Bệnh nhân Covid-19 bật khóc xúc động: "Các bác sỹ giúp tôi gội đầu, lật người, kiên nhẫn bón từng thìa sữa khi tôi diễn biến nặng"

17/04/2020 21:18 PM | Sống

Bà Trương Thị Đ. - bệnh nhân 174 bật khóc, cố lấy hai tay lau vội những giọt nước mắt, miệng không ngớt lời cảm ơn tất cả nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Nhờ có họ, bà đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch của bệnh tật.

15 giờ chiều 17/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cho 17 bệnh nhân. Như vậy, Việt Nam đã chữa trị khỏi cho 198 bệnh nhân, chiếm 74,8%. Số ca bệnh còn lại là 70, hiện đang được theo dõi tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Trong số 17 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có 4 du học sinh, 3 nhân viên công ty Trường Sinh từng cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, nữ phóng viên 183, và các trường hợp khác.

Clip: 17 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh chiều 17/4 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội. Thực hiện: Kingpro

Bệnh nhân Covid-19 bật khóc xúc động: Các bác sỹ giúp tôi gội đầu, lật người, kiên nhẫn bón từng thìa sữa khi tôi diễn biến nặng - Ảnh 2.

17 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh chiều 17/4, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội.


Bệnh nhân Covid-19 bật khóc xúc động: Các bác sỹ giúp tôi gội đầu, lật người, kiên nhẫn bón từng thìa sữa khi tôi diễn biến nặng - Ảnh 3.

Tất cả đều dành sự biết ơn tới đội ngũ y bác sỹ đã tận tình cứu chữa thời gian vừa qua.


"Đội ngũ y bác sỹ giúp tôi gội đầu, kiên nhẫn bón từng thìa sữa"

Bệnh nhân 174 - bà Trương Thị Đ., 57 tuổi, quê Thái Nguyên. Bà là nhân viên chuyên cung cấp nước sôi của Công ty Trường Sinh. Ngày 20/3, bà xuất hiện triệu chứng mệt mỏi nhưng vẫn đi làm. Đến ngày 26/3, bà không thể đi làm nữa. Khi được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả dương tính với SARS-Cov-2, bà đã rất bất ngờ vì bản thân không biết bị lây từ lúc nào và ở đâu.

Ngày đầu khi nhập viện, bà rất hoang mang, suy nghĩ tiêu cực và không thể chợp mắt. Từ 29/3, được chuyển xuống Khoa Cấp cứu vì diễn biến bệnh trở nặng, phải thở máy.

"Một tuần ở phòng Cấp cứu, tôi chỉ thấy áp lực với bản thân mình. Vì quá mệt, tôi không thể tự lật người, không thể ăn, nhưng cố gắng nuốt để có sức khoẻ, mau chóng vượt qua căn bệnh này", bà nói.

Bệnh nhân Covid-19 bật khóc xúc động: Các bác sỹ giúp tôi gội đầu, lật người, kiên nhẫn bón từng thìa sữa khi tôi diễn biến nặng - Ảnh 4.

Bà Trương Thị Đ., 57 tuổi, quê Thái Nguyên - bệnh nhân 174.


Để cứu chữa cho bệnh nhân Đ., các bác sỹ và điều dưỡng đã cố gắng giúp đỡ bà lật người, hoặc những khi bà muốn ngồi dậy.

"Đội ngũ y bác sỹ giúp tôi gội đầu, nâng từng bước. Họ chăm sóc tôi ân cần và chu đáo, đều đặn mỗi ngày. Tôi uống một cốc sữa rất lâu mới hết, nhưng cô điều dưỡng vẫn kiên nhẫn cầm cốc, bón từng thìa. Tôi rất xúc động", bà Đ. bật khóc.

Nhận kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần liên tiếp, đủ điều kiện khỏi bệnh, bà Đ. vui như vừa trút được một gánh nặng. Người phụ nữ lớn tuổi lạc quan hơn trước rất nhiều, vì biết rằng sắp tới sẽ được về với gia đình.

Không biết tên, cũng chẳng thể biết rõ mặt đội ngũ y bác sỹ vì họ luôn mặc đồ bảo hộ kín mít mỗi ngày, nhưng bà Đ. cảm nhận được thứ tình yêu mà họ gửi trao cho bà. Họ đã cứu sống, giúp bà tiếp tục được hưởng hạnh phúc.

Bà bật khóc, cố lấy hai tay lau vội những giọt nước mắt, miệng không ngớt lời cảm ơn tất cả nhân viên y tế.

Bệnh nhân Covid-19 bật khóc xúc động: Các bác sỹ giúp tôi gội đầu, lật người, kiên nhẫn bón từng thìa sữa khi tôi diễn biến nặng - Ảnh 5.

Bà xúc động khi nhớ lại hành động chăm sóc của các bác sỹ Khoa Cấp cứu.


"Tôi muốn gửi lời cảm ơn, cảm ơn rất nhiều tới các y bác sỹ"

Đặng Thị Đ., 25 tuổi, từ Nhật Bản về nước ngày 25/3 trên chuyến bay NH857 sau khi kết thúc 3 năm thực tập sinh. Thời điểm đó, nước Nhật chưa có nhiều bệnh nhân Covid-19 như hiện giờ.

Sau nhập cảnh, cô được cách ly tập trung tại Đại học FPT (Láng Hoà Lạc, Hà Nội). Khi bạn cùng phòng được xác định dương tính với SARS-Cov-2, ban đầu Đ. sợ. Nhưng sau, cô chuẩn bị tinh thần, suy nghĩ rằng bản thân có thể sẽ nhiễm Covid-19.

Ngày 31/3, Đ. được công bố là bệnh nhân 217 trên cả nước, chuyển tới cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội.

"Tôi biết nhiều bệnh nhân bị lây nhiễm trên máy bay, nên về tới Việt Nam, tôi mong muốn được cách ly ngay để phòng tránh dịch bệnh. Bản thân thực sự an toàn, tôi mới dám về quê", Đ. nói.

17 ngày điều trị, đón nhận sự nhiệt tình của đội ngũ y bác sỹ, Đ. nói rằng, cô đã hiểu vì sao các bệnh nhân Covid-19 đều cảm thấy an tâm khi chữa trị tại Việt Nam.

"Mỗi ngày, các bác sỹ thăm khám, hỏi han tình hình sức khoẻ. Họ chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ một cách nhiệt tình và ân cần", cô cho biết.

Bệnh nhân Covid-19 bật khóc xúc động: Các bác sỹ giúp tôi gội đầu, lật người, kiên nhẫn bón từng thìa sữa khi tôi diễn biến nặng - Ảnh 6.

Đặng Thị Đ., 25 tuổi, quê Nghệ An - bệnh nhân 217.


Để chọn ra hành động nào của y bác sỹ khiến bản thân ấn tượng nhất trong suốt thời gian qua, Đ. nói thật khó. Với cô, mọi việc làm, cử chỉ chăm sóc của họ, đều thật sự ý nghĩa và xúc động.

"Tôi muốn gửi lời cảm ơn, cảm ơn rất nhiều tới các y bác sỹ".

Đ. sẽ tiếp tục được theo dõi sức khoẻ và xét nghiệm 2 lần trước khi xuất viện. Về Nghệ An, cô dự định tự cách ly thêm 14 ngày, để bản thân thực sự an toàn với cộng đồng và xã hội.

Bác sỹ Khoa Cấp cứu: Giãn cách xã hội luôn là biện pháp tối ưu trong phòng chống dịch bệnh

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp -Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đến nay rất nhiều bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và xuất viện, số bệnh nhân mới giảm đi rất nhiều.

"Có nghĩa là ngày chúng ta có thể chấm dứt dịch bệnh đang đến rất gần", anh nói.

Theo bác sỹ Cấp, giãn cách xã hội luôn là biện pháp tối ưu trong phòng chống dịch bệnh bởi vì quyết định này giúp giảm nguy cơ lây lan virus SARS-Cov-2. Do đó, nếu hình thành lên một ổ dịch mới, sẽ được phát hiện và xử lý sớm. "Khi một đốm lửa cháy, chúng ta biết được và dập sớm thì nó không lan rộng ra. Đấy là lý do giãn cách xã hội giúp giảm bớt số bệnh nhân mới xuất hiện và giảm tải cho bệnh viện", bác sỹ Cấp nhấn mạnh.

Về tình hình sức của các bệnh nhân nặng, anh Cấp cho biết họ đều đang có tiến triển rất tốt. Riêng Khoa cấp cứu ban đầu có 12 bệnh nhân nặng, nay chỉ còn 2, đang trong giai đoạn cai máy thở.

"Sau một thời gian điều trị, các bác sỹ đã tích luỹ được kinh nghiệm, làm sáng tỏ nhiều vấn đề thắc mắc về loại virus mới này. Chính vì vậy, việc điều trị có những bước tiến bộ tốt hơn so với giai đoạn đầu".

Bệnh nhân Covid-19 bật khóc xúc động: Các bác sỹ giúp tôi gội đầu, lật người, kiên nhẫn bón từng thìa sữa khi tôi diễn biến nặng - Ảnh 7.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp -Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.


Để giảm thiểu nguy cơ bệnh nhân dương tính trở lại với virus sau khi được công bố khỏi bệnh, bác sỹ Cấp nhấn mạnh, ngay từ đầu quy trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-10 tại Việt Nam đều rất cẩn trọng. Cụ thể, tất cả trường hợp âm tính sau khi khỏi bệnh, về địa phương vẫn tiếp tục cách ly, theo dõi 14 ngày, có sự giám sát của Bệnh viện hoặc y tế dự phòng địa phương. 

"Chúng tôi đang nghiên cứu, lý giải tình trạng bệnh nhân dương tính trở lại, mong sẽ có kết quả trong thời gian tới", bác sỹ nói. 

Theo Minh Nhân, Ảnh: Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM