Bầu Thụy sắp xây siêu dự án trung tâm thương mại và shophouse trên "đất vàng" của khách sạn Kim Liên với quy mô 14.300 tỷ đồng
Dự kiến dự án sẽ xây 8 block, gồm các khu trung tâm thương mại, dịch vụ và shophouse, với tổng chi phí thực hiện 14.287 tỷ đồng. Để đảm bảo quy định của pháp luật là vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư, công ty của bầu Thụy sẽ phải tăng vốn 40 lần, lên 2.786 tỷ đồng.
Công ty cổ phần du lịch Kim Liên (đơn vị sở hữu khách sạn Kim Liên tại số 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội) ngày 19/1 vừa qua đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Về nhân sự, khách sạn Kim Liên đã miễn nhiệm ông Vũ Hoàng và ông Trịnh Văn Thiệm, bầu bổ sung ông Vũ Ngọc Định và ông Nguyễn Chí Kiên vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2023.
Về đầu tư, cổ đông công ty đã thông qua việc ủy quyền cho Hội đồng quản trị tìm kiếm và lựa chọn các nhà đầu tư, đối tác chiến lược để triển khai, hợp tác cùng phát triển dự án Khu phức hợp Kim Liên.
Về vốn điều lệ, công ty sẽ tăng vốn từ 69,57 tỷ đồng lên 2.786 tỷ đồng (tăng 40 lần).
Theo tài liệu Đại hội cổ đông, công ty đã mời Savills Việt Nam nghiên cứu thị trường, tư vấn ý tưởng phát triển và nghiên cứu khả thi dự án Kim Liên. Theo nghiên cứu này, tổng chi phí cho việc thực hiện dự án dự kiến khoảng 615,8 triệu USD, tương đương 14.287 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư theo quy định của pháp luật khi thực hiện dự án Kim Liên.
Trong phiên thảo luận tại đại hội, các cổ đông tổ chức đã đề nghị ban lãnh đạo làm rõ hơn về dự án Kim Liên. Các cổ đông này cho rằng, thông tin về dự án, cơ sở cho việc tăng vốn vẫn còn quá chung chung, không đủ dữ liệu để cổ đông thảo luận và cho ý kiến tại đại hội.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, lãnh đạo khách sạn Kim Liên cho biết, dự án này dự kiến xây 8 block, gồm các khu trung tâm thương mại, dịch vụ và shophouse. Lợi thế của dự án là tọa lạc trên khu đất rộng và ở vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội.
Khách sạn Kim Liên đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài để thực hiện khảo sát và tư vấn triển khai dự án, đồng thời cũng đã ký kết một số hợp đồng đối với một số đối tác như Tân Hoàng Minh, nhà thầu Delta để triển khai thực hiện dự án.
Theo báo cáo tài chính, doanh thu khách sạn Kim Liên bất ngờ giảm mạnh trong năm 2018, sau khi duy trì ổn định suốt giai đoạn 2012-2017.
Về lợi nhuận, khách sạn Kim Liên đều đặn sinh lời cho các cổ đông các năm 2012-2014. Tuy nhiên, đến năm 2015, khách sạn bất ngờ chịu khoản lỗ tới 33,8 tỷ đồng do các loại chi phí tăng vọt.
Sau khi thua lỗ, khách sạn Kim Liên đấu giá cổ phần ra công chúng. Trong cuộc đấu giá mua 52,4% cổ phần, ông bầu Nguyễn Đức Thụy đã chi 1.000 tỷ để sở hữu chi phối cổ phần tại khách sạn này. Bầu Thụy từ đó đến nay làm Chủ tịch khách sạn Kim Liên.
Dưới tay bầu Thụy, khách sạn Kim Liên có lãi trở lại trong suốt 3 năm 2016-2018, mức lợi nhuận dao động trong khoảng 8-9 tỷ đồng mỗi năm. Khi mua khách sạn Kim Liên, bầu Thụy từng khẳng định: "Định hướng trong thời gian tới Khách sạn Kim Liên sẽ được phát triển thành một điểm nhấn của Hà Nội với tổ hợp khách sạn 4 và 5 sao thương hiệu quốc tế".
Cơ cấu cổ đông khách sạn Kim Liên
Ngoài Thaigroup của bầu Thụy, các cổ đông lớn khác của khách sạn Kim Liên hiện tại gồm GP Bank, Bình Minh Group, Công ty Tài chính Bưu điện, CTCP tư vấn xây dựng dân dụng và công nghiệp Ninh Binh, ông Nguyễn Cao Cường.
Trong năm 2018, GPBank đã chuyển nhượng bớt cổ phần tại khách sạn Kim Liên sang Bình Minh Group và ông Nguyễn Cao Cường. Đồng thời CTCP Đầu tư dầu khí Toàn cầu (GP.Invest) chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho CTCP tư vấn xây dựng dân dụng và công nghiệp Ninh Bình.