Bắt tay với nhiều “đại gia” Fintech cùng hàng chục ngân hàng lớn nhỏ tại Việt Nam, NAPAS thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm
Trong năm 2016, tổng giá trị giao dịch của các ngân hàng thực hiện qua hệ thống NAPAS đạt 320 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước đó. Nguồn thu của NAPAS chủ yếu đến từ việc thu phí các dịch vụ ngân hàng. Bởi vậy, hoạt động giao dịch qua ngân hàng càng nhiều thì NAPAS càng hưởng lợi.
Năm 2016, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) ra đời trên cơ sở sáp nhập CTCP Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) với CTCP Dịch vụ thẻ Smartlink để xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Vốn điều lệ NAPAS tính tới cuối năm 2017 đạt 312,5 tỷ đồng với cổ đông chính gồm Ngân hàng Nhà nước nắm giữ 49% cổ phần, còn lại là các Ngân hàng TMCP như Agibank, BIDV, Vietinbank, Sacombank…
Hiện tại, NAPAS đang quản trị và vận hành một hệ thống kết nối liên thông mạng lưới 17.000 máy ATM, 270.000 máy POS; 300 doanh nghiệp thanh toán điện tử trong các lĩnh vực hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch; hơn 100 triệu thẻ của 47 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Các sản phẩm dịch vụ chính được NAPAS cung cấp bao gồm Dịch vụ chuyển mạch thẻ nội địa, Dịch vụ Cổng Thanh toán, Dịch vụ chuyển mạch thẻ quốc tế, Dịch vụ hỗ trợ Thu hộ, Chi hộ điện tử, Dịch vụ thanh toán và bù trừ điện tử, Dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7.
Trong năm 2016, tổng giá trị giao dịch của các ngân hàng thực hiện qua hệ thống NAPAS đạt 320 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước đó. Nguồn thu của NAPAS chủ yếu đến từ việc thu phí các dịch vụ ngân hàng. Bởi vậy, hoạt động giao dịch qua ngân hàng càng nhiều thì NAPAS càng hưởng lợi.
Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy doanh thu NAPAS trong năm 2016 đạt 1.068 tỷ đồng – tăng 44%, lợi nhuận sau thuế 129 tỷ đồng – tăng 21% so với năm trước đó, biên lợi nhuận ròng đạt 12%. Đây cũng là năm hoạt động đầu tiên của NAPAS sau khi sáp nhập.
Sang năm 2017, kết quả kinh doanh NAPAS tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn với doanh thu tăng 9% lên 1.160 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế đã bứt phá mạnh 64% lên 212 tỷ đồng, tương ứng biên lãi ròng lên tới hơn 18%.
Bắt tay với nhiều "đại gia" fintech
Với phương châm "Một kết nối, mọi thanh toán", NAPAS đã và đang phối hợp với các ngân hàng, các đối tác, các tổ chức chuyển mạch quốc tế cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số hóa tiên tiến nhất trên thế giới như giải pháp thanh toán Tokenization, QRCode...
Vào cuối năm 2017, tỷ phú Jack Ma đã ký kết MOU (biên bản ghi nhớ) hợp tác giữa Alipay thuộc tập đoàn Alibaba với NAPAS, nhằm kết nối cho Alipay vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của các khách du lịch Trung Quốc thực hiện chi tiêu, mua sắm khi đến Việt Nam. Hiện NAPAS đang chờ phê duyệt của NHNN để triển khai.
Lễ ký kết hợp tác giữa Napas và Alipay. Ảnh: Napas.
Không những vậy, NAPAS cũng đã ký thỏa thuận liên minh hệ thống chuyển mạch với Tổ chức Thẻ quốc tế Discover Financial Services (DFS) Hoa Kỳ. Theo đó, hai bên thống nhất kết nối xử lý chuyển mạch các giao dịch thẻ giữa DFS và thị trường Việt Nam thông qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của NAPAS. |
Việc này cho phép các chủ thẻ DFS có thể giao dịch và thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ tại mạng lưới kết nối liên thông hơn 17.000 ATM và hơn 270.000 máy POS tại Việt Nam.
Cũng vào cuối năm 2017, NAPAS và NETS (Network for Electronic Transfers (Singapore) Pte Ltd) đã thông báo về việc 2 tổ chức đã thử nghiệm mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ Blockchain trong dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới.
Hợp tác này mở ra tiềm năng cho phép NAPAS và NETS có thể hỗ trợ việc chuyển tiền giữa các ngân hàng tại Singapore và các ngân hàng tại Việt Nam được thực hiện an toàn, tin cậy và nhanh chóng so với các hệ thống chuyển tiền hiện tại.