Bệnh tay chân miệng ở Hà Nội vượt mốc 1.000 ca, có trường hợp thở máy: 3 triệu chứng sớm báo hiệu bệnh trở nặng, cha mẹ cần lưu ý
Bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Do đó, nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc và biến chứng nặng ở trẻ.
Số ca tay chân miệng tăng hơn 5 lần
Theo số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong tuần 26 khu vực miền Bắc ghi nhận 174 trường hợp mắc tay chân miệng, không có ca tử vong. Lũy tích năm 2022, miền Bắc ghi nhận 4.888 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (1.387), số ca mắc đã tăng 252%.
Đáng chú ý, tại Hà Nội, số ca tay chân miệng ghi nhận từ đầu năm đến nay đã vượt mốc 1.000 ca. Cụ thể, tính đến 7/7, số ca tay chân miệng cộng dồn của Thủ đô là 1.028 ca, trong đó chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Như vậy, bệnh nhân tay chân miệng của Hà Nội đã tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 (191 ca).
Trong năm 2022, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận bệnh nhân tay chân miệng. Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh hiện là 3 địa bàn đứng đầu về dịch bệnh này, với số ca bệnh ghi nhận trong năm nay lần lượt là 137 ca, 106 ca, 96 ca.
Gia tăng số trẻ mắc tay chân miệng phải nhập viện. Ảnh: BV Nhi Trung ương
Riêng trong tuần 27 (1 - 7/7), đã có 60 ca tay chân miệng được ghi nhận mới. Trong đó, 3 khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là Ba Vì (12 ca), Mê Linh (5 ca), Cầu Giấy (5 ca).
Theo nhận định của ngành y tế Hà Nội, dự báo số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang vào cao điểm mùa dịch.
Với tay chân miệng, hầu hết các trường hợp mắc ở độ 1, tức là không cần phải nhập viện. Bệnh nhi có thể chỉ bị nổi phỏng nước thông thường kèm theo loét họng, sốt nhẹ, một vài ngày đầu bỏ ăn nhưng sau đó sẽ ổn định. Bệnh thường khỏi sau 7 - 10 ngày.
Song, cũng có không ít trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 4. Đây là mức độ rất nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải can thiệp thở máy.
3 dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng
TS.BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển.
Trẻ mắc Tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.
Dưới đây là 3 dấu hiệu khi trẻ trở nặng mà cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua:
Cha mẹ cần chú ý khi trẻ mắc tay chân miệng bị sốt cao
- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
“Các gia đình khi có con mắc tay chân miệng cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, đồng thời theo dõi sức khoẻ của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Đây cũng là 1 biện pháp cần thiết để phòng bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng”, Bác sĩ Hải khuyến cáo.