Bí ẩn đằng sau tỷ lệ tự tử cao ở trẻ em Nhật Bản
Tỉ lệ trẻ em và thiếu niên Nhật Bản tự tử đang tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua. Vì sao vậy?
Đối với người phương Tây, ngày 1 tháng 9 là một ngày bình thường. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, nó mang một gánh nặng đau thương. Đó là ngày mà nhiều trường học của Nhật Bản mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ hè, cũng là ngày mà trẻ em Nhật Bản có nhiều khả năng tự sát nhất.
Một nghiên cứu được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố đã xem xét hơn 18.000 vụ tự tử của đất nước từ năm 1972-2013 và thấy rằng có 131 vụ tự tử xảy ra vào ngày 1/9, nhiều hơn 32 vụ so với những ngày xảy ra tự tử nhiều tiếp theo. Lập bản đồ tần suất, các nhà nghiên cứu nhận thấy số vụ tự tử cao hơn rõ rệt vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 cũng như vào giữa tháng 4. Những thời điểm này trùng với ngày các trường học mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ hè và khi các trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ xuân.
Tỷ lệ tự sát nói chung của Nhật Bản cao hơn khoảng 60% so với mức trung bình toàn cầu, theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2014. Chỉ trong năm 2014, đã có 25.000 người Nhật Bản tự tước đi mạng sống của mình - tương đương khoảng 70 vụ tự tử mỗi ngày. Năm 2014, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em Nhật Bản trong độ tuổi từ 10 đến 19. Trong số thanh thiếu niên và thanh niên tuổi từ 10-24, có khoảng 4.600 ca tử vong tự tử mỗi năm, và 157.000 trường hợp khác bị thương phải nhập viện.
Không như ở phương Tây, tự sát có một vai trò khác trong di sản văn hóa của Nhật Bản. Trong nhiều thế kỷ, "seppuku", một dạng tự tử nghi lễ, gắn liền với hình tượng võ sĩ Samurai của Nhật Bản, là một cách để các võ sĩ đạo tránh bị bắt giữ và để lại tinh thần hiệp sĩ. Đó là một nền tảng văn hóa có thể đã dẫn đến sự ra đời của thế hệ phi công liều chết (kamikaze) trong Thế chiến thứ hai. Không giống như ở các quốc gia phương Tây, nơi học thuyết Kitô giáo tuyên bố tự tử là một tội lỗi, thì ở Nhật Bản tự tử được xem như là một cách để chịu trách nhiệm.
Điều đó giúp giải thích tỷ lệ tự tử cao của toàn xã hội Nhật Bản. Nhưng ngay cả khi tỷ lệ tự tử trong dân số nói chung của Nhật Bản đã giảm, nó vẫn tăng lên trong lứa tuổi đi học. Theo nghiên cứu của Giáo sư Đại học Hokkaido Kenzo Denda, 1/112 trẻ em tiểu học ở độ tuổi tiểu học Nhật Bản, và 1/4 học sinh trung học cơ sở bị trầm cảm lâm sàng.
Một số quan chức đưa ra giả thuyết rằng các vấn đề liên quan đến trường học, chẳng hạn như tệ bắt nạt, đã góp phần vào cuộc khủng hoảng tự sát ở thiếu niên. Đối với các nạn nhân bị bắt nạt, việc trở lại trường sau một kỳ nghỉ dài có thể trở thành một nỗi ám ảnh tồi tệ. Sau khi thu thập những mẩu thư tuyệt mệnh trong các vụ tự sát năm 2006, cảnh sát nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ về số học sinh đổ lỗi cho áp lực của nhà trường. Những vấn đề liên quan đến trường học này ảnh hưởng đến trẻ em ở mọi lứa tuổi, dù là ở tiểu học hay trung học.
Ngoài ra, sự năng động của lối tư duy tập thể - vốn là động lực trung tâm của xã hội Nhật Bản, trong đó nhận dạng cá nhân được hy sinh vì lợi ích của một tập thể lớn hơn. Kết quả của lối tư duy này dẫn đến sự kỳ thị đối với những thành viên không phù hợp trong tập thể. Bác sĩ tâm thần trẻ em, Tiến sĩ Ken Takaoka giải thích với CNN, trường học ưu tiên cho chủ nghĩa tập thể này, và "những đứa trẻ không tham gia vào một nhóm sẽ bị ảnh hưởng".
Các xu hướng văn hóa khác, như "hikikomori", một hình thức rút khỏi xã hội, cũng làm nặng thêm vấn đề. "Hikikomori" khiến một số học sinh cảm thấy bị cô lập và khó trút bỏ nỗi niềm. Khi bế tắc, những học sinh đó tin rằng các em không được phép phàn nàn, chia sẻ, mà tự nội tâm hóa các vấn đề của mình thay vì tìm sự giúp đỡ. Do đó, các em gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc, ngăn cản cảm xúc được xử lý một cách lành mạnh, dẫn đến các vấn đề trầm cảm. Các em cũng đồng thời tìm cách che giấu các vấn đề sức khỏe tâm thần với thế giới bên ngoài.
Trong khi đó, nền tảng của hệ thống sức khỏe tâm thần của Nhật Bản cũng chưa phát triển mạnh. Phóng viên BBC đã báo cáo rằng Nhật Bản vốn rất thiếu bác sĩ tâm lý học, và đội ngũ bác sĩ này lại hiếm khi phối hợp với các nhà tâm lý lâm sàng.
Vấn đề tự sát ở thanh thiếu niên cũng không phải là ngoại lệ đối với các quốc gia khác. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc năm 2014, cứ sau 40 giây lại xảy ra một vụ tự sát ở nơi nào đó trên thế giới, và có tới hơn 800.000 vụ tự tử mỗi năm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các vụ tự tử chiếm 15% tổng số ca tử vong bạo lực trên toàn cầu, có nghĩa là tự tử có số lần tử vong do bạo lực nhiều gấp 5 lần so với tất cả những cái chết do bạo lực trong chiến tranh.