Bệnh viện tại các đô thị sẽ phải thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

05/09/2019 11:17 AM | Xã hội

Các Bộ GD&ĐT, Y tế, LĐTB&XH và UBND các tỉnh, thành phố vừa được chỉ đạo khẩn trương hướng dẫn, yêu cầu trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phối hợp với tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các Bộ Y tế, GD&ĐT, LĐTB&XH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về các giao dịch cần đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương hướng dẫn, yêu cầu tất cả các trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị (khuyến khích tại các địa bàn khác) phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản; lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) hoặc mã thanh toán QRCode hoặc phần mềm trên điện thoại di động… tại các trường học, bệnh viện để người dân có thể dễ dàng, thuận lợi thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt, hoàn thành trước tháng 12/2019.

Các Bộ GD&ĐT, Y tế, LĐTB&XH còn được chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn tiêu chuẩn, lộ trình triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để các trường học, bệnh viện có thể kết nối, tích hợp dữ liệu với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, cung cấp cho người dân các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trên điện thoại di động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức  trung gian thanh toán tích cực phối hợp với các trường học, bệnh viện đảm bảo hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, an toàn, tiện lợi; nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ đối với thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục và dịch vụ công.

Trước đó, tại Nghị quyết 02 ngày 1/1/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ đã yêu cầu 100% trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, hoàn thành trước tháng 12/2019.

Liên quan đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước trong chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” hồi trung tuần tháng 8 vừa qua cũng đã bày tỏ sự trăn trở trước thực tế 2 ngành GD&ĐT, Y tế - những ngành liên quan trực tiếp đến các nhóm đối tượng yếu thế là người bệnh và học sinh, nhưng thủ tục thanh toán còn mất nhiều thời gian, chưa thuận tiện. Ví dụ như, người bệnh khi ra viện tại nhiều bệnh viện vẫn mất khoảng 30 phút mới thanh toán được viện phí, trong khi người dân chỉ mất 5 giây để thanh toán tiền điện hay cước sử dụng dịch vụ viễn thông.

“Chúng tôi mong rằng 2 ngành Y tế, GD&ĐT và các đơn vị liên quan tới đây sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước để làm sao trong năm nay thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, chúng ta có thể giúp cho phụ huynh học sinh và người bệnh có thể thanh toán học phí, viện phí một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian”, ông Phạm Tiến Dũng nói.

Cúng tại diễn đàn nêu trên, ở góc độ của ngành Y tế, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế cho biết, 4 giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các bệnh viện sẽ được tập trung thực hiện gồm: Bộ Y tế sẽ quy định chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong Y tế; xây dựng chuẩn kết nối giữa ngân hàng và hệ thống thông tin bệnh viện – HIS; xây dựng chuẩn kết nối thanh toán giữa thẻ Napas với HIS; và xây dựng và ban hành chuẩn thanh toán QR y tế.

“Thực tế thời gian qua ở các bệnh viện cho thấy, có 2 điểm nghẽn chính trong thanh toán điện tử ở các bệnh viện cần khắc phục trong thời gian tới là phí dịch vụ thanh toán điện tử còn cao, Bộ Y tế sẽ đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước xem xét nội dung này; và người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đến nhân dân”, ông Trần Quý Tường thông tin thêm.

Theo MT

Cùng chuyên mục
XEM