Bát nháo homestay, farmstay: Kiến nghị địa phương tăng cường hướng dẫn, xử lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL cho biết, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) đang tăng nhanh số lượng với 14.470 cơ sở, đóng góp quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc quản lý và phát triển homestay gặp không ít khó khăn....
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay: Homestay là loại hình cơ sở lưu trú du lịch đặc biệt, được nhiều du khách yêu thích. Khác với khách sạn, nhà nghỉ hay biệt thự du lịch, khách du lịch tới các homestay sẽ được sinh hoạt cùng người dân bản xứ. Sự phát triển hệ thống homestay đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, tăng cường giao lưu văn hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương vùng sâu, vùng xa. Với giá cả hợp lý, homestay phù hợp với du khách có thu nhập trung bình, đồng thời tạo sinh kế cho nhiều gia đình ở khu vực nông thôn mà không đòi hỏi đầu tư quá lớn;
Homestay cũng góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Nhiều homestay tại Việt Nam đã được khách đánh giá cao, nhiều cơ sở tại Quảng Nam, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sơn La giành được các giải thưởng của ASEAN.
Hoạt động của homestay đang đặt ra những yêu cầu về quản lý, hỗ trợ phát triển. Ông có kiến nghị gì để các homestay nâng cao chất lượng dịch vụ?
Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) hiện nay thực hiện theo quy định về điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê do Chính phủ ban hành tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VHTT&DL.
“Đến nay, 42/63 tỉnh thành phố của Việt Nam có loại hình lưu trú này với 14.470 cơ sở, gấp 3 lần về số cơ sở và tăng 80% về sức chứa so với năm 2021, gấp 4 lần về cơ sở so với năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid 19), xuất hiện cả ở khu vực thành thị và nông thôn, miền núi và hải đảo…”.
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Đây là loại hình cơ sở lưu trú du lịch nên yêu cầu phải đáp ứng tất cả các quy định và điều kiện của cơ sở lưu trú du lịch, cả an toàn cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy các cơ quan quản lý trong các lĩnh vực này cần tăng cường chỉ đạo hướng dẫn đơn vị thực hiện và xử lý khi vi phạm.
Năm 2017, Bộ Khoa học công nghệ đã công bố Tiêu chuẩn quốc gia nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê TCVN 7800:2017. Trong khu vực ASEAN cũng đã có tiêu chuẩn homestay ASEAN. Đây là các tài liệu giúp định hướng cho các cơ sở kinh doanh loại hình này nâng cao chất lượng, tuy nhiên chưa được phổ biến rộng rãi.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng phục vụ, các cơ quan quản lý du lịch và chính quyền địa phương cần tăng cường phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật và tiêu chuẩn homestay, tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ cho người dân kinh doanh homestay, chú trọng đào tạo tại chỗ, đặc biệt các nghiệp vụ về đón tiếp khách, nguyên tắc vệ sinh, nghiệp vụ buồng, bếp, tổ chức phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách.
Về giao thông, khả năng tiếp cận đến một số khu vực có homestay còn khó khăn, đường vào hẹp, thiếu nơi đỗ xe, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự quan tâm của ngành giao thông. Về viễn thông, nhìn chung mạng lưới viễn thông đã phủ sóng đến cả những vùng sâu vùng xa nhất. Tuy nhiên, một số ít vùng khả năng truy cập internet còn hạn chế gây khó khăn cho việc phục vụ và liên hệ với khách, giảm hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá, rất mong ngành bưu chính viễn thông quan tâm khắc phục.
Đang có những ý kiến khác nhau việc thu thuế với homestay. Ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Mọi công dân và đơn vị kinh doanh đều phải tuân thủ pháp luật, trong đó có quy định về thuế khi có phát sinh thu nhập, đồng thời thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ người dân trong đó có người dân các vùng khó khăn nhằm xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, tại các vùng khó khăn sẽ có những quy định riêng hỗ trợ của nhà nước trong nhiều nội dung, cả đầu tư, đào tạo và nghĩa vụ với nhà nước.
Trong thời gian tới, Bộ VHTT&DL có những chính sách gì mới để phát triển homestay?
Hằng năm chúng tôi đã lựa chọn các đơn vị hoạt động tốt, chất lượng cao để đề nghị trao giải thưởng ASEAN, giúp tuyên truyền quảng bá cho loại hình này.
Bộ VHTT&DL đang tham gia cùng với các Bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bộ VHTT&DL cũng đã tích cực quảng bá xúc tiến với thị trường quốc tế và trong nước các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số. Những hoạt động này đã mang lại kết quả ban đầu khá tích cực, đặc biệt là với thị trường du lịch nội địa.