý di tích chưa bao giờ dám nhìn vào mặt của bức tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn. (Ảnh: Hiếu Trần)

Nhà nghiên cứu lịch sử Hiếu Trần chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng, các nhân viên quản lý di tích tại nơi thờ bức tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn cho biết, họ chưa bao giờ dám nhìn vào mặt của ngài.

Bức tượng này có gì kỳ lạ? Vì sao lại xuất hiện lời đồn như vậy?

Bức tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn được điêu khắc rất độc đáo tinh tế, hoa văn áo có cả phủ phất tông di nhật nguyệt. Trông như tạc theo một nguyên mẫu thật, có nhiều điểm khác với những bức tượng Việt cổ khác. Trên áo của ngài ngoài các hình chạm rồng, phượng, còn có nhiều biểu tượng ít gặp ở những bức tượng khác. Móng tay của ngài được sơn màu đen và rất dài.

 Bí ẩn tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn, nhân viên khu di tích ‘không dám nhìn vào mặt ngài’ - Ảnh 2.

Bức tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn hiện đang được thờ tại đình Đức Ông, ở xã Hiền Lương, huyện Hà Hòa, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Bachviet)

Khuôn mặt của ngài vô cùng sinh động. Đặc biệt là đôi mắt của ngài rất có hồn, uy nghiêm và rất có thể là mới được thêm vào. Ngài có 1 đôi tai rất dài, to tựa như tai của Đức Phật.

Nhìn từ bên ngoài, bức tượng có thể thấy rõ 2 lớp sơn gồm: 1 lớp sơn son bên trong, bên ngoài là lớp sơn màu da người. Sau nhiều năm lớp ngoài nứt nẻ chân chim làm lộ ra lớp sơn son đỏ bên trong. Nhìn giống như mạch máu chảy bên dưới. Có lẽ, những dấu hiệu của thời gian hiện hữu trên bức tượng của ngài chân thật như vậy nên mới khiến người ngoài nhìn vào cảm thấy đáng sợ.

 Bí ẩn tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn, nhân viên khu di tích ‘không dám nhìn vào mặt ngài’ - Ảnh 3.

Đình Đức Ông là một thành tố trong không gian văn hóa Di tích Lịch sử quốc gia Đền Mẫu Âu Cơ. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)

Nhà nghiên cứu Hiếu Trần lý giải: Bức tượng cổ cũng khoảng 200 năm nên lớp phấn trên tay và mặt rạn nhiều nên thế. Lớp sơn da mặt, chân tay bên ngoài là được quét bởi lớp sơn hồng phấn theo công thức đã thất truyền. Khi mới sơn thì lớp bề mặt sẽ nhẵn thín, nhưng theo thời gian, chỉ vài chục năm sau lớp sơn này sẽ nứt ra tạo thành những vết tựa như chân chim.

Hiện nay rất nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu cách làm loại sơn này nhưng đều chưa thành công.

Vậy đức ông Đột Ngột Cao Sơn là ai?

Truyền thuyết về Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn

Trong truyền thuyết Việt Nam, Cao Sơn đại vương hay thần Cao Sơn là tên gọi của nhiều vị thần khác nhau. Trong các di tích ở Việt Nam, có ít nhất 5 vị Cao Sơn đang được thờ cúng. Đó là: Thần Cao Sơn thời Hùng Vương thứ nhất, Thần Cao Sơn thời Hùng Vương thứ 18, Tướng Cao Sơn thời nhà Đinh, Tướng Cao Sơn người Trung Quốc sang Việt Nam thời nhà Hồ và Thần Cao Sơn ở Chí Linh, Hải Dương.

Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn có phải là 1 trong số 5 vị này không?

Theo trang Cổng thông tin Điện tử tỉnh Phú Thọ, tương truyền, Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn - con trai thứ 2 của Mẫu Âu Cơ, là người đã ở lại trang Hiền Lương, giúp dân đánh đuổi quân giặc, đem lại cuộc sống ấm no, thái bình. Để tưởng nhớ công lao của Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn, nhân dân đã xây dựng ngôi đình làm nơi thờ tự ông cùng 2 người con trai. Ngôi đình này gọi là đình Đức Ông.

 Bí ẩn tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn, nhân viên khu di tích ‘không dám nhìn vào mặt ngài’ - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự lễ tế Tam vị Đức Ông. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)

Còn theo thần tích của xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ, khi xưa, các tổ mở nước, tên hiệu Hồng Bàng, cho tới Nam Việt 18 thánh vương, khởi đầu tên nước Xích Quỷ, truyền ngôi tới thánh Lạc Long Quân , húy là Sùng Lãm. Vương lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm trai. Vương nói với nàng Cơ: Nàng là chủng Tiên, nước lửa tương khắc, khó mà tương hợp. Bèn chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về biển, giữ người con trai trưởng ở lại, cũng đều hóa là thần.

Đột Ngột Cao Sơn thánh vương sinh giáng các con là Hùng Trấn Quý Minh, Hùng Trấn Bảo Quốc. Tên hiệu sáng tỏ ngàn thu trong tín sử, vạn cổ vang tiếng linh thanh, quyết sáng mưu lớn, thêm công bớt nợ, đuổi di át giặc, quốc tộ dài lâu, phương sách trải lành vậy. Trở về Phong Châu, kinh đô Việt Thường, đúc điềm thánh thụy. Vào năm Nhâm Thìn tháng 2 ngày 10, ngày mộc dục là ngày 11, ứng kỳ mà sinh. Ngày này hương thơm bay khắp.

Người người vui mừng. Xưa có thơ rằng:

Một bào sinh giáng hai huynh đệ

Vạn cổ sáng ngời một thánh thần.

Thời Cao Sơn ngự trị, thiên hạ thái bình, nhân dân giàu đủ, định ra luật nước,chế ra nghi lễ triều đình, lập các trang trại, dựng nên miếu đền. Đến năm Giáp Ngọ tháng 8 ngày 23, tự nhiên bỗng thấy Trấn Quý Minh, Trấn Bảo Quốc không bệnh mà hóa mất. Vua cha Cao Sơn thương tiếc vô cùng, tới năm Ất Mùi tháng 3 ngày 20, chợt thấy trời mây che tối, gió mưa sấm chớp, mà hóa.

 Bí ẩn tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn, nhân viên khu di tích ‘không dám nhìn vào mặt ngài’ - Ảnh 5.

Đền mẫu Âu Cơ nhìn từ trên cao. (Ảnh: Nemtv)

Trong triều quần thần họp lại, lập thái tử lên ngôi, mới phát phong thần, sắc cho các quận trang 320 đền. Vua cấp lộc thang mộc, cử Quốc sư đến sắc phong thần. Khi qua trang Hiền Lương quận Hạ Hoa báo cho phụ lão ở đây, cấp tiền 50 quan, dựng lập đình miếu. Xem xét địa lý khu vực đồng nội này, chỗ khu đất cao độc lập, núi ngang sông liền, lập một lầu gác, nằm hướng Canh Giáp, nơi có nước chảy ngược án trước tiền đường, sau ôm lấy đất rồng phát anh hào. Nhân dân thanh tú, nhân vật mạnh giàu. Giao cho trang Hiền Lương phụng thờ. Nêu rõ thượng đẳng thần, lúc sinh thời có võ công, khi mất rất linh thiêng, giúp phù cho đất nước. Hóa ở nơi trang này, lập làm điển thờ tôn nghiêm, bảo hộ cho nhân dân, nên khiến lập thờ cúng khắp nơi.

Còn trong "Việt Nam Sử Kí", cái tên Đột Ngột Cao Sơn cũng từng được nhắc tới. Theo đó, trong 18 đời vua Hùng của nước Việt cổ, Đột Ngột Cao Sơn là vị Vương đứng đầu "bách vương" (trăm người con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ), được lập làm Hùng Vương thứ nhất. Tên mỹ tự truy phong của ngài là Thánh Tổ Hùng Vương Nam Thiên Thượng Thánh Tiền Hoàng Đế Khai Quốc Hồng Đồ Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị Nhất Thập Bát thế Thánh Vương.

Phần thứ nhất trong bản Ngọc phả có tên "Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền tự điển", có ghi chép đầy đủ các tên gọi, ngày sinh, thời gian trị vì của các đời vua Hùng. Theo cuốn điển thờ này, Đột Ngột Cao Sơn là mỹ tự truy phong (tên thờ) của Hùng Quốc Vương - người con trưởng trong trăm người con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Theo Nguyệt Phạm

Từ khóa:  chùa
Cùng chuyên mục
XEM