"Bê cả tô phở lên húp là phàm phu tục tử" - quan điểm dậy sóng MXH, siêu đầu bếp lên tiếng
Người ta tranh cãi dữ dội về chuyện "bê cả tô phở lên húp là phàm phu tục tử", người đồng tình, người dị ứng. Siêu đầu bếp Võ Quốc cũng chia sẻ quan điểm của mình.
Húp: đưa thức ăn lỏng vào mồm bằng cách kề môi vào miệng vật đựng và hút mạnh dần từng ít một. (Từ điển tiếng Việt)
"Đưa cả tô phở lên húp là kẻ phàm phu tục tử"
Chuyện ăn uống, vốn là chuyện riêng tư của từng cá nhân, nhưng khi đã nâng tầm thành văn hóa ẩm thực, có nhiều chuyện để bàn. Nguồn gốc món ăn từ đâu, nấu thế nào mới chuẩn vị, ăn sao cho đúng... cũng có thể trở thành đề tài mạn đàm, thậm chí cãi cọ "nảy lửa". Động đến những món "quốc hồn quốc túy", là đặc sản địa phương, niềm tự hào của vùng miền, của dân tộc lại càng được quan tâm.
Mới đây, một người yêu phở đã khiến cộng đồng ẩm thực dậy sóng trước "tuyên ngôn" thẳng thắn và dễ gây mích lòng: "Bê cả tô phở lên húp nước là hành vi của kẻ thấp kém, phàm phu tục tử".
Người này còn gây tranh cãi gay gắt khi so sánh những người bê cả tô phở lên húp giống như những kẻ... biến thái; thậm chí đẩy cao vấn đề, cho rằng cách ăn uống "thô tục" đó có nguồn gốc từ vấn đề giáo dục ẩm thực của gia đình.
Quan điểm gây tranh cãi dữ dội về việc ăn phở bê tô lên húp nước.
Bỏ qua những động chạm đến việc giáo dục và các thế hệ, bỏ qua chuyện người ta chỉ trích phát ngôn trên hơi "xéo xắt", chuyện văn minh trong ăn uống quả thực đáng bàn. Dân tình lập tức chia phe, người đồng tình với quan điểm trên, rằng chuyện "học ăn" thời gian gần đây đúng là bị xem nhẹ. Việc ăn uống không tinh tế, kém chọn lọc có thể làm ảnh hưởng đến tinh hoa ẩm thực của người Việt hiện đại.
Nhưng cũng có người cho rằng, không nên soi mói quá mức chuyện miếng ăn miếng uống của kẻ khác. "Ví dụ bác thích ăn thịt gà nhưng cầm đũa gắp, còn tôi thích cầm tay. Vậy theo bác ai sai? Ăn sao cho không mất vệ sinh, không ảnh hưởng đến người xung quanh, đó mới là cái đúng trong ẩm thực. Còn cách thức thì muốn ăn thế nào chẳng được" - một người bình luận.
Siêu đầu bếp Võ Quốc: Ăn món nước phải húp mới sảng khoái, nhưng xì xụp thì đúng là thô tục
Siêu đầu bếp Võ Quốc - một trong những người rất trân trọng văn hóa ẩm thực cổ truyền - đã có trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện này. Anh cho rằng, quan điểm trên vừa đúng, lại vừa sai.
Sai ở chỗ: "Mình ăn phở thì mình phải húp. Ăn các món nước là phải húp mới sảng khoái. Thậm chí khi bê tô lên, tay mình ôm vào tô cũng truyền hơi nóng, cũng tương tác về ngũ quan, đúng chứ không sai. Nước mình là văn hóa món sợi và nước mà!
Sợi là dùng đũa để gắp, còn nước thì húp giúp trung hòa hương vị, làm ấm người lên. Xưa dùng đũa thôi thì húp từ tô, sau này văn minh rồi có thìa thì hay múc một thìa nước, gắp một miếng thịt, miếng mì hay bánh phở bỏ vào rồi đưa thìa lên ăn toàn bộ.
Dù vậy thì húp vẫn là một hành động bình thường".
Nhưng siêu đầu bếp cũng nhấn mạnh, quan điểm trên có phần đúng. "Phải biết ăn ở đâu, ở nền văn hóa nào. Ví dụ ở Hàn Quốc, Nhật Bản thì húp xì xụp ra tiếng động thì thể hiện sự hài lòng, khen ngon, tri ân ngưởi nấu nướng. Nhưng ở Việt Nam, ăn mà tạo ra tiếng động ồn ào là bất lịch sự. Hồi đó các cụ ăn món nước vẫn bê cả tô lên húp, nhưng húp nhẹ nhàng giống như thưởng trà.
Quan trọng là húp không được ra tiếng động. Đó là ăn thanh cảnh, ăn có văn hóa. Còn húp xì xụp, rột rột, tạo ra âm thanh ồn ào làm phiền người khác, trong văn hóa Việt Nam thì không được. Húp xì xụp ở quán hay ở nhà, tôi cũng đồng ý là thô tục".
Siêu đầu bếp nói thêm, nhiều người vì ngại húp nước dùng mà khi đi ăn các món sợi chỉ vớt thức ăn và sợi rồi chừa lại nhiều nước. Anh cho rằng, ăn chừa nước là dại, vì có câu "nhất mì nhì cốt". Người nấu các món sợi phải dụng công rất nhiều cho nước dùng, nều bỏ đi thì rất phí, không có sự cân bằng trong món ăn. "Thậm chí húp hết nước dùng cũng được, không ai đánh giá là thô tục. Điều đó chỉ thể hiện mình biết ăn, trân trọng người nấu" - siêu đầu bếp bình luận.