Bất ngờ ngay trước phiên xử Phúc thẩm vụ ly hôn nghìn tỷ: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu thay đổi Hội đồng xét xử, lý do là từng bị 2/3 thẩm phán xử "thua"
Phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn đề nghị Chánh án Tòa án Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM thay đổi 2 thẩm phán từng xử bà Thảo thua kiện, đồng thời phân công thẩm phán khác tiến hành tố tụng.
Ngày 2/12, ngay trước giờ bắt đầu phiên xử xử Phúc thẩm vụ án ly hôn, các luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM thay đổi thành phần Hội đồng xét xử (HĐXX). Theo đó, HĐXX gồm 3 người thì có 2 thẩm phán đã từng giải quyết các vụ việc liên quan đến bà Thảo và đều không chấp nhận kháng cáo của bà Thảo.
Trong phần trình bày của mình, bà Thảo cho biết: "Theo quyết định công bố thì HĐXX gồm 3 thẩm phán là: thẩm phán Nguyễn Hữu Ba, thẩm phán Phan Đức Phương, thẩm phán Trương Văn Bình. Kỳ lạ là, trong ngành có tới hàng trăm thẩm phán, nhưng Hội đồng này lại có tới 2 thẩm phán đã từng 2 lần xử thua tôi. Vì vậy, tôi đề nghị xin thay đổi 2 thành viên trong HĐXX này là thẩm phán Phan Đức Phương và thẩm phán Nguyễn Hữu Ba".
Theo điều 56, Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định: "Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án quyết định".
Chính vì vậy, các luật sư của bà Thào đã gửi đơn đề nghị Chánh án Tòa án Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM thay đổi 2 thẩm phán trên, đồng thời phân công thẩm phán khác tiến hành tố tụng để đảm bảo việc xét xử được tiến hành công tâm, đúng pháp luật.
Trước khi xuất hiện trong phiên tòa ngày 2/12, bà Thảo đã 3 lần vắng mặt vào các ngày 18/9, 29/10 và 18/11, chủ yếu với lý do sức khỏe.
Trước đó, ngày 27/3, Tòa án Nhân dân TPHCM đã ra phán quyết vụ ly hôn giữa 2 vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Theo phán quyết này, bất động sản sẽ được chia đôi, ông Vũ giữ khối bất động sản trị giá 350 tỷ đồng còn bà Thảo giữ khối bất động sản trị giá 375 tỷ đồng. Bà Thảo sẽ phải trả ông Vũ phần chênh lệch khoảng hơn 12 tỷ đồng.
Tiền, vàng được tòa xác định có giá trị 1.764 tỷ đồng và Trung Nguyên có giá trị 5.737 tỷ đồng. Tòa phán quyết đây đều là tài sản chung giữa 2 vợ chồng và đều đem ra chia với tỷ lệ ông Vũ 60% và bà Thảo 40%. Ông Vũ được nhận nhiều hơn bà Thảo do tòa xem xét yếu tố đóng góp của ông Vũ.
Với tỷ lệ 6-4, giá trị tài sản thực tế mà ông Vũ được chia là 4.863 tỷ đồng (đã bao gồm bất động sản), trong khi ông Vũ đang sở hữu 6.087 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Thảo được chia 3.363 tỷ đồng, trong khi đang sở hữu 2.139 tỷ đồng. Cũng theo phán quyết của tòa, bà Thảo phải giao toàn bộ cổ phần tại Trung Nguyên cho ông Vũ và nhận lại tiền với giá trị tương ứng. Vì vậy, ông Vũ sẽ phải chuyển cho bà Thảo lượng tiền mặt trị giá lên tới hơn 1.200 tỷ đồng.
Phân chia tài sản theo phán quyết của tòa án ngày 27/3
Sau phán quyết của tòa, bà Thảo cho rằng, bản án "quá bất công" với mẹ con bà và quyết định kháng cáo toàn bộ bản án.
Trong khi đó, phía ông Vũ cũng kháng cáo, đề nghị chia tài sản theo tỷ lệ ông Vũ nhận 70%, bà Thảo nhận 30% thay vì 60-40.
VKS cũng có kháng nghị chỉ ra nhiều vi phạm của tòa sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án.