Bầu cử Mỹ: Cuộc đua tốn kém nhất lịch sử và những "sợi dây" trói buộc quyền lực Tổng thống

02/11/2020 08:20 AM | Xã hội

Trong danh sách 45 đời Tổng thống Mỹ, có những người được lịch sử vinh danh như một Tổng thống vĩ đại, có những người tên tuổi bị quên lãng vào quá khứ...

Nguyên nhân một phần nằm ở năng lực lãnh đạo, một phần nằm ở bản thân Hiến pháp không trao cho Tổng thống quá nhiều quyền lực.

Những Tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ là những người có tố chất lãnh đạo, quản lý, tầm nhìn chiến lược và trên hết là khả năng thu phục quần chúng, gắn kết sự đồng thuận cao giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, tạo nên sức mạnh tổng quát, giải quyết được nhiều hồ sơ quan trọng của nước Mỹ.

Năm 2020, Mỹ tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Tổng thống, toàn thể 435 Dân biểu Hạ viện, 35/100 Thượng nghị sĩ ở Thượng viện và và 13 Thống đốc Tiểu bang. Nhưng trên hết, đây là cuộc bầu cử lựa chọn người lãnh đạo Mỹ trong 4 năm sắp tới, lựa chọn giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến sẽ chi phối đời sống chính trị của Mỹ.

Theo ước tính của Trung tâm phản ứng chính trị (CRP), tổng chi phí cho các chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện dự kiến lên đến 14 tỷ USD. Trong đó riêng cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên John Biden và Tổng thống Donald Trump đã lên đến 6,6 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều tổng số tiền đã chi trong cuộc đua vào Nhà Trắng và Quốc hội vào năm 2016.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc đua tốn kém nhất lịch sử và những sợi dây trói buộc quyền lực Tổng thống - Ảnh 1.

Ảnh: REUTERS

Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ được coi là cuộc đua tốn kém bậc nhất trong lịch sử chính trị thế giới. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, chiếc ghế Tổng thống không mang lại cho người ngồi lên quá nhiều quyền lực.

Từ thời lập quốc (năm 1776), các bậc Quốc phụ của Mỹ đã soạn ra bản Hiến pháp (năm 1787) với mục đích là giới hạn quyền lực của Tổng thống. Bản Hiến pháp dựa trên tư tưởng Tam quyền phân lập giữa ba nhánh quyền lực là Lập pháp (Quốc hội), Hành pháp (Tổng thống) và Tư pháp (Tòa án). Ba nhánh quyền lực có sự ràng buộc, giới hạn và giám sát lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước.

- Thứ nhất, trong quan hệ giữa Hành pháp và Lập pháp, Tổng thống bị chi phối và phải biết dung hòa quyền lợi với Quốc hội. Theo Hiến pháp, Quốc hội là một định chế quyền lực được tổ chức theo mô hình lưỡng viện, gồm hai viện là Thượng viện và Hạ viện.

Thượng viện Mỹ có quyền lực rất lớn trong việc tán thành các Hiệp ước quốc tế như là điều kiện tiên quyết để Hiệp ước đó được Mỹ công nhận và có hiệu lực, ngoài ra Thượng viện còn có quyền lực trong việc phê chuẩn nhân sự quan trọng của đất nước. Tất cả các chức vụ trong Nội các, Thẩm phán Tối cao pháp viện đều được Tổng thống trình và Thượng viện phê chuẩn với nguyên tắc đa số.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc đua tốn kém nhất lịch sử và những sợi dây trói buộc quyền lực Tổng thống - Ảnh 2.

Ảnh: REUTERS

Trong 4 năm lãnh đạo, Tổng thống Trump với chỗ dựa từ đa số của đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã rất dễ dàng thông qua những nhân sự quan trọng, đặc biệt là phê chuẩn được 3 Thẩm phán Tối cao pháp viên (một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử Mỹ).

Hạ viện có quyền lực trong vấn đề về thu chi ngân sách quốc gia, nhu cầu tăng trần nợ công, quyền lực trong việc luận tội Tổng thống… Tổng thống Obama và Donald Trump là những người cảm thấy rất rõ quyền lực của Hạ viện tác động đến quyết định của Tổng thống, nhất là trong bối cảnh mâu thuẫn đảng phái trở nên gay gắt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Năm xưa, khi Đảng Cộng hòa khi nắm Hạ viện đã tìm cách đóng cửa Chính phủ liên bang trong 17 ngày (tháng 10/2013) để phản đối kế hoạch ngân sách của Tổng thống Obama. Hiện tại, đảng Dân chủ nắm đa số ở Hạ viện đã nhiều lần ngăn cản quyết định của Tổng thống Trump, trong đó đặc biệt là kế hoạch xây dựng bức tường biên giới giáp với Mehico.

Không những vậy, với quyền lực rất lớn, Hạ viện đã rất nhiều lần mở ra các cuộc điều tra, tiến hành luận tội Tổng thống Trump… gây ra rất nhiều khó khăn cho Nhà Trắng và bất ổn chính trị tại Mỹ.

Trong lịch sử nước Mỹ có hai lần Tổng thống bị luận tội đó là trường hợp của Cựu Tổng thống Andrew Johnson (năm 1868 ) và Bill Clinton (năm 1998) bị Hạ viện luận tội nhưng khi đưa lên Thượng viện để xét xử thì được tha bổng vì không đạt đủ 2/3 số phiếu cần thiết để luận tội Tổng thống.

Năm 2013, Tổng thống Obama cũng đã đứng trước nguy cơ bị Hạ viện đưa ra luận tội sau những bê bối về vụ ám sát Đại sứ Mỹ tại Libya, vụ bê bối trong cơ quan thuế vụ và việc Bộ Tư pháp giám sát điện thoại cùng thư điện tử của phóng viên hãng AP.

Điều này giải thích trong cuộc bầu cử năm 2020, ngoài cuộc bầu cử Tổng thống, cuộc bầu cử ở Hạ viện và Thượng viện cũng rất được chú ý. Trong bối cảnh mâu thuẫn đảng phái lên cao, trường hợp Tổng thống Trump đắc cử, đảng Dân chủ chiếm trọn Thượng viện và Hạ viện sẽ gây ra rất nhiều bất ổn cho nền chính trị Mỹ.

Thứ hai, Tổng thống còn gặp phải sức cản từ Tòa án Tối cao với 9 vị thẩm phán. Theo Hiến pháp Mỹ thì Tòa án tối cao còn có quyền lực có phần cao hơn cả Hành pháp và Lập pháp. Ngoài quyền lực trong việc diễn giải Hiến pháp Mỹ thì Tòa án tối cao còn có quyền phủ quyết các quyết định của Tổng thống, các nghị quyết, đạo luật của Quốc hội Mỹ.

Trong 4 năm lãnh đạo, Tổng thống Trump đã 3 lần để cử và đều được Thượng viện phê chuẩn 3 Thẩm phán Tối cao pháp viện. Đặc biệt là sự kiện bà Amy Coney Barrett được bổ nhiệm vào thế Thẩm phán thứ 9 trong Tối cao pháp viện là sự kiện quan trọng nhất của ngành Tư pháp Mỹ trong vòng 30 năm tới.

 Bầu cử Mỹ: Cuộc đua tốn kém nhất lịch sử và những sợi dây trói buộc quyền lực Tổng thống - Ảnh 3.

Ảnh: Getty Images

Khi bà Barrett ngồi vào Tối cao Pháp viện, cán cân giữa hai tư tưởng bảo thủ và cấp tiến đã trở nên rõ ràng, 6 người có tư tưởng bảo thủ, 3 cấp tiến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định chung của Tối cao pháp viện trong việc hủy bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe (Obamacare), hay kết thúc việc tranh cãi về nạo phá thai của Mỹ...

Thẩm phán Tối cao pháp viện cho nhiệm kỳ trọn đời, hiện tại các thẩm phán có tư tưởng bảo thủ đều không quá già, hoàn toàn có khả năng làm việc thêm 20 -30 năm tiếp theo và kết quả là tư tưởng bảo thủ sẽ chi phối đời sống chính trị của Mỹ trong thời gian rất dài tiếp theo. Những Tổng thống tiếp theo thuộc đảng Cộng Hòa sẽ có nhiều thuận lợi trong công việc, còn các Tổng thống thuộc đảng Dân chủ sẽ rất khó khăn.

Thứ ba, về lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Mỹ ngoài việc bị chi phối bởi Hạ viện trong việc quyết định thu chi ngân sách thì Tổng thống còn bị chi phối bởi quyết định của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong vấn đề về quản lý tiền tệ và tín dụng.

Cục dự trữ Liên bang Mỹ là một cơ quan mang tính chất bán công, Tổng thống chỉ có quyền đệ trình lên Thượng viện phê chuẩn nhân sự cho Cục dự trữ liên bang nhưng mọi quyết định về nâng lãi suất, bơm tiền ra thị trường thì không nằm trong tay Tổng thống Mỹ hay Quốc hội mà nằm trong tay những thành viên trong Hội đồng thống đốc và Ủy ban thị trường mở (FOMC).

Thứ tư, Tổng thống luôn phải chú ý đến quan điểm và hành động của những chính quyền Tiểu bang. Theo Hiến pháp Mỹ, các Tiểu bang có quyền rất lớn trong việc ra luật lệ, pháp luật và độc lập với chính quyền liên bang. Thống đốc Tiểu bang có quyền lực khá lớn, hoàn toàn có thể không tuân theo các quyết định đến từ Tổng thống.

Sự kiện ngăn cản người nhập cư đến từ các Tiểu bang miền Nam hay việc giải quyết các cuộc bạo động đến từ người da màu trong thời gian qua, đã cho thấy sự khó khăn của Tổng thống trong việc điều hành đất nước.

Thứ năm, lĩnh vực đối ngoại là lĩnh vực mà Tổng thống Mỹ được Hiến pháp trao cho khá nhiều quyền hạn. Tổng thống là Tổng tư lệnh quân đội, là người quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng Tổng thống Mỹ vẫn bị ràng buộc bởi Quốc hội trong việc chuẩn chị ngân sách quốc phòng ở Hạ viện và quyền phát động chiến tranh.

Bên cạnh đó, trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Mỹ còn chịu ảnh hưởng từ những "mối nguy bất lường" đưa đến. Khi đi ra tranh cử Tổng thống năm 2000, Tổng thống George W. Bush đã lên án việc Tổng thống Clinton đưa quân tiến đánh Liên bang Nam Tư, ông Bush đưa ra quan điểm sẽ tập trung vào đối nội, cải tạo xã hội và kinh tế nước Mỹ.

Tuy nhiên sự kiện ngày 11/9 đã làm thay đổi toàn bộ chiến lược đối ngoại, kết quả là nước Mỹ bước vào hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq hao người tốn của.

Quay trở lại thời điểm hiện tại, nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, chính sách đối ngoại sẽ không có nhiều thay đổi. Nhưng nếu ông Biden đắc cử, với quan điểm cấp tiến và quan điểm khác biệt, nước Mỹ sẽ vẽ lại chính sách đối ngoại. Đây là thách thức rất lớn cho các nước đồng minh và nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng từ chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tựu chung lại, Tổng thống Mỹ có tiếng là một trong những người quyền lực nhất thế giới, lãnh đạo siêu cường Mỹ. Nhưng thực tế Tổng thống rất ít quyền lực, bị chi phối giữa nhiều cơ quan cá nhân… trong việc hoạch định, giải quyết các chính sách về đối nội và đối ngoại.

Điều này giải thích vì sao trong lịch sử Mỹ có những Tổng thống trở nên vĩ đại, nhưng có những người bị lịch sử lãng quên. Tổng thống tiếp theo của Mỹ với quyền lực hạn chế và mâu thuẫn đảng phái lên cao sẽ có rất nhiều việc phải làm để khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19, nâng cao vị thế, tiếng nói và lợi ích của Mỹ trên trường quốc tế.

Bùi Mạnh Thành

Cùng chuyên mục
XEM